Theo chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật, gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Đo đạc và bản đồ; dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi); dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế. Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét việc cho thôi nhiệm vụ với ông Ngô Đức Mạnh đã được phân công nhiệm vụ làm Đại sứ tại Liên bang Nga; cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chương trình tại Phiên họp thứ 22 có điều chỉnh so với dự kiến chương trình gửi cho các thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Cụ thể, không xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn và sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm vào Kỳ họp Quốc hội thứ hai của năm nay. Ngoài ra, rút 3 dự án luật do chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng chuẩn bị, gồm Luật Cảnh sát biển, Luật Quản lý phát triển đô thị do chưa được các Ủy ban thẩm tra do ban soạn thảo gửi tài liệu chậm; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sau khi thẩm tra cho thấy chưa bảo đảm điều kiện để trình phiên họp này vì cần lấy thêm ý kiến của một số cơ quan chức năng.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên họp
Sau phiên khai mạc, chiều 12/3 Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục.
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục là đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Tuy nhiên, để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên sư phạm, dự thảo Luật quy định về tín dụng sư phạm và quy định sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm.
Về vấn đề này, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, trong cơ quan thẩm tra dự án luật vẫn còn 2 loại ý kiến: ý kiến thứ nhất tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chi trả chính sách đúng đối tượng làm việc trong ngành giáo dục và đề nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả học phí trong trường hợp người học tự đóng học phí. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện rõ quan điểm ưu tiên, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình của Chính phủ về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục
Quan điểm của Thường trực Uỷ ban là dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Cùng với đó là sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào; nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, cùng với chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.
Về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ quan thẩm tra cho rằng, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi một số nội dung liên quan đến chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nhà giáo. Tuy nhiên, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật còn chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, vẫn chỉ là những quy định chung, chưa rõ yêu cầu và chính sách. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban Soạn thảo rà soát, sửa đổi Chương Nhà giáo một cách căn cơ, khẳng định vị thế của nhà giáo trong xã hội, được quy định trong Luật và thông qua hệ thống chính sách: từ đào tạo, bồi dưỡng đến thu hút, tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, đãi ngộ, chế độ làm việc, thăng tiến… làm căn cứ để xây dựng Luật Nhà giáo và pháp luật có liên quan, bảo đảm việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng, đảm đương được trọng trách của mình.