Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, giúp các cơ sở phát huy nội lực, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đây cũng là một trong những nội dung liên quan đến việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả mà Hội nghị Trung ương 6 Khóa 12 đang dành nhiều sự quan tâm, thảo luận. Liên quan đến việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
– Thưa bà, ý nghĩa của việc giao quyền tự chủ (nhất là tự chủ về tài chính) cho các cơ sở giáo dục công lập là như thế nào ạ?
Cơ chế bao cấp về quản lý trong thời gian qua dẫn đến tâm lý thụ động, thiếu sáng tạo; hoạt động của các trường đều phải thực hiện theo khuôn mẫu của các quy định nên thiếu linh hoạt, không đáp ứng được những biến đổi nhanh chóng của thị trường. Vấn đề tuyển dụng, thu hút người giỏi phải qua các thủ tục phức tạp của chế độ tuyển dụng công chức, viên chức làm cho các trường đại học công lập Việt Nam không cạnh tranh được với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, các doanh nghiệp đang áp dụng chế độ “trải thảm đỏ” để thu hút nhân tài; hoặc khi thị trường cần mở một ngành đào tạo mới thì cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) phải thực hiện qua nhiều thủ tục hành chính phức tạp làm cho các cơ sở GDĐH khó có thể phản ứng linh hoạt để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Tự chủ đại học là cơ hội để mở ra cho các cơ sở GDĐH nâng cao tính tích cực chủ động, sáng tạo trong hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính để phản ứng linh hoạt, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao cung cấp cho thị trường lao động.
Quyền tự chủ về tài chính thể hiện ở quyền được tự chủ tiếp cận các nguồn lực tài chính, tự chủ sử dụng nguồn thu tài chính (bao gồm từ ngân sách nhà nước, nguồn thu học phí…) trong việc đầu tư, trả lương, thu hút nhân lực dủ năng lực để phát triển hoạt động chuyên môn… Tự chủ về tài chính là điều kiện cơ bản và cần thiết để cơ sở GDĐH thực hiện hiệu quả quyền tự chủ về tổ chức, nhân lực và tự chủ trong hoạt động chuyên môn.
– Trong thời gian tới, Bộ xác định những đơn vị/địa phương nào sẽ tiếp tục là nơi để thực hiện giao quyền tự chủ? Bà có thể cho biết tiến trình hay kế hoạch của Bộ về vấn đề này?
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang trình Chính Phủ áp dụng cơ chế tự chủ cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của Luật Giáo dục đại học; trừ những cơ sở đã thực hiện cơ chế đặc thù của Chính Phủ như ĐH Quốc gia, Trường ĐH Việt Đức, Trường Đại học Khoa học và công nghệ (ĐH Việt Pháp) và các cơ sở GDĐH của Bộ Quốc phòng, Bộ Công An. Bộ GDĐT đã trình Chính Phủ để ban hành Nghị định tự chủ đối với các Cơ sở giáo dục đại học công lập; đồng thời, đang thực hiện sửa Luật GDDH để tạo cơ chế tự chủ cho các trường.
Để thực hiện chủ trương này, Bộ GDĐT đang đẩy mạnh việc thành lập Hội đồng trường tại các trường công lập và nghiên cứu để ban hành/trình ban hành các quy định cần thiết, rõ ràng về mối quan hệ giữa hội đồng trường, đảng uỷ và ban giám hiệu… để thực hiện tự chủ. Trên cơ sở đó, các cơ quan chủ quản sẽ trao quyền cho Hội đồng trường và tạo cơ chế đồng bộ để từng bước xoá bỏ cơ chế chủ quản, đảm bảo quyền tự chủ thực sự cho các trường.
– Trong quá trình thực hiện, chúng ta đã vấp phải những khó khăn, vướng mắc nào, thưa bà?
Như chúng ta đã biết, đổi mới bao giờ cũng gặp khó khăn, lực cản từ nếp cũ. Trong giai đoạn đầu, thực hiện tự chủ trong bối cảnh các nguồn lực, đội ngũ giảng viên và các nhà khoa học còn thiếu và chưa đồng bộ với chuẩn quốc tế; cơ sở vật chất của một số cơ sở GDĐH chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng; nguồn thu của một số cơ sở giáo dục đại học còn thấp, chưa có các cơ chế đảm bảo nguồn thu, nhất là khi tự chủ về đảm bảo nguồn lực tài chính.
Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh để thực hiện tự chủ; nhận thức về tự chủ của một số cơ sở giáo dục đại học và cán bộ quản lý giáo dục còn chưa thống nhất và chưa đầy đủ; cách tiếp cận và tư duy về bản chất, mức độ thực hiện tự chủ đại học còn có điểm khác nhau giữa cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan quản lý về quan điểm, cách thức, mức độ thực hiện tự chủ.
Cùng với đó trình độ quản trị đại học cũng còn hạn chế, thực hiện tự chủ chưa gắn liền với đổi mới quản trị đại học trong cơ sở GDĐH. Mặc dù Luật GDĐH đã có hiệu lực hơn 4 năm nay nhưng còn nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập chưa thành lập Hội đồng trường. Ngay cả những cơ sở đã thành lập Hội đồng trường thì nhiều Hội đồng trường cũng chưa phát huy được vai trò nên ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học, làm cho việc sử dụng nguồn lực kém hiệu quả và chất lượng đào tạo chưa được nâng cao.
– Như vậy, theo bà chúng ta cần có những giải pháp gì để thực hiện tự chủ đại học?
Để thực hiện việc tự chủ đại học, chúng ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện những giải pháp sau:
Đẩy mạnh công tác truyền thông về tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH trong toàn xã hội để tạo nhận thức đúng đắn, thống nhất về tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH. Tổng kết ba năm thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP và tham khảo kinh nghiệm tự chủ đại học của các nước phát triển để xây dựng mô hình tự chủ GDĐH phù hợp với điều kiện Việt Nam, đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả quản trị của Hội đồng trường trong cơ sở GDĐH.
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tự chủ đại học. Chính phủ ban hành Nghị định tự chủ để tiếp nối và chính thức chủ trương từ NQ 77/CP năm 2014. Đi cùng với đó, chúng ta cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật GDĐH và các luật khác như: Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước, Luật viên chức, Luật cán bộ công chức, Luật lao động, Luật quản lý tài sản công, Luật khoa học công nghệ… và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, nhằm đảm bảo sự thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi và thực hiện hiệu quả tự chủ đại học tại tất cả các cơ sở GDĐH.
Rà soát, hoàn thiện các quy định về chuẩn chất lượng (chuẩn trường đại học, chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn mở ngành, chuẩn xác định chỉ tiêu tuyển sinh và quy mô đào tạo, chuẩn giảng viên và cán bộ quản lý, cơ sở vật chất…), các quy định công khai, minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng và các chỉ số đầu ra (KPIs) gồm: chất lượng đào tạo (công bố các chương trình đã được kiểm định…; công bố chuẩn đầu ra; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp…); chất lượng nghiên cứu khoa học (số công trình khoa học được ứng dụng và thực tiễn, số bài báo công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước…); chế độ sử dụng, tuyển dụng cũng như các chính sách đối với giảng viên, cán bộ quản lý; chế độ, chính sách đối với người học…để cơ quan có thẩm quyền quản lý, xã hội và người học giám sát chất lượng đào tạo.
Tiếp theo cần phải kiện toàn Hội đồng trường, quy định chức năng nhiệm vụ của Hội đồng trường sao cho Hội đồng trường thực sự có quyền lực và quản trị đại học hiệu quả; xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng trường, trong đó làm rõ mối quan hệ giữa Hội đồng trường – Đảng ủy, Hội đồng trường –Ban giám hiệu; Bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản trị đại học hiện đại cho Hội đồng trường và đội ngũ lãnh đạo quản lý cơ sở GDĐH. Trên cơ sở đó, từng bước giảm sự can thiệp và xoá bỏ chế độ chủ quản.
Tăng cường kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học cũng là một nội dung quan trọng cần thực hiện. Thực hiện kế hoạch kiểm định chất lượng đối với các cơ sở GDĐH trong toàn hệ thống, đặc biệt khuyến khích cơ sở GDĐH tham gia kiểm định chất lượng theo chuẩn khu vực và quốc tế; trước hết đẩy nhanh thực hiện kiểm định chất lượng đối với các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở GDĐH thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 77; phân loại và công khai kết quả kiểm định đạt được; tăng cường minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng và chất lượng GDĐH để xã hội và người học giám sát, lựa chọn.
Và cuối cùng, cần hỗ trợ ngân sách nhà nước đến năm 2020 cho các cơ sở GDĐH chuẩn bị điều kiện tự chủ và xây dựng cơ chế đặt hàng của NN: trước hết, cần rà soát điều chỉnh danh mục đầu tư trung hạn và dài hạn ở cấp quốc gia và cơ sở GDĐH từ nguồn ngân sách và các nguồn xã hội hóa cho phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng nhằm tăng cường năng lực cho các cơ sở GDĐH thực hiện hiệu quả tự chủ GDĐH; Hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên cho các cơ sở GDĐH công lập để chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng và tài chính đến năm 2020 để chuẩn bị phương án tự chủ; Nhà nước cấp kinh phí thông qua đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư trọng điểm cho một số trường, ngành tốt nhất để đạt chuẩn khu vực và quốc tế; tất cả các trường trong hệ thống GDĐH bình đẳng về điều kiện và cơ hội tiếp cận các nguồn lực.
Trân trọng cảm ơn bà!