Hội thảo quốc gia “Đào tạo giáo viên Công nghệ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa tổ chức hội thảo quốc gia “Đào tạo giáo viên Công nghệ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Uỷ viên Hội đồng QGGDPTNL, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, công nghệ là môn học quan trọng và thiết thực, giúp học sinh hình thành những kiến thức hữu ích về công nghệ và một số kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng, thiết kế và đánh giá các thiết bị công nghệ xung quanh mình. Môn công nghệ cũng là cầu nối với giáo dục STEM đang là xu thế mà thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hướng tới.
Môn học này là nền tảng ban đầu để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành nghề trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên công nghệ do đó rất cần thiết, đặc biệt khi môn này được xác định có vai trò quan trọng trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Những điểm nghẽn của môn Công nghệ trong giáo dục hiện nay
Môn Công nghệ ở chương trình giáo dục hiện hành là một môn học bắt buộc ở cấp THCS và THPT. Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đây là môn học bắt buộc ở giai đoạn giáo dục cơ bản, được học từ lớp 3 đến lớp 12 và là môn học lựa chọn ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Có vai trò quan trọng như vậy nhưng thực tế việc dạy học và tuyển sinh để đào tạo đội ngũ mới của môn này đang có nhiều khó khăn. Một số “điểm nghẽn” chính của công tác này được PGS.TS Lê Huy Hoàng (Trưởng Khoa Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Sư phạm Hà Nội) chỉ ra trong báo cáo đề dẫn. Đầu tiên là quan niệm của từ cấp quản lý nhà trường, giáo viên đến người học, phụ huynh khi coi công nghệ là “môn phụ”. Phần lớn các trường phổ thông hiện nay sử dụng giáo viên môn học khác dạy kiêm nhiệm môn Công nghệ nên việc đầu tư cho bài giảng chưa cao, chưa phát huy được những phẩm chất đáng quý của môn học.
Theo một số thống kê, số giáo viên môn công nghệ trên tổng số giáo viên nói chung (năm học 2017-2018) còn rất thấp, chỉ chiếm 1,4% ở cấp THCS và 1,3% ở cấp THPT. Số lượng giáo viên công nghệ được tuyển dụng mới trong 5 năm qua chỉ chiếm khoảng 2%, trong khi đó số giáo viên dạy đúng chuyên môn chỉ chưa tới 20%. Mỗi trường THPT thường chỉ có 1-2 giáo viên đào tạo đúng chuyên ngành công nghệ, còn lại phần lớn thầy cô dạy môn này là giáo viên chuyên ngành khác kiêm nhiệm.
Việc đầu tư cho bài giảng môn phụ do đó ít được đầu tư, thậm chí đôi lúc còn bị tận dụng tiết học công nghệ để ôn luyện cho môn chính. Công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên Công nghệ qua khảo sát thực tế ở 115 trường THCS tại 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng cho thấy chưa được tiến hành thường xuyên.
Về phía học sinh, theo tâm lý “học ứng thí”, khi công nghệ không phải môn thi nên các em chưa chú trọng học môn này. Ngoài ra, học sinh phổ thông hiện nay không có thông tin đầy đủ và chính xác để biết học môn Công nghệ ra có thể làm gì, khiến công tác tuyển sinh của các trường đại học có đào tạo ngành này rất khó khăn.
Giáo viên Nguyễn Thị Phương Hoa (Trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh) cũng chia sẻ nỗi buồn của bản thân và đồng nghiệp là các giáo viên dạy đúng chuyên ngành Sư phạm Công nghệ khi môn học này bị nhà trường, học sinh coi nhẹ. “Khi học sinh đã không cần học thì mọi cố gắng, nỗ lực của giáo viên đều vô nghĩa”, người giáo viên 30 năm giảng dạy môn công nghệ nói.
Giải pháp để trả lại vị thế của môn công nghệ
Đau đáu với thực trạng của việc dạy học công nghệ hiện nay, các đại biểu tham gia hội thảo đã sôi nổi đề xuất nhiều giải pháp để trả lại vị thế của môn học và tạo ra đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Giải pháp đầu tiên mà đa số các đại biểu nhắc đến là việc thay đổi cách nhìn nhận của nhà trường, học sinh, xã hội về tầm quan trọng và giá trị thực tiễn của môn công nghệ. Để làm được điều đó, nội dung và phương pháp dạy môn học phải phù hợp, thiết thực hơn và đáp ứng việc đổi mới từng ngày của sự phát triển khoa học kỹ thuật. Một cách khác là cung cấp thông tin cho nhà trường, người học, xã hội thấy nhu cầu nhân lực thực tế về những ngành có liên quan đến lĩnh vực công nghệ đang rất cao, khiến cơ hội việc làm khi học lĩnh vực này rộng mở.
“Các trường đại học sư phạm phải cung cấp cho học sinh, sinh viên thông tin về đầu ra khi theo học ngành Sư phạm Kỹ thuật để thu hút và tạo tâm lý yên tâm cho người học”, GS. Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới) đề xuất.
Theo ông Thuyết, Khoa Sư phạm Kỹ thuật của các trường cũng nên thay đổi chương trình đào tạo là đưa các sinh viên có xu hướng theo nghề giáo xuống học thực tế ở các trường phổ thông nhiều hơn. Các sinh viên còn lại có thể đào tạo theo cách 3 năm học khoa học cơ bản, 1 năm học sư phạm, để nếu ra trường không làm giáo viên, các em có thể làm ngay một ngành nghề liên quan đến kỹ thuật. Đây là cách làm được nhiều trường sư phạm ở Pháp và một số nước châu Âu áp dụng. Tại Việt Nam, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng thực hiện mô hình này trong đào tạo giáo viên.
Với Bộ GD&ĐT, GS Nguyễn Minh Thuyết đề xuất là ra quy định về tiêu chuẩn giáo viên dạy môn công nghệ, trong đó nêu rõ cấp học nào thì giáo viên có thể kiêm nhiệm. “Nếu tiếp tục thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học như hiện nay thì xem xét đưa môn công nghệ vào. Bộ ngoài ra cần có chính sách để ưu tiên để khuyến khích học sinh theo học ngành này”, ông Thuyết nói.
Phải có năng lực mới dạy được môn công nghệ theo yêu cầu mới
Chia sẻ trước khó khăn của việc đào tạo giáo viên dạy môn công nghệ và thực trạng giảng dạy môn học này hiện nay tại các nhà trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, tất cả đều bắt đầu từ nhận thức nên cần thay đổi nhận thức cho người học, nhà trường và xã hội. Việc đào tạo giáo viên môn công nghệ đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới cũng cần đi từ việc nhận thức đúng mục tiêu, yêu cầu cần đạt của môn học để từ đó có hướng tuyển dụng, đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phù hợp.
Một trong những điểm nổi bật của chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển từ hướng tới tiếp cận kiến thức sang phát triển năng lực cho học sinh. Do đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, cần có giải pháp để đội ngũ giáo viên dạy môn công nghệ nói riêng và các môn học khác nói chung thực sự dạy được chương trình này.
“Giáo viên môn công nghệ muốn dạy được học sinh theo định hướng phát triển năng lực thì bản thân thầy cô phải có năng lực. Do đó, từ giảng viên các trường đại học khi viết các tài liệu hướng dẫn giảng dạy và trực tiếp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cũng phải thực hiện theo hướng phát triển năng lực cho thầy cô chứ không phải truyền thụ kiến thức một chiều”, Thứ trưởng nói.
Trong bối cảnh thực tế là phần lớn giáo viên dạy công nghệ là giáo viên kiêm nhiệm nên Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên môn học này cần có sự quan tâm đặc biệt với đội ngũ thầy cô kiêm nhiệm. Mục tiêu là để giáo viên hiểu đúng vị thế, vai trò của môn học này từ đó xây dựng những bài giảng chất lượng và cung cấp nguyên tắc, phương pháp thực tế để họ giúp học sinh hình thành và phát huy được các năng lực môn học đề ra.
Với việc đào tạo mới đội ngũ giáo viên công nghệ, Thứ trưởng yêu cầu chuẩn đầu ra của đội ngũ sinh viên Sư phạm Công nghệ phải vừa có năng lực kỹ thuật, vừa có năng lực sư phạm. Bởi lẽ, giáo viên không phải thợ dạy mà phải là nhà giáo dục hiểu về tâm lý học sinh, có phương pháp sư phạm, khả năng dẫn dắt, định hướng, khơi dậy niềm đam mê cho học trò. “Nếu chúng ta dạy học sinh theo hướng truyền nghề là không phải, mà thầy cô cần đánh thức tiềm năng, đam mê khoa học, yêu thích nghiên cứu của học sinh”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Trong thời điểm hiện nay và tương lai, giáo dục công nghệ có nhiều cơ hội, thuận lợi để phát triển. Môn học này trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ làm 3 việc là vừa dạy công nghệ, vừa định hướng nghề nghiệp và giáo dục STEM. Trong khi đó, STEM là xu thế giáo dục không thể cưỡng lại của Việt Nam và thế giới bởi cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Bộ GD&ĐT đang tích cực thực hiện việc dạy và học theo hướng là hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa khọc. Giáo dục công nghệ do đó là môn rất quan trọng trong chương trình mới. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ mong muốn các trường sư phạm, các nhà trường phổ thông và đội ngũ giáo viên hiện nay cùng đồng hành để tạo ra đội ngũ giáo viên công nghệ chất lượng, từ đó tạo ra những người học – nguồn nhân lực tốt của lĩnh vực này cho tương lai.