Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các LĐLĐ các địa phương khu vực Đồng bằng Sông Hồng tổ chức với chủ đề “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”.
Đây là dịp công nhân được chia sẻ, nói lên nguyện vọng của mình, còn người đứng đầu Chính phủ sẽ lắng nghe và đưa ra những quyết sách kịp thời, để chăm lo tốt nhất cho người lao động.
Lao Động điện tử tường thuật trực tiếp sự kiện này:
11h05: Cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với hơn 1.000 công nhân các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018 đã kết thúc bằng những giai điệu rộn ràng, vui tươi của ca khúc “Hãy hát lên bài ca công đoàn” – bài hát chính thức của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
11h00: Chủ tịch TLĐLĐVN Bùi Văn Cường cảm ơn sự quan tâm và hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương đã dành thời gian trao đổi, đối thoại với công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
10h45: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch TLĐLĐVN Bùi Văn Cường trao học bổng cho 65 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp của 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Trong buổi giao lưu đối thoại hôm nay, Thủ tướng Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định hỗ trợ 18 “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.
10h40: Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra: Công nhân nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số vấn đề lớn mà công nhân đặc biệt quan tâm, bức xúc chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để. Bên cạnh nhiều bộ, ngành, địa phương nỗ lực giải quyết các kiến nghị của công nhân, quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ công nhân thì vẫn còn một số bộ, ngành và địa phương chưa tích cực tham mưu, chỉ đạo và tập trung giải quyết các nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động.
Đối với doanh nghiệp, để nâng cao năng suất và phúc lợi cho người lao động, các doanh nghiệp cần phải tập trung ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ đi đôi với đào tạo đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề để chủ động làm chủ khoa học – công nghệ ở từng doanh nghiệp…
Đối với các bộ, ngành và địa phương: Thủ tướng yêu cầu cần có chính sách và giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động. Phải kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng năng suất và nâng cao phúc lợi ở từng doanh nghiệp thông qua việc tham mưu thể chế, lắng nghe doanh nghiệp và người lao động, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
10h35: Kết thúc phần đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân, đồng chí Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đã có nhiều tâm tư, chia sẻ, gửi gắm đến NLĐ cả nước, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ.
Đồng chí Trương Thị Mai cho biết ý kiến của công nhân trong buổi đối thoại hôm nay cũng là thay mặt hàng triệu NLĐ trên cả nước, để hướng tới mục tiêu: Phúc lợi tốt hơn, năng suất cao hơn.
Tuy nhiên năng suất của chúng ta so với khu vực còn thấp, năng suất lao động không phụ thuộc hoàn toàn vào công nhân, mà còn phụ thuộc vào việc tái cơ cấu nền kinh tế, tạo việc làm hơn nữa cho lực lượng lao động trẻ và công nhân không ngừng nâng cao năng lực để cải thiện tay nghề.
Trong buổi đối thoại hôm nay công nhân cũng đưa ra nhiều câu chuyện liên quan đến bình đẳng nam nữ, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định: Đảng, Chính Phủ đã có rất nhiều chính sách quan tâm đến lao động nữ. Tuy nhiên đúng là hiện nay lương của LĐ nữ mới đạt được 70% so với lao động nam.
Đồng chí Trương Thị Mai cũng mong thời gian tới Chính phủ có những quyết sách để thực hiện tốt hơn nữa vấn đề bình đẳng về lương với lao động nữ.
Cuối cùng, đồng chí Trương Thị Mai cũng mong muốn, công nhân không nên chọn giải pháp đình công khi còn có thể trao đổi thương lượng, đối thoại. Công đoàn sẽ hỗ trợ giúp công nhân có những thỏa thuận lao động tập thể, để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng các chính sách của nhà nước với NLĐ.
10h25: Công nhân Đoàn Văn Vương – Cty TNHH Youngone (Nam Định) tiếp tục đặt câu hỏi với Thủ tướng:
Thưa Thủ tướng, qua báo đài cháu được biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động rất lớn đến việc làm của người lao động, các ngành như dệt may, da giầy sẽ bị thu hẹp phần lớn việc làm. Chính phủ đã và sẽ có giải pháp gì để đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực này và các lĩnh vực khác, thưa bác?
Về vấn đề này Thủ tướng trả lời công nhân: Tôi rất vui khi được nghe các em chủ động trao đổi với tôi về những thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra đối với chúng ta. Điều này thể hiện nhận thức, thái độ của một bộ phận anh chị em công nhân là rất chủ động, sẵn sàng đón nhận và đối diện, quan tâm đến những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước.
Quan điểm tiếp cận của Chính phủ đó là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Vấn đề là chúng ta phải biến thách thức thành cơ hội. Nhiều việc làm mất đi nhưng phải làm xuất hiện những việc làm mới tốt hơn.
Trên mọi lĩnh vực điều hành của Chính phủ, chúng tôi luôn lưu ý nội dung này. Thậm chí vừa rồi, trong các yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, Trung ương cũng bàn và đặt ra yêu cầu là đội ngũ cán bộ đó phải thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Với trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, tôi đã ban hành Chỉ thị 16 về tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều giải pháp quan trọng.
Tôi đề nghị đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải đáp thêm vấn đề này cho công nhân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời công nhân như sau: Trong cuộc cách mạng 4.0 những ngành sử dụng nhiều lao động đúng là đang đứng trước thách thức rất lớn, vì nhiều công việc của con người sẽ bị robot thay thế.
Tuy nhiên thách thức luôn đi đôi với thời cơ, ai chủ động, có trí tuệ và quyết tâm vươn lên được sẽ biến thách thức thành thành công.
Ở các cuộc cách mạng trước, người lao động luôn đối mặt với thách thức, tuy nhiên tôi nhắc lại tất cả chúng ta đều có cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0 này.
Chúng ta phải tự tin để vươn lên được. Đầu tiên phải có thị trường tiêu thụ, chúng ta phải luôn mở rộng thị trường quốc tế. Thứ hai cần cải thiện môi trường đầu tư để có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, như vậy sẽ có thêm cơ hội việc làm cho công nhân.
Cuộc cách mạng thứ 4 thiên về lĩnh vực khoa học công nghệ, vì thế yếu tố thứ ba là đòi hỏi NLĐ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy sáng tạo, phát triển công nghệ thông tin ở mọi lĩnh vực.
Vấn đề thứ tư là liên quan đến nguồn nhân lực. Chúng ta phải không ngừng học để nâng cao chuyên môn, tăng khả năng thích ứng với những môi trường, công việc mới.
Thứ năm phải sửa đổi các luật lệ về lương, về bảo hiểm để có những hỗ trợ về việc làm.
Lưu ý thứ sáu trong cuộc cách mạng 4.0 là chúng ta phải xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp.
Cuối cùng, tôi khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn ngày càng quan trọng, nhưng phải tích cực đổi mới, hỗ trợ hơn nữa cho công nhân. Chúng ta không chỉ dừng ở việc xây dựng thiết chế công đoàn, mà còn có những hoạt động góp phần hướng nghiệp, nâng cao tay nghề cho công nhân.
Lắng nghe chia sẻ của công nhân, Thủ tướng đã hỏi lại NLĐ:
Bạn đã chuẩn bị gì cho cuộc cách mạng 4.0?
Công nhân trả lời câu hỏi của Thủ tướng: Qua tìm hiểu trên báo đài, cháu được biết với ngành lao động dệt may sẽ giảm số lượng lao động khi đất nước bước vào cuộc cách mạng 4.0, bản thân cháu luôn có gắng học tập, nâng cao tay nghề, tự mày mò học hỏi để có thể sử dụng ngày càng thành thục những máy móc mới của doanh nghiệp, để từng bước nâng cao năng suất lao động.
Công nhân Vũ Xuân Đạt- công ty Kefico (Hải Dương) trả lời: Thưa Thủ tướng, tốt nghiệp năm 1997, em phải vào Nam mưu sinh nghề phụ hồ rồi được giới thiệu làm công nhân ở TP. HCM. Em đã thi đỗ vào trường trung cấp nghề thuộc trường Đại học sư phạm kỹ thuật, nhưng chỉ học được 1 tháng vì số tiền dành dụm của công nhân không đủ trang trải cuộc sống. Em đã lập gia đình cũng là công nhân. Năm 2011, em trở về quê, với kinh nghiệm nghề nghiệp em thi tuyển vào vị trí trưởng chuyền, tự học thêm tin học quản lý và bây giờ là trưởng ca phụ trách hơn 80 công nhân. Thưa Thủ tướng, khát khao được học tập nâng cao trình độ, phải nỗ lực học tập, không ngừng nâng cao trình độ nghề nghiệp để tiến bộ là mong muốn cháy bỏng không chỉ của em mà còn nhiều công nhân khác.
Công nhân Vũ Xuân Đạt cũng bày tỏ mơ ước về dự định trong tương lai: Em có một chiếc máy tính đã dùng gần 10 năm, giờ đã không còn sử dụng được, cả nhà em đang tích cóp để mua máy tính mới, cả nhà cùng học vì con em cũng cần sử dụng máy vi tính.
Lắng nghe chia sẻ của anh Đạt, Thủ tướng thay mặt đoàn đại biểu Trung ương quyết định tặng ngay cho gia đình công nhân Vũ Xuân Đạt bộ máy vi tính. Thủ tướng mong muốn bản thân anh Đạt có phương tiện để học tập tốt hơn, khuyến khích những trường hợp tương tự như anh Đạt.
Sau khi nghe chia sẻ của của các công nhân, cán bộ công đoàn và đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban ngành trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:
Vấn đề cơ bản là từng anh chị em phải xác định được sự cần thiết phải học nghề, nâng cao trình độ. Từ đó mỗi người cần cố gắng tự khắc phục khó khăn để đi học. Ở giác độ vĩ mô, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành, sửa đổi các chính sách để tạo cơ hội cho anh chị em đi học, vì học cũng là giải pháp ứng phó với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nỗ lực của nhiều chủ thể, từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương, từng doanh nghiệp và từng người lao động.
Nhưng một điều không thể thiếu là: Tất cả chúng ta phải tự bảo vệ mình, không ngừng học hỏi và nâng cao nhận thức, trình độ.
10h15: Công nhân Trần Đức Toàn (Hải Phòng) đặt câu hỏi:
Thưa Thủ tướng, muốn có năng suất lao động cao thì quan hệ giữa ông chủ và người lao động phải hài hòa, thân thiện, tôn trọng lẫn nhau. Nhiều doanh nghiệp, mối quan hệ này rất tốt, nhưng một số doanh nghiệp khác chưa làm tốt việc này. Thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật lao động của người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp? Làm thế nào để các doanh nghiệp không lợi dụng việc hạn chế kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp của theo chỉ đạo của Thủ tướng để xâm phạm quyền lợi của doanh nghiệp?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: Xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, vấn đề Chính phủ đang hết sức quan tâm. Qua kiểm tra, giám sát, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện rất tốt việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Song cũng có nhiều doanh nghiệp thực hiện chưa tốt việc này. Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương rà soát chính sách, đổi mới tư duy thu hút đầu tư, làm tốt công tác hậu kiểm, phát hiện sớm và xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm, nghiên cứu sửa đổi các quy định nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động.
Ở đây, vai trò của công đoàn trong việc thỏa thuận với chủ doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, hài hòa với quyền lợi của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Tôi đề nghị các cấp chính quyền và các cấp công đoàn cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, quan tâm sâu sắc hơn đến đời sống của công nhân lao động, Thủ tướng nhấn mạnh.
10h10: Công nhân Vũ Xuân Đạt – Công ty TNHH Kefico Việt Nam (Hải Dương) đặt câu hỏi:
Công nhân chúng cháu hầu hết từ nông thôn ra, vừa học xong lớp 12 là đi làm Công ty luôn, chỉ có ít người được học nghề. Chúng cháu rất muốn được học nghề để đáp ứng được yêu cầu công việc và nâng cao thu nhập nhưng thời gian và kinh phí eo hẹp. Vậy Chính phủ có chính sách hỗ trợ nào để công nhân chúng cháu có nhiều cơ hội được đi học hơn?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chúng ta không có tay nghề tốt khó có năng suất tốt, việc tổ chức học, nâng cao tay nghề cho công nhân hết sức cần thiết. Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ trong việc nâng cao tay nghề, dạy học cho công nhân lao động đến hết 2030. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ đào tạo tay nghề, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho công nhân, có mức hỗ trợ cho công nhân. Cạnh đó, doanh nghiệp muốn tăng năng suất lao động phải đóng góp hỗ trợ để nâng cao tay nghề cho công nhân.
10h: Công nhân Hoàng Thúy Lan – Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Đồng (Quảng Ninh) nêu câu hỏi:
Theo quy định Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1.1.2018 hầu hết người lao động nữ về hưu có mức lương hưu được hưởng thấp hơn từ 4% – 10% so với nghỉ hưu từ năm 2017, trong khi đó lao động nam chỉ bị giảm từ 2% đến 10% sau 5 năm. Nguyện vọng của lao động nữ rất muốn được bình đẳng tính lương hưu giống như lao động nam kể từ ngày 1.1.2018. Kính mong được Thủ tướng xem xét vấn đề này, không nên để lao động nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi, nay về hưu lại thiệt thòi lần nữa. Ngoài ra, hiện tại Quảng Ninh, công nhân lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò ngày càng sâu và vất vả, khó thu hút lao động. Họ đang được nghỉ hưu ở độ tuổi 50 và với 30 năm đóng BHXH, tuy nhiên theo quy định của BHXH, đến năm 2022 lao động nam phải đảm bảo 35 năm đóng BHXH thì mới hưởng tỉ lệ lương hưu tối đa 75%. Như vậy trong trường hợp này, tỉ lệ lương hưu chỉ đảm bảo ở mức tối đa 65% (Khi nghỉ hưu ở 50 tuổi). Như vậy càng khó khăn thu hút thợ lò và đảm bảo cuộc sống của họ khi nghỉ hưu. Đề nghị Chính phủ có ý kiến với Quốc hội cho phép được giữ nguyên cách tính nghỉ hưu như cũ (50 tuổi và 30 năm đóng BHXH).
Về vấn đề này, Thủ tướng mời đồng chí Nguyễn Thúy Anh – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội giải đáp cho công nhân.
Đồng chí Nguyễn Thúy Anh chia sẻ: Trong những năm qua, vấn đề bình đẳng giới luôn được Quốc hội rất chú trọng, quan tâm. Quốc hội cũng thường xuyên có những hoạt động lồng ghép, trao đổi về vấn đề này. Đặc biệt về vấn đề quyền lợi của phụ nữ khi về hưu, thì thời gian qua, Quốc hội có nhiều quyết sách về việc này. Trong đó có việc dù chênh lệch tuổi nghỉ hưu 5 năm, có chênh lệch 5 năm trong thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nhưng lao động nữ vẫn sẽ được hưởng lương hưu như lao động nam, tức là đều được hưởng 75% lương hưu.
Còn về vấn đề lao động nữ kiến nghị liên quan đến những chính sách về bảo hiểm xã hội, thời gian tới Quốc hội cũng sẽ có chế độ chăm lo cho lao động nữ. Đối với những chị em làm việc ở môi trường lao động nặng nhọc, pháp luật cũng quy định những công việc quá nặng nhọc thì cấm sử dụng lao động nữ.
Bộ luật Lao Động cũng có phân biệt tuổi nghỉ hưu của lao động nặng nhọc với các đối tượng lao động khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị người chủ doanh nghiệp cũng phải có những chính sách để chăm lo tốt nhất cho lao động nữ.
Về vấn đề này Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi thêm: Theo chúng tôi tính toán, từ ngày 1.1.2018, khi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) mới có hiệu lực thì đối tượng lao động nữ bị ảnh hưởng sẽ là 21.000 người, trong đó có 3.000 người có mức độ thiệt hơn. Nhiều đại biểu cho rằng cần phải sửa chính sách để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.Về vấn đề này, Bộ LĐTBXH đang trình các bộ ngành theo hướng sử dụng lãi để cấp bù cho 3.000 người này, đảm bảo quyền bình đẳng giới và nhất định không để chị em phụ nữ bị thiệt thòi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thêm để giải đáp các băn khoăn của công nhân: Qua ý kiến của anh chị em, tôi đề nghị Bộ LĐTBXH, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 49 sửa đổi cần lấy ý kiến rộng rãi người lao động và tổ chức Công đoàn các cấp, cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động.
Về vấn đề mức hưởng lương hưu thiệt thòi đối với lao động nữ về hưu từ 1.1.2018, đề nghị Bộ hoàn thiện nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội với quan điểm chung là không để lao động nữ thiệt thòi. Vần đề nghỉ hưu sớm và hưởng chế độ lương hưu đặc thù của công nhân làm việc trong các hầm lò ngành than và các ngành khác nặng nhọc, độc hại, cần được tiếp thu, nghiên cứu khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
9h50: Công nhân Phạm Văn Dương, Công ty TNHH Samsung Electronic (Yên Phong, Bắc Ninh):
Thưa Thủ tướng hiện nay công nhân lao động cũng khá lo lắng về vấn đề an ninh an toàn ngoài hàng rào KCN, trong đó có vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn an ninh khi công nhân làm đêm. Ở nhà trọ thường xuyên xảy ra tình trạng cờ bạc, đánh nhau. Tôi kính mong Thủ tướng có biện pháp để công nhân được đảm bảo an toàn.
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời: Vấn đề đảm bảo an ninh dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ được lãnh đạo bộ công an hết sức quan tâm. Hầu hết các KCN đều thành lập đội công an, được sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân.
Lãnh đạo Bộ Công an cũng chỉ đạo công an địa phương tăng cường kiểm tra kiểm soát, các vụ việc xảy ra được giải quyết kịp thời. Bộ công an cũng sẽ tăng cường biện pháp để đảm bảo an ninh trong thời gian tới. Chúng tôi hi vọng chủ doanh nghiệp và các anh chị em công nhân phối hợp để đảm bảo tốt hơn công tác đảm bảo an ninh an toàn cho công nhân tại KCN.
9h45: Công nhân Nguyễn Thị Thanh Huyền – Công ty TNHH NMS Việt Nam (Hà Nam) đặt câu hỏi:
Hiện tại, người lao động ngoại tỉnh thuê nhà trọ phải chịu tiền điện, nước theo giá kinh doanh, tức là giá cao hơn các hộ gia đình sinh hoạt bởi chủ các nhà trọ kinh doanh phòng trọ phải chịu giá này và áp lên người thuê chúng cháu… Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết kiến nghị này.
Trước câu hỏi này của công nhân, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn EVN cho biết: Cung cấp điện cho các KCN là một trọng tâm của tập đoàn của các địa phương. Việc cung ứng điện cho các khu nhà trọ đã được quy định tại Thông tư 16 của Bộ Công thương. Tại các khu nhà trọ được sử dụng giá điện sinh hoạt như giá định điện bậc thang… Việc tăng giá là không đúng quy định pháp luật, EVN phối hợp địa phương kiểm tra việc áp giá, các quy định của Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Người lao động có thể sử dụng điện theo giá nhà nước và chủ nhà trọ có thể ký hợp đồng mua bán điện với ty điện lực theo gia sinh hoạt. Thứ 2, công nhân có thể ký với Cty điện lực với điều kiện 1 hộ thuê 4 người trở lên, có giấy tạm trú… Chúng tôi coi vấn đề cung cấp điện cho các KCN là tiền đề phát triển các khu công nghiệp…
9h25: Công nhân Trần Thị Thanh – Công ty TNHH Vietinak (Hưng Yên) đặt câu hỏi:
Chính phủ chuẩn bị sửa đổi Nghị định 49 năm 2013, trong đó có việc bỏ hoặc cắt giảm thang lương, bảng lương, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, dễ tạo cơ hội cho doanh nghiệp ép tiền lương anh em công nhân. Kính mong Thủ tướng xem xét việc này, vì đại đa số anh em công nhân đang hết sức quan tâm và không đồng tình với phương án sửa này?
Trả lời câu hỏi này, ông Đào Ngọc Dung – Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Hiện việc sửa đổi này của Bộ LĐTBXH đang lấy ý kiến người dân. Hội nghị TW7 có chủ trương nhà nước sẽ không can thiệp sâu về vấn đề tiền lương của các doanh nghiệp. Nhà nước sẽ quy định lương tối thiểu để đảm bảo cho người lao động sống được. Nhà nước quy định mức sàn thấp nhất để các doanh nghiệp thương thảo, không được thấp hơn. NLĐ có quyền thỏa thuận với chủ doanh nghiệp, thỏa thuận này có sự can thiệp của tổ chức công đoàn.
Việc bỏ thang bảng lương dẫn đến “sống lâu lên lão làng”, hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc cải cách chế độ tiền lương, từ nay đến 2021, ta sẽ cân nhắc tính toán để đảm bảo quyền của NLĐ và các doanh nghiệp.
Lắng nghe tâm tư của công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Vấn đề lương trong doanh nghiệp đã được đề cập trong nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương với định hướng: Tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phân phối tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Qua ý kiến của anh chị em, tôi đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 49 sửa đổi cần lấy ý kiến rộng rãi người lao động và tổ chức Công đoàn các cấp, cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động.
9h15: Tiếp tục buổi đối thoại với Thủ tướng, công nhân Nguyễn Hoài Nam – Cty Cổ phần Prime Group (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi:
Sức khỏe của một bộ phận anh em công nhân chúng cháu đang thực sự là vấn đề báo động, vì nhiều nguyên nhân: làm việc quá căng thẳng không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe; bữa ăn ca không đáp ứng cả lượng và chất, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán chủ yếu ở các chợ cóc dành cho công nhân; môi trường làm việc quá nóng, quá ồn, nhiều hóa chất; nhiều bạn ốm đau mà không dám nghỉ, có bạn giấu bệnh để tiếp tục đi làm, sợ công ty cho nghỉ việc. Chúng cháu lo ngại không chỉ cho thế hệ mình mà còn cả con cái tương lai. Trong khi đó, bệnh viện lại xa nơi các doanh nghiệp đặt trụ sở và nơi công nhân ở; lại ít khi tổ chức khám bệnh ngoài giờ (vào Chủ nhật) cho phù hợp với đặc thù của công nhân.
Cháu xin hỏi Chính phủ và các tỉnh, thành phố sẽ có giải pháp gì để đảm bảo sức khỏe cho người lao động và làm thế nào để tạo điều kiện cho công nhân đi khám chữa bệnh ngoài giờ được hưởng chế độ Bảo hiểm? Cháu xin cảm ơn.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Sức khỏe là thứ quý giá với bất cứ ai và ai cũng được quyền khám chữa bệnh, đó là trách nhiệm của ngành Y tế. Tổ chức công đoàn phải có trách nhiệm giám sát thực hiện việc này.
Vấn đề y tế cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, đến năng suất lao động, đến chất lượng giống nòi, đến phát triển bền vững đất nước.
Thủ tướng Chính phủ mời lãnh đạo Bộ Y tế giải đáp câu hỏi của công nhân.
Về băn khoăn của công nhân, Đại diện Bộ Y tế trả lời như sau: Vấn đề bảo vệ sức khỏe cho con người được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Mong công nhân và các doanh nghiệp lưu ý khi làm hợp đồng cần quan tâm đến vấn đề khám sức khỏe ngoài giờ, có đăng ký, để chúng tôi bố trí nhân lực. Ngoài ra, việc chăm lo sức khỏe cho người lao động cũng có trách nhiệm rất lớn của người sử dụng lao động. Thực sự hiện nay có nhiều chủ sử dụng doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề sức khỏe của công nhân.
Về vấn đề khám sức khỏe định kỳ, hiện ít nhất hàng năm NLĐ phải được khám sức khỏe một lần. Tuy nhiên, khi anh em công nhân cảm giác trong người có gì bất thường thì cần đi khám bệnh ngay, để tránh nguy hại đến sức khỏe.
Về vấn đề môi trường lao động, thời gian qua Bộ Y tế đã có nhiều đợt thanh kiểm tra, có nhiều chính sách để cải thiện môi trường lao động cho công nhân. Tuy nhiên thời gian tới, Cục Quản lý môi trường y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn vấn đề này để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao cho.
Thủ tướng trao đổi thêm về băn khoăn của công nhân: Tôi mong là thời gian tới, Bộ Y tế tích cực phối hợp với các ngành và địa phương, tập trung giải quyết cơ bản các kiến nghị của anh em công nhân nhằm nâng cao sức khỏe người lao động, nhất là việc hình thành mạng lưới bệnh viện, trạm y tế ngay gần khu công nghiệp. Góp phần đảm bảo sức khỏe của người lao động có trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, tôi đề nghị từng doanh nghiệp quan tâm thường xuyên việc cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức khám chữa bệnh và bữa ăn giữa ca của công nhân.
Sức khỏe là điều kiện đầu tiên để người lao động tối ưu hóa tuổi thọ nghề nghiệp, anh chị em công nhân cũng cần lưu tâm giữ gìn sức khỏe, bảo vệ sức khỏe của mình, phản ánh kịp thời với các cấp công đoàn, qua đó kiến nghị, hoàn thiện các quy định của pháp luật.
9h10: Thủ tướng trực tiếp đối thoại, lắng nghe băn khoăn, thắc của của công nhân.
Chị Phạm Thị Khuyên – Công nhân Cty TNHH Canon Việt Nam, đặt câu hỏi:Ở Hà Nội, chính quyền và một số doanh nghiệp chỉ bố trí được 10% nhu cầu nhà ở và 1 trường mầm non với số lượng 300 cháu cho công nhân lao động tại Khu Công nghiệp. Số còn lại đều phải thuê nhà ở trong dân và gửi con tại các nhóm trẻ tư thục nên chi phí sinh hoạt rất cao. Tôi đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương tạo điều kiện xây dựng nhiều nhà ở cho công nhân thuê, nhiều trường công lập gần các khu công nghiệp để công nhân an tâm làm việc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vấn đề nhà ở, trường học cho công nhân là vấn đề lớn, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tại 2 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân ở Đồng Nai và Đà Nẵng, tôi đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ này. Đến nay nhiều địa phương, bộ, ngành đã tích cực vào cuộc và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của anh chị em công nhân cũng như yêu cầu của Chính phủ. Nhiều địa phương cần áp dụng mô hình xây dựng khu thiết chế công đoàn, bán nhà ở giá rẻ đối với công nhân.
Thủ tướng hoan nghênh Hà Nội dành đất xây dựng nhà tại thủ đô. Thủ tướng yêu cầu phải có hệ thống nhà trẻ để con em công nhân có chỗ ở nhà trẻ đạt tiêu chuẩn. Việc xây dựng nhà trẻ bằng phương thức xã hội hóa, tạo điều kiện tối đa cho công nhân. Thủ tướng cũng chỉ đạo không riêng Hà Nội, các địa phương cũng cần dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.
Trước những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định TP luôn xác định chăm lo thiết chế công đoàn công nhân trên địa bàn. Trước đó, TP đã xây dựng trường mầm non tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long.
Ông cho biết: Tại đây chúng tôi cũng đã xây dựng một số nhà ở công nhân, cho thuê với giá 29.000đ/m2/tháng. TP cũng giao cho huyện Đông Anh đưa vào 2 trường mầm non vào khu vực KCN Bắc Thăng Long. Chúng tôi sử dụng ngân sách thành phố, tháng 8 sẽ triển khai nhà ở tại KCN Bắc Thăng Long, với giá từ 200-400 triệu/căn hộ. Bước đầu, TP sẽ giải quyết dần những khó khăn trên địa bàn Hà nội. Chúng tôi cũng giao cho Tổng Cty vận tải tổ chức xe buýt vào tận các KCN. Các thiết chế văn hóa đã được đầu tư tại khu CN Bắc Thăng long, Quang Minh.
9h: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Tổng LĐLĐVN
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng bày tỏ niềm vui vì được gặp gỡ các anh chị em công nhân của các tỉnh, thành đồng bằng Sông Hồng.
Thủ tướng hoan nghênh và cảm ơn Tổng LĐLĐVN đã tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Hà Nam và các địa phương trong khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng, chuẩn bị và tổ chức chu đáo chương trình, tạo cơ hội cho Thủ tướng được gặp mặt, trò chuyện và trực tiếp lắng nghe ý kiến của công nhân lao động và cán bộ công đoàn.
Qua 2 lần gặp gỡ và đối thoại với công nhân ở khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và miền Trung, Thủ tướng khẳng định đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa, được công nhân lao động và cán bộ công đoàn kỳ vọng, mong muốn trở thành hoạt động thường xuyên, nề nếp.
“Chính phủ, các cấp công đoàn sẽ thường xuyên đối thoại để giải quyết được các vấn đề bức xúc của công nhân hiện nay, để từng bước nâng cao đời sống cho công nhân lao động. Chúng ta đã có những thành công trong năm 2017 và có vai trò rất lớn của giai cấp công nhân. Làm sao phải củng cố giai cấp công nhân VN đông về số lượng và mạnh về chất lượng” – Thủ tướng khẳng định.
Để buổi gặp mặt, đối thoại đạt kết quả cao nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong anh em công nhân có sự trao đổi thẳng thắn, mạnh dạn nêu lên những vấn đề lớn, những khó khăn mà công nhân lao động đang gặp phải; đồng thời các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành và địa phương lắng nghe, nêu giải pháp giải quyết các vấn đề mà NLĐ nêu ra.
Tại cuộc đối thoại hôm nay, bên cạnh việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người đứng đầu Chính phủ cũng sẽ “đặt hàng” lại chính các công nhân đang trực tiếp sản xuất về những vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những giải pháp thiết thực để công nhân lao động thực sự trở thành công nhân khu vực, công nhân toàn cầu trong bối cảnh hội nhập.
8h30: Đồng chí Bùi Văn Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo Thủ tướng kết quả 2 năm thực hiện các nội dung trao đổi, chỉ đạo của Thủ tướng tại 2 lần gặp gỡ công nhân khu vực miền Nam và miền Trung…
Chủ tịch Bùi Văn Cường cho biết sau 2 năm thực hiện các nội dung trao đổi giữa Thủ tướng với công nhân và kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều chủ trương, chính sách, những kiến nghị, đề xuất thiết thực của đoàn viên, người lao động được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt điển hình như chính sách về tiền lương, tình trạng xử lý vấn đề nợ, trốn đóng BHYT, BHXH, người sử dụng lao động bỏ trốn, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách về lao động nữ…
Sau 1 năm triển khai Đề án Đầu tư xây các thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn từng bước thực hiện các mục tiêu mà Thủ tướng giao, đó là:
Đã xác định được địa điểm, đầu tư tại hơn 20 tỉnh, thành phố, được UBND các địa phương giới thiệu đất và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trong đó đã triển khai nghiên cứu thị trường và đánh giá các điều kiện đầu tư dự án tại 12 địa phương, đây là bước đi làm cơ sở chắc chắn đảm bảo hoạt động đầu tư đúng mục tiêu và hiệu quả của đề án. Đã hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư của 3 dự án tại Quảng Nam, Tiền Giang và Khu công nghiệp Đồng Văn II tỉnh Hà Nam như Thủ tướng đã đi thăm nhà mẫu chiều ngày 19.5.
Với phương châm hành động “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả” Chương trình Thủ tướng gặp gỡ CNLĐ các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018 với sự tham dự của đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các đồng chí lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng… với chủ đề: “Năng suất cao hơn, Phúc lợi tốt hơn” thực sự là mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp, đội ngũ công nhân và tổ chức công đoàn để kinh tế Việt Nam phát triển và hội nhập.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, tôi kêu gọi anh chị em công nhân, lao động không ngừng vươn lên, tự giác học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0… Tôi cũng xin kêu gọi các doanh nghiệp hãy quan tâm chăm lo cho công nhân lao động, xác định công nhân lao động là vốn quý của doanh nghiệp để có chế độ phúc lợi ngày càng tốt hơn…
8h30: Sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018 chính thức bắt đầu
Tới tham dự chương trình hôm nay có các đồng chí:
Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ;
Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương;
Vũ Đức Đam – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ;
Mai Tiến Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Nguyễn Thúy Anh – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội;
Đào Ngọc Dung – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
Nguyễn Chí Dũng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Đến dự chương trình còn có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; các đồng chí đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành trung ương.
Về phía Tổng LĐLĐVN có các đồng chí: Bùi Văn Cường – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN; Nguyễn Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; và các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch LĐLĐVN các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Hồng.
Đặc biệt là sự có mặt của gần 1.000 cán bộ công đoàn, công nhân và đại diện doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của 11 tỉnh, thành đồng bằng Sông Hồng.
Cùng đi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có: đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Bùi Văn Cường – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; lãnh đạo các Bộ, ban ngành trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm trong triển lãm, nghe giới thiệu về sản phẩm, trò chuyện và khích lệ tinh thần lao động sáng tạo của chủ nhân các sản phẩm tiêu biểu.
Triển lãm “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam khu vực đồng bằng sông Hồng” trưng bày 33 sản phẩm, trong đó có 11 sản phẩm vinh dự nhận bằng khen của Ban Chấp hành TLĐLĐVN. Đây đều là những sản phẩm xuất sắc do chính người lao động trong doanh nghiệp sáng tạo hoặc trực tiếp hoàn thiện và sản xuất. Nó kết tinh bàn tay tài hoa, tình yêu nghề nghiệp và trí tuệ của người lao động Việt Nam.
7h30: Tổng LĐLĐVN trao Bằng khen cho các sản phẩm xuất sắc tham dự Triển lãm “Tự hào Trí tuệ lao động Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Hồng 2018”
Phó Chủ tịch Thường trực TLĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đã trao chứng nhận cho 33 sản phẩm và bằng khen cho Top 11 sản phẩm xuất sắc tham dự triển lãm “Tự hào Trí tuệ lao động Việt Nam khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2018”.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải cho biết: “Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN rất tự hào về những sản phẩm tham gia triển lãm. Đây là những sản phẩm tiêu biểu chất lượng cao của tạo ra từ chính bàn tay và khối óc của NLĐ VN. Thay mặt đoàn Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp đã tạo điều kiện để NLĐ phát huy sáng kiến, sáng tạo; NLĐ Việt Nam hăng hái thi đua lao động sản xuất tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường có thể thay thế hàng nhập ngoại phục vụ nhân dân cả nước”.
7h: Hàng nghìn công nhân đến tham gia sự kiện đối thoại với Thủ tướng Chính phủ
Còn hơn 1 tiếng nữa buổi Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân lao động mới chính thức diễn ra nhưng không khí tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam đã vô cùng nhộn nhịp.
Hàng nghìn công nhân đã có mặt từ sáng sớm, thăm các gian trưng bày giới thiệu sản phẩm chương trình “Tự hào Trí tuệ lao động khu vực Đồng bằng sông Hồng năm 2018”.
Đông đảo công nhân đến tham dự chương trình, hào hứng thảo luận những vấn đề sẽ chia sẻ với người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Buổi đối thoại được công nhân chờ đợi như một “hội nghị Diên Hồng” của người đứng đầu Chính phủ với các bộ ngành trung ương, các cấp Công đoàn. Bởi sự kiện diễn ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, người lao động đang canh cánh nỗi lo thất nghiệp nếu không có những chính sách đột phá đào tạo lại nguồn nhân lực và sự hỗ trợ, định hướng từ các cấp ban, ngành, tổ chức công đoàn.
Cách đây hơn 2 năm tại tỉnh Đồng Nai và hơn 1 năm tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, đối thoại với hàng ngàn công nhân của hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Trung Bộ.
Hình ảnh Thủ tướng chân thành, gần gũi, quan tâm, chia sẻ sâu sắc đối với đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động và những món quà ý nghĩa, bất ngờ dành cho công nhân của 2 lần gặp trước là những ấn tượng khó phai trong lòng mỗi NLĐ.
Năm nay, nhân dịp Tháng Công nhân 2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cùng các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành trung ương và địa phương về tỉnh Hà Nam, thăm hỏi, động viên, gặp mặt và lắng nghe ý kiến của công nhân.