Nhận định, mối quan hệ giữa trường đại học học và doanh nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong muốn hai bên cùng quan sát, phân tích nhu cầu của nhau, tận dụng cơ hội để hợp tác, đẩy nhanh sự phát triển của nhau và vì sự phát triển chung của đất nước.
Sáng 18.8, tại Hà Nội, Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực (thuộc Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh) tổ chức Phiên họp thứ nhất với chủ đề: “Chính sách hỗ trợ hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn – Chủ tịch Ủy ban chủ trì phiên họp, cùng sự tham gia của các Ủy viên Ủy ban, các chuyên gia, đại diện một số trường đại học và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, làm thay đổi căn bản và toàn diện mọi hoạt động kinh tế – xã hội trên toàn thế giới, dễ dàng nhận thấy khoa học – công nghệ ngày càng phát triển và chiếm vai trò dẫn dắt, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, thì sự hợp tác giữa các trường đại học – doanh nghiệp (TĐH – DN), đặc biệt trong khối ngành kỹ thuật công nghệ càng trở nên cấp thiết và cần được chú trọng khai thác và phát triển. Đầu ra của các trường đại học chính là yếu tố đầu vào đóng vai trò sống còn của bất kỳ doanh nghiệp nào, bởi nguồn nhân lực có tính năng động, sáng tạo và hoạt động trí óc của con người sẽ tạo nên được những giá trị hữu ích trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Báo cáo chuyên đề về “Chính sách hỗ trợ hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển” chỉ ra mối quan hệ giữa TĐH – DN được coi là chính sách phát triển kinh tế – xã hội mà hầu hết các nước đều quan tâm. Mối quan hệ này mang lại lợi ích cho cả trường đại học, doanh nghiệp và đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian qua, một bộ phận doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để tìm kiếm nhân lực, “đặt hàng” nhân lực chất lượng cao từ phía cơ sở đào tạo và có những động thái thiết thực để đồng hành với các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong quá trình đào tạo.
Về phía trường đại học, ngoài việc gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với hỗ trợ việc làm, tuyển sinh với tuyển dụng thông qua ký kết hợp tác đào tạo, hội chợ việc làm với các doanh nghiệp… nhiều trường còn thành lập các quỹ học bổng, sân chơi khởi nghiệp nhằm mang đến cơ hội tự tạo việc làm, xây dựng bản lĩnh cho sinh viên của mình. Một số trường đại học bước đầu hướng chương trình đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp bằng cách tham khảo ý kiến doanh nghiệp về chương trình đào tạo của mình, mời các doanh nhân tham gia một số chương trình giảng dạy, trao đổi ý kiến, hướng nghiệp…
Nhiều ý kiến nhận định, do các rào cản khách quan mà mối quan hệ giữa TĐH – DN rất khó gắn kết nếu chỉ dựa vào sự “tìm đến nhau” một cách tự nhiên giữa hai chủ thể. Vì vậy, vai trò của Nhà nước là phải làm thế nào để có những chính sách hỗ trợ hợp tác giữa TĐH – DN trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển quốc gia, vừa tạo môi trường cạnh tranh, vừa tạo động thúc đẩy hợp tác giữa TĐH – DN.
Thực tế, so với thế giới, đổi mới trong thúc đẩy hợp tác giữa TĐH – DN ở Việt Nam rất chậm, đặc biệt các chính sách, cơ chế và giải pháp thực thi trong thực tiễn thiếu đồng bộ. Nội dung hợp tác ở các cấp theo xu hướng hội nhập và chia sẻ nguồn lực cùng phát triển trong hợp tác với doanh nghiệp còn hạn chế. Bởi vậy, mô hình hợp tác để đưa các chính sách của Nhà nước, nhu cầu và nguồn lực của trường, cơ sở nghiên cứu, nhu cầu và nguồn lực của doanh nghiệp gần lại với nhau là vấn đề cần được quan tâm, nghiên cứu và triển khai, nhất là tạo cơ chế chính sách để thúc đẩy hợp tác TĐH – DN.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực Nguyễn Kim Sơn nhận định, mối quan hệ giữa TĐH – DN có tầm quan trọng đặc biệt. “Đây là thời điểm mà các trường đại học đang tìm định hướng phát triển mạnh hơn, tận dụng quyền tự chủ cũng như doanh nghiệp và hệ thống nền kinh tế đất nước đang trong đà tăng trưởng. Mong rằng phía đại học quan sát phía doanh nghiệp, phía doanh nghiệp cũng quan sát phía đại học để phân tích nhu cầu của nhau, tận dụng cơ hội để hợp tác, cùng đẩy nhanh sự phát triển của nhau vì sự phát triển chung của đất nước”.
https://daibieunhandan.vn/Giao-duc–Y-te1/hop-tac-truong-dai-hoc—doanh-nghiep-lien-ket-binh-dang-doi-ben-cung-co-loi-i298193/
(nguồn: Thái Minh-Báo Đại biểu nhân dân)