(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Na Uy tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam và tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo hai nước, góp phần giúp Việt Nam hiện thực hóa một trong ba khâu đột phá chiến lược là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Na Uy, bà Grete Lochen. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Chiều 9/4, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Lochen.
Chúc mừng bà Grete Lochen mới được bổ nhiệm làm Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tin tưởng, với kinh nghiệm ngoại giao phong phú tại khu vực châu Á của mình, Đại sứ sẽ đóng góp quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước ngày càng phát triển.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Na Uy, một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ với Việt Nam và đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ quý báu.
Phó Thủ tướng cho rằng quan hệ hai nước thời gian qua phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau đồng thời có các cuộc tiếp xúc song phương bên lề các diễn đàn hợp tác đa phương.
Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn hai nước tiếp tục đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao; có các biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai nền kinh tế đang tập trung phát triển như tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế biển…
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị Đại sứ nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Theo số liệu thống kê, thương mại song phương còn khiêm tốn, đạt trên 350 triệu USD năm 2018 trong khi Na Uy có 41 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký chưa đầy 200 triệu USD.
Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Na Uy hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Na Uy có thế mạnh như hàng hải, đóng tàu, nuôi trồng thủy-hải sản, năng lượng tái tạo…, Phó Thủ tướng phát biểu.
Phó Thủ tướng mong muốn hai nước tăng cường hợp tác giáo dục-đào tạo, trong đó có việc Na Uy nâng cao số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam và hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo hai nước, góp phần giúp Việt Nam hiện thực hóa một trong ba khâu đột phá chiến lược là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững.
Trên diễn đàn đa phương, Phó Thủ tướng cho rằng hai nước chia sẻ nhiều lợi ích và quan điểm tương đồng về nhiều vấn đề, nhất là hòa bình và an ninh quốc tế; nhất trí hai nước thúc đẩy các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế tại các thể chế đa phương; đánh giá cao việc Na Uy coi trọng quan hệ với ASEAN.
Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, bà Grete Lochen bày tỏ vinh dự được đảm nhiệm cương vị Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để phát triển quan hệ giữa hai nước; bày tỏ ấn tượng với thành tựu đổi mới, phát triển cũng như những đóng góp của Việt Nam đối với hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.
Đại sứ cho hay các doanh nghiệp Na Uy đang rất quan tâm hợp tác phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản, chế biến phụ phẩm từ thủy sản tại Việt Nam.
Việt Nam và Na Uy thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/11/1971. Năm 1978, Việt Nam lập Đại sứ quán tại Oslo. Năm 1996, Na Uy chính thức mở Đại sứ quán tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Gro Harlem Brundtland. Ngày 23/12/2009, Việt Nam chính thức mở lại Đại sứ quán tại Na Uy.
Hai bên duy trì cơ chế Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao và Đối thoại nhân quyền cấp vụ trưởng Bộ Ngoại giao; phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, WTO và WB.
Tháng 11/2006, hai bên đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hỗ trợ hợp tác thương mại Việt Nam-Na Uy và thành lập Tổ công tác song phương nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại-đầu tư giữa hai nước. Na Uy là một trong những nước sớm kết thúc đàm phán gia nhập WTO với Việt Nam.
Tháng 3/2012, Việt Nam và khối Mậu dịch tự do châu Âu EFTA (gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein) khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sau khi khối EFTA công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Na Uy là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam trong Chương trình Liên Hợp Quốc về giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (UN-REDD). Tổng viện trợ của Na Uy dành cho Việt Nam đạt hơn 320 triệu USD.