Thúc đẩy phối hợp chăm sóc, giáo dục trẻ

Chiều 25.4, Tiểu ban Giáo dục mầm non thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, tổ chức phiên họp về “Chính sách thúc đẩy phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ trẻ và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ”.

Phiên họp do Trưởng Tiểu ban giáo dục mầm non, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì, với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, hiệu trưởng trường mầm non tại một số tỉnh, thành trên cả nước. Các đại biểu cùng thảo luận về thực trạng phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ và cộng đồng trong giáo dục trẻ mầm non cũng như đề ra các giải pháp để phối hợp đạt hiệu quả.


Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại phiên họp

Theo đó, việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện các phẩm chất và năng lực nhằm giúp trẻ phát triển nhân cách một cách toàn diện là quá trình lâu dài, liên tục, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau, liên quan rất nhiều đến các mối quan hệ xã hội phức tạp. Việc giáo dục nói chung, nhất là bậc học mầm non luôn đòi hỏi sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng xã hội, nhất là sự quan tâm đúng cách của nhà trường, gia đình và mọi người trong xã hội. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy công tác phối hợp còn nhiều hạn chế, trách nhiệm tham gia của các bên chưa được quy định rõ ràng và nhìn chung còn đơn lẻ…


Nhiều ý kiến nhận định, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ còn nhiều hạn chế

Nhìn lại, công tác phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non đã được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước, cũng như có văn bản dưới luật quy định, song chưa thực sự cụ thể, chưa phải là hướng dẫn thực sự để các trường thực hiện. Do đó, nhiều trường còn loay hoay về cơ chế  phối hợp giữa gia đình, cộng đồng, ngược lại, cộng đồng, gia đình của trẻ cũng chưa thực sự nắm đầy đủ kiến thức, ý thức vai trò, trách nhiệm tham gia phối hợp cùng nhà trường trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Trong khi đó, về lý luận cũng như thực tiễn giáo dục, sự thống nhất tác động giáo dục từ nhà trường, gia đình và xã hội được xem là vấn đề có tính nguyên tắc bảo đảm cho mọi hoạt động giáo dục có điều kiện đạt hiệu quả tốt.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, tất cả các cấp học đều cần cơ chế phối hợp nhà trường, gia đình và cộng đồng, trong đó cấp học mầm non thể hiện rõ nhất. Tuy nhiên, sự gắn kết, phối hợp chưa thực sự bền chặt, đến từ nhiều nguyên nhân do lớp học đông, kinh phí, ràng buộc trách nhiệm, lợi ích của các bên… Do đó, song song với các quy định, chính sách thúc đẩy phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ, cần nhất sự chủ động vào cuộc của các nhà trường tuyên truyền, thay đổi nhận thức của phụ huynh trong việc cùng tham gia công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

Thái Minh
(Báo Đại Biểu nhân dân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *