Xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực; Những kỹ năng cho nguồn nhân lực 4.0; Phát triển thị trường nhân lực; Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Truyên giáo Trung ương, Trưởng Tiểu ban PTNL đã chủ trì phiên họp. Tham dự có các Uỷ viên Hội đồng, thành viên trong Tiểu ban, các Bộ, Ban, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, và các chuyên gia.

Toàn cảnh phiên họp Tiểu ban Phát triển nhân lực

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tập trung thảo luận và nêu giải pháp trọng tâm cho 4 chủ đề: (1) Xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực: phân tích các trường hợp điển hình về vai trò và sự tham gia của doanh nghiệp vào công tác đào tạo nguồn nhân lực ở Việt nam và quốc tế để đúc rút bài học kinh nghiệm đề xuất các giải pháp chính sách; Mô hình hợp tác công tư 3 bên: Chính Phủ – Trường đại học – Doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực; (2) Những kỹ năng cho nguồn nhân lực 4.0 là gì? Trong đó làm rõ những “ngôn ngữ” bắt buộc như trình độ Ngoại ngữ, kiến thức ICT; Cần các cơ chế chính sách gì để thúc đẩy nguồn nhân lực đạt chuẩn; Các giải pháp về đào tạo lại, đào tạo nâng cao nhằm cơ cấu lại nguồn nhân lực hiện nay; (3) Phát triển thị trường nhân lực: Hiện trạng và tiềm năng thị trường nhân lực của Việt nam và phương hướng phát triển nền kinh tế nhân lực; (4) Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ: Phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cũng như các doanh nghiệp công nghệ. Một số câu hỏi được các chuyên gia đặt ra và bàn luận nhiều: cần có chính sách thỏa đáng nào nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được tham gia cùng Chính phủ để giải quyết các bài toán của Việt Nam? Làm thế nào để có sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các trường đại học thúc đẩy sự phát triển một số ngành chọn lọc, đặc biệt là công nghệ thông tin?

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là cơ hội để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, nền kinh tế số; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất. Đồng thời CMCN4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung – cầu lao động. Trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về cung, cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Trước thách thức trên, cần phải tìm ra các giải pháp toàn diện để phát triển nguồn nhân lực nước nhà, qua đó thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển các doanh nghiệp công nghệ, đáp ứng được chuyển đổi sang nền kinh tế số trong giai đoạn hiện nay.

Các đại biểu tập trung thảo luận về những giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh CMCN4.0 và chuyển đổi nền kinh tế số

Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nguồn nhân lực Việt Nam đang còn nhiều bất cập về thể lực, trình độ đào tạo, sức dẻo dai, bền bỉ kém và phần lớn các lao động không qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Với quy mô trên 55 triệu lao động, tuy nhiên chỉ có 22,5% lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ. Phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn lao động Việt Nam có tính kỷ luật thấp và thiếu kỹ năng mềm. Theo TS. Vũ Xuân Hùng cần xây dựng một chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn mới để khắc phục những bất cập, phát huy lợi thế của nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Các uỷ viên Hội đồng QGGD-PTNL: Nhà báo Hồ Quang Lợi, PGS.TS. Hoàng Thị Minh Phương, TS. Lê Đông Phương, TS. Lê Trường Tùng, GS.TS. Phạm Tất Dong nêu ý kiến tư vấn trong phiên họp

Về xã hội hoá phát triển nguồn nhân lực, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT, Uỷ viên Hội đồng QGGD-PTNL khuyến nghị Nhà nước có chính sách khuyến khích hoặc bắt buộc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trong nhà trường cần có doanh nghiệp, trường đào tạo ngành gì thì có doanh nghiệp trong lĩnh vực ấy, ví dụ như trường y có bệnh viện, trường du lịch có công ty du lịch, trường CNTT có công ty phần mềm, trường nông nghiệp có trang trại… Các doanh nghiệp trong nhà trường có thể thành lập theo cơ chế cổ phần/xã hội hóa/hợp tác công tư (PPP). Cần nhanh chóng đảm bảo bình đẳng giữa trường công và trường tư, đặc biệt xem xét điều chỉnh ngay cơ chế bù giá cho người học trường công hiện nay, đang tạo ưu thế cho các trường công và cạnh tranh không lành mạnh giữa khối công với khối tư, cản trở xã hội hóa.

Về kỹ năng cho nguồn nhân lực trong bối cảnh CMCN4.0, Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng cần có những kỹ năng mới ngoài các kỹ năng về ngoại ngữ và CNTT như: kỹ năng tư duy, sáng tạo; kỹ năng phản biện; kỹ năng học tập suốt đời; kỹ năng hợp tác, giao tiếp. Các cơ sở đào tạo cần đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, gắn đào tạo với yêu cầu của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương chia sẻ: Những kiến thức, kỹ năng mới trong bối cảnh CMCN4.0 được các chuyên gia chỉ ra bao gồm những kiến thức, kỹ năng hình thành do sự kết hợp giữa các công nghệ sản xuất (OT) với công nghệ thông tin (IT), đó là: những kỹ năng đòi hỏi sự hiểu biết toàn bộ quy trình, là sự kết hợp giữa kỹ năng OT và IT; hiểu biết về số hoá, tích hợp các yếu tố vật lý (đối tượng) và kết nối chúng với internet để tạo ra hệ thống vật lý mạng (CPS); làm việc trong môi trường số hoá – hệ thống linh hoạt hơn, ít có sự can thiệp của con người, đa kỹ năng, đủ năng lực tham gia toàn bộ quy trình, từ tham gia lên ý tưởng, thiết kế để tối ưu hoá quy trình, đến khắc phục sự cố, bảo trì, bảo dưỡng. Những thay đổi này đòi hỏi các trường đại học, các trường đào tạo nghề phải thực hiện những đổi mới trong giáo dục, đào tạo.

GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đồng tình rằng, bên cạnh việc dạy các kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo nghề còn cần chú trọng đến việc rèn luyện ý thức, kỷ luật lao động cho người lao động. Một đặc thù của lực lượng lao động của Việt Nam là đa số xuất thân từ gia đình nông dân, vốn có ý thức tổ chức kỷ luật kém và thiếu tác phong công nghiệp. Chính điều này đang làm cho lao động Việt Nam mất sức cạnh tranh so với lao động từ các quốc gia láng giềng khác, ngay cả trên thị trường nhân công rẻ. Đặc biệt, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp càng cần thiết đối với lực lượng lao động xuất khẩu hoặc thu hút làm việc trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tư nhân trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài.

PGS.TS. Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng QGGD-PTNL chia sẻ: “Nâng cao chất lượng và trình độ nguồn nhân lực phải được coi là mục tiêu xuyên suốt của phát triển chương trình giáo dục từ cấp học nhỏ tới cấp học cao; xây dựng xã hội học tập và khuyến khích học tập suốt đời; các chương trình đào tạo nâng cao và đào tạo lại cần được cung cấp cho người lao động phù hợp với nhu cầu về kiến thức và kỹ năng cho người lao động mà thị trường lao động đang đòi hỏi; thiết lập cơ quan dự báo cung và cầu lao động; xây dựng hệ dữ liệu cung – cầu lao động cung cấp cho doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và các nhà quản lý”.

Tại phiên họp, các Uỷ viên Hội đồng, thành viên Tiểu ban, các đại biểu, chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển nguồn nhân lực cho CMCN 4.0. Trong đó, tập trung vào giáo dục đại học và sau đại học; Tăng ngân sách chi cho nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; những ưu đãi phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.

 

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban PTNL chủ trì phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Tiểu ban PTNL đã đánh giá cao các báo cáo tham luận của các chuyên gia. Ông cho rằng các báo cáo đã được phản ánh bằng nhiều số liệu cụ thể, có cách tiếp cận mới, trao đổi chuyên sâu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra những “điểm nghẽn” ngăn cản sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho CMCN 4.0 nằm ở cơ chế quản trị và cơ chế tài chính. Kỷ nguyên số sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, khi máy móc dần thay thế con người. Nước ta cũng không nằm ngoài xu thế đó, nhất là khi lực lượng lao động rất dồi dào nhưng lại thiếu năng lực và kỹ năng. Thực tế hiện nay, tỷ lệ lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật chiếm số lượng lớn. Chưa kể lực lượng lao động thiếu các kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng ICT, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp chưa cao, thiếu ý thức trách nhiệm và chậm thích nghi với môi trường mới, năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học và công nghệ của lao động có trình độ cao còn nhiều yếu kém. Việc thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện có phát triển chưa bền vững.

Văn phòng Hội đồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *