Thủ tướng lưu ý, dù trực thuộc Chính phủ hay Bộ, nếu các đại học không tự vươn lên, không tự đổi mới bản thân mình thì khó thành công.
Chiều 2/11, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ có cuộc làm việc với lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng.
Trước đó, Thủ tướng đã đến thăm, làm việc với từng Đại học để thị sát trực tiếp tình hình, lắng nghe ý kiến và đưa ra các định hướng phát triển của mỗi đại học.
Tại cuộc họp hôm nay, ý kiến phát biểu của các đại học đều đề cập nhiều đến công tác xây dựng cơ sở hạ tầng theo các dự án đã được duyệt, với Đại học Đà Nẵng là làng đại học, với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội là khu đô thị đại học.
Các vấn đề nổi lên là việc thu xếp nguồn vốn cho các dự án hạ tầng và một số cơ chế, chính sách, nhất là việc tự chủ đại học.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Dồn lực tập trung phát triển 3 đại học lớn” (Ảnh: VGP) |
Gợi mở cho các đại học, ý kiến các Phó Thủ tướng, bộ, ngành nhấn mạnh việc cần có cơ chế đặc thù, mở rộng tự chủ, trong đó Đại học Đà Nẵng, đại học mang tính chất vùng, có thể áp dụng cơ chế tương tự như 2 Đại học Quốc gia.
Các đại học cần rà soát lại công tác quy hoạch, nhất là sử dụng đất, cần thiết phải điều chỉnh, cập nhật lại quy hoạch vốn đã có từ mấy chục năm trước.
Với quan điểm đầu tư cho nhân lực là đầu tư cho phát triển, nguồn vốn nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư các công trình trọng yếu và tạo cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực khác như hợp tác công – tư…
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cả Trung ương và địa phương, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng “dồn lực để tập trung phát triển 3 đại học này thành những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, trước hết là cho 3 vùng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Tự chủ đại học đương nhiên sẽ xóa vai trò của bộ chủ quản |
Ba đại học sẽ được tập trung xây dựng thành khu đô thị đại học xứng tầm để có hạ tầng bảo đảm cho sự phát triển.
Đây phải là những đại học đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng của đại học Việt Nam trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học.
Do đó, Thủ tướng lưu ý, dù trực thuộc Chính phủ hay Bộ, nếu các đại học không tự vươn lên, không tự đổi mới bản thân mình, không có quyết tâm chính trị cao thì khó thành công.
Thủ tướng nêu rõ, Nhà nước hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng đối với 3 đại học, các địa phương hỗ trợ tái định cư cho người dân.
Nhấn mạnh tinh thần là phải có mặt bằng sạch cho 3 đại học này, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét lại các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cùng với Bộ Tài chính, các địa phương đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định đúng thẩm quyền.
Bên cạnh đó, có những hình thức huy động nguồn lực khác để đầu tư.
“Những việc các đồng chí đề xuất hôm nay, Thủ tướng đồng ý trên cơ sở có đề án phát triển, tái cấu trúc của 3 đại học thành các đại học lớn của Việt Nam mang tầm quốc tế.
Trong đó nêu rõ về sứ mạng, tầm nhìn, xác định mục tiêu toàn diện về phát triển công tác đào tạo khoa học công nghệ, xếp hạng quốc tế”, Thủ tướng nói.
Giáo dục đại học của Việt Nam đang ở trạng thái “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc” |
Đề án phát triển tái cấu trúc 3 đại học cần thực hiện theo quy hoạch chung về phát triển 3 đô thị đại học tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, trong đó 3 đại học là trung tâm.
Mục tiêu của 3 đại học là có mặt trong bảng xếp hạng đại học của thế giới. Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo góp ý xây dựng đề án phát triển tái cơ cấu. Chính quyền địa phương hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng để thực hiện đề án.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo hướng dẫn các đại học thúc đẩy công tác này thông qua các đề án, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với quy hoạch mạng lưới các trường đại học, thúc đẩy xã hội hóa.
Đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực cho công tác giáo dục đào tạo, kể cả cho phép 3 đại học này thực hiện hợp tác công – tư nhưng phải có đề án riêng, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Chúng ta có mặt bằng sạch, có hạ tầng tốt thì dứt khoát chúng ta xã hội hóa hay các hình thức khác sẽ thành công”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, xử lý các vướng mắc của 3 đại học nhằm tạo điều kiện cho 3 đại học tăng tốc, nhất là xây dựng được 3 khu đô thị đại học.