Thúc đẩy hội nhập trong giáo dục

Những năm gần đây, hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo đã có sự phát triển nhanh chóng, giúp giáo dục Việt Nam tiếp cận xu thế thế giới, xây dựng một nền giáo dục tiên tiến phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid-19 đang đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi ngành cần điều chỉnh để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức.

 

Hội nhập với nhiều cấp độ, hình thức

Chiều 29.12, tại Hà Nội, Cơ quan Thường trực Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực tổ chức hội thảo chuyên đề “Chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo” theo hình thức tập trung kết hợp với trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội thảo

PGS. TS. Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Quá trình hội nhập quốc tế đã và đang phát triển rất nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, trong đó hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo là cơ hội, xu thế tất yếu và có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo được thực hiện với nhiều cấp độ và hình thức, song phương, đa phương thông qua sự tham gia vào các cơ chế quốc tế và khu vực, tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. TS. Lê Đình Tĩnh, Học viện Ngoại giao thông tin: Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận với nước ngoài về hợp tác giáo dục, góp phần tạo hành lang pháp lý; thực hiện nhiều chương trình hợp tác, công nhận văn bằng, tín chỉ với các nước trong khu vực và một số nước trên thế giới; thí điểm một số mô hình giáo dục của một số nước có nền giáo dục tiên tiến; liên kết đào tạo với nước ngoài… Ngành giáo dục cũng đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, tạo điều kiện hội nhập giáo dục.

Những năm gần đây, các chương trình giáo dục tích hợp ở mầm non và phổ thông, chương trình tiên tiến, chương trình liên kết đào tạo đã góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế trong các cơ sở giáo dục phổ thông và đại học của Việt Nam, giúp người học được tiếp cận với chương trình quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Hợp tác trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và công bố quốc tế; trao đổi sinh viên giữa Việt Nam và các nước, thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế; dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng được thúc đẩy… Việc kiểm định chương trình giáo dục theo chuẩn quốc tế cũng đã được triển khai. TS. Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng: Trên phương diện hội nhập quốc tế, kiểm định quốc tế các chương trình đào tạo sẽ giúp quá trình công nhận tín chỉ, bằng cấp, liên thông với các trường đại học ngoài nước ở các trường đối tác, thuận lợi trong việc kết nối các hoạt động hợp tác trong đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên, trao đổi tín chỉ, hợp tác nghiên cứu khoa học, nhờ đó củng cố thương hiệu nhà trường trên trường quốc tế, gia tăng được số lượng đối tượng tuyển sinh quốc tế tiềm năng, phục vụ xu thế giáo dục đại học sẻ chia và đại học không biên

Cơ hội bứt phá, rút ngắn khoảng cách trong giáo dục

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia nhìn nhận, việc hội nhập trong quốc tế trong giáo dục và đào tạo ở Việt Nam vẫn còn chậm. Các chương trình liên kết đào tạo tập trung vào trình độ đại học và thạc sĩ, rất ít chương trình tiến sĩ; phần lớn hoạt động hợp tác được thực hiện thời gian qua là hợp tác quốc tế, nghĩa là vẫn dựa chủ yếu vào sự hỗ trợ của phía đối tác, chưa phát huy được tiềm năng và sự chủ động của các cơ sở giáo dục; việc kết nối với các nhà khoa học nước ngoài để thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu còn hạn chế, số lượng chương trình, đề tài hợp tác nghiên cứu còn rất khiêm tốn; số lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, một số cơ sở giáo dục đại học chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm định chất lượng theo chương trình đào tạo…
Theo TS. Nguyễn Ngọc Tân, Trường Đại học Hà Nội, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi cơ sở giáo dục phải nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo, đáp ứng các yêu cầu: giỏi về chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ, và có kinh nghiệm quốc tế. Áp lực đẩy mạnh quá trình quốc tế hóa đang hiện hữu.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng hội nhập quốc tế trong giáo dục đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức

TS. Lê Đình Tĩnh chỉ rõ: Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế mở ra cơ hội phát triển bứt phá chưa từng có cho giáo dục và đào tạo Việt Nam. Đó là cơ hội phát triển giáo dục toàn diện, tăng tiếp cận giáo dục cho toàn dân, chuẩn hóa hệ thống giáo dục quốc dân theo quốc tế, nâng cao năng lực quản lý và quản trị giáo dục chất lượng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, hội nhập giáo dục còn gặp nhiều thách thức. Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn, làm hạn chế việc đi lại, giảm số lượng du học sinh, giảm liên kết quốc tế, gia tăng khoảng cách giáo dục, khoảng cách về trình độ công nghệ… Trong bối cảnh này, phải có giải pháp phù hợp trong chiến lược hội nhập giáo dục, nhằm khắc phục được các thách thức, khai thác cơ hội.

Theo đó, tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống luật pháp, thể chế thúc đẩy đổi mới giáo dục và đào tạo, hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện các điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, xây dựng, tăng cường các chương trình hợp tác song phương, tham gia ký kết các thỏa thuận với các đối tác đi đầu về giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát huy vai trò chủ động và tích cực trong các thể chế, diễn đàn đa phương về giáo dục và đào tạo; nghiên cứu tham gia định hình, xây dựng các thể chế, cơ chế, quản trị, luật lệ, chuẩn mực toàn cầu về giáo dục và đào tạo.

Toàn cảnh Hội thảo

GS. TSKH. Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT góp ý: Trong đào tạo, cần xác định những ngành nghề mới có nhu cầu lực lượng lao động sau đại dịch để ưu tiên hợp tác; phát triển các chương trình đào tạo bán thời gian trong nước và nước ngoài; ưu tiên các chương trình hợp tác giảng dạy trực tuyến kết hợp trực tiếp; tạo cơ hội cho sinh viên học các chương trình truyền thống được thực tập, trải nghiệm thực tế ở nước ngoài. Đồng thời, đổi mới chính sách phù hợp để mời chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu trực tiếp và trực tuyến…
Ghi nhận các ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Hội nhập quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo sẽ giúp kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong quá trình này, chúng ta phải chủ động học hỏi cái hay của thế giới, bằng nội lực để nâng cao chất lượng toàn diện từ đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý, từ đó đưa giáo dục Việt Nam vào nhóm các nước có nền giáo dục tiên tiến, hiện đại của khu vực và thế giới. Các góp ý của chuyên gia, nhà khoa học, thầy cô sẽ được tập hợp, chuẩn bị cho việc xây dựng đề án về hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo giai đoạn tới.

Ngọc Phương
(Báo Giáo dục và Thời đại)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *