Đó là chia sẻ tại hội nghị khoa học “Đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” do Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tổ chức ngày 26/2.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel. Ảnh: Thanh Hùng. |
Ông Hùng chỉ ra những quan điểm khác biệt căn bản của dạy và học thời kỳ 4.0 và cần thay đổi:
“Trước đây, chúng ta thường học trước, làm sau. Bây giờ làm trước, trải nghiệm trước sau đó mới học, thì cái việc học đó nó vào hơn. Cho nên, các trường đại học cần cho các sinh viên làm nhiều hơn, thậm chí cho các em làm trước rồi dạy sau.
Trước đây, người thầy giảng dạy 100%. Bây giờ có cả nnhững doanh nhân, chuyên gia tham gia vào giảng dạy.
Trước đây giáo viên là thầy, bây giờ người thầy có lẽ là huấn luyện viên. Điều này có điểm rất hay ở chỗ là trò bao giờ cũng giỏi hơn huấn luyện viên.
Trước đây, dạy học hay làm nghiên cứu trong thế giới thực là các phòng thí nghiệm rất tốn kém về vật tư, vật liệu và thời gian. Giờ đây đã có thể nhìn thế giới thực qua thế giới ảo, nên có thể thực hiện quá trình biến môi trường ảo thành môi trường mô phỏng, vừa nhanh vừa không tốn kém.
Trước đây, dạy sinh viên đào sâu từng chuyên ngành nhưng bây giờ thì lại theo hướng đa ngành, liên ngành.
Trước đây, sinh viên học trong trường là chính. Bây giờ việc học càng mở càng tốt.
Trước đây, chúng ta chỉ cần ngôn ngữ giữa người với người (biết tiếng Việt và học thêm tiếng Anh,…) nhưng bây giờ cần phải biết thêm ngôn ngữ giữa người với máy – do đó, cần biết lập trình, viết code.
Trước đây chúng ta dạy học sinh và coi kỹ năng giải quyết vấn đề là khâu chính, nhưng bây giờ có lẽ cần học cách tìm ra vấn đề mới là quan trọng nhất.
Trước đây, chúng ta học và làm về những cái thế giới đã làm, còn bây giờ chúng ta học để làm cái mà chưa ai làm được.
Trước đây, thực là quan trọng và dạy cái thực là chính, nhưng bây giờ mọi thứ được ảo hóa và chúng ta dạy về cách sống, làm việc và sáng tạo trong thế giới ảo.
Trước đây, nghe theo và học thuộc là quan trọng. Bây giờ chúng ta cần hơn tư duy phản biện.
Trước đây, chúng ta dạy sinh viên học “What?” (cái gì), “How?” (như thế nào). Bây giờ có lẽ học “Why?” là quan trọng vì nếu biết “tại sao” thì mới có thay đổi và sáng tạo.
Trước đây, tài sản quan trọng nhất của trường đại học là sách, thư viện và các giảng đường. Bây giờ, tài sản quan trọng nhất của trường đại học là phòng thí nghiệm, các công cụ mô phỏng, hạ tầng máy móc, thậm chí phải giống như một nhà máy. Chắc ít ai nghĩ đến việc trường đại học phải có hạ tầng như một nhà máy để sinh viên có thể thực hiện quá trình sáng tạo trong các “nhà máy” đó.
Trước đây, thước đo của đại học không rõ ràng, bây giờ thước đo là mức lương trung bình của một sinh viên có thể nhận được khi ra trường.
Trước đây, cạnh tranh là chúng ta làm giống người khác nhưng tốt hơn. Giờ đây, cạnh tranh là sự khác biệt.
Trước đây, chúng ta tìm giáo viên giỏi trong số những người giáo viên thì cơ hội là không lớn. Bây giờ chúng ta tìm giáo viên trong số tất cả những người có chuyên môn đại học và có đam mê dạy học.
Trước đây, chúng ta tìm người trong số 90 triệu người Việt Nam, giờ tìm người trong số 7 tỷ người trên thế giới thì cơ hội lớn hơn rất nhiều,…
Ông Hùng cho rằng, những tư duy nêu trên rất cần thiết trong dòng chảy đổi mới của thời đại. Vì vậy, các trường đại học phải luôn cần cố gắng để thích nghi, giúp tăng sự sinh trưởng, tăng sự thông minh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Thanh Hùng. |
Tham dự hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Chúng ta chứng kiến tâm điểm cuộc cách mạng này thể hiện trong thực tế rất nhanh chóng với việc hình thành nên nhiều nhà máy thông minh, nhà máy số… Vấn đề là khả năng của người lao động trong việc kết nối với hệ thống máy móc,… trí tuệ con người tương tác như thế nào với trí tuệ nhân tạo cũng là vấn đề được xem là nền tảng”.