Thay đổi cơ cấu trình độ, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo

Làm rõ thêm phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề lao động, việc làm của Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung, chiều 5/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để mô hình thị trường lao động của Việt Nam theo đúng xu thế các nước phát triển phải thay đổi cơ cấu lao động đào tạo theo trình độ, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.

 


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trước Quốc hội chiều 5/6

 

100 lao động thì chỉ hơn 50 lao động được đào tạo

Về cơ cấu lao động, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng như các ý kiến chất vấn đã nêu rất nhiều số liệu đầy đủ về mức độ đào tạo, tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, số liệu chưa có việc làm trong từng phân khúc một. Đặc biệt, ý kiến của đại biểu Bùi Sỹ Lợi có nói về mô hình. Mô hình của mình không giống thế giới. Trước khi bình luận tôi xin phép nói 2 ý:

Thứ nhất là những số liệu thống kê về lao động và đặc biệt là trình độ đào tạo trong lực lượng lao động của Việt Nam chúng ta chưa làm tốt điều này. Số lượng thống kê về bằng đại học, cao đẳng, trung cấp tương đối tốt, nhưng thống kê về đào tạo khác không có chứng chỉ chúng ta thống kê không tốt lắm. Đây là nhận xét chung của các bộ ngành và các tổ chức quốc tế.

Thứ hai là trong thống kê của Việt Nam hiện nay hơi khác so với quốc tế. Quốc tế không phân biệt đại học và cao đẳng trong thống kê về lao động, họ chung là trình độ đại học, cao đẳng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: theo UNESCO phân loại 5 lao động theo 5 tầng. Tầng thứ nhất là những người nghiên cứu và phát minh ra kiến thức. Tầng thứ hai là những người phổ biến kiến thức. Tầng thứ ba là những người quản lý kỹ thuật. Tầng thứ tư là những người khai thác kỹ thuật, công nghệ. Tầng thứ năm là những người trực tiếp vận hành.

Còn Tổ chức Lao động thế giới phân thành 9 loại. Chúng ta là đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đó là số liệu thống kê về đào tạo bằng cấp của Việt Nam, không phải là số liệu thống kê về cơ cấu lao động. Tính theo số liệu cơ cấu về đào tạo theo bằng cấp thì mô hình của Việt Nam không giống nước nào. Tỷ lệ như tôi nói ở trên rất khác nhau, nhưng đào tạo khoảng 10 đại học thì cao đẳng khoảng 3-4, có 1 người đào tạo là trình độ bên dưới. Thế giới gộp đại học và cao đẳng nên mô hình của họ là 1 đại học, cao đẳng thường có 4-5 trung cấp và 10 là sơ cấp.

Năm 2017, qua khảo sát thì cứ 100 em học sinh tốt nghiệp cấp 3 có 46 em thi đại học, cao đẳng và học đại học, cao đẳng, còn lại trên 7 em gần 8 em không đỗ thì ở nhà sang năm thi tiếp. Chỉ hơn 20 em, gần 22 em chấp nhận đi học trung cấp ngành, còn lại hơn 10 em ra trường lao động luôn nên vì thế cơ cấu lao động theo bằng cấp của Việt Nam là hình thắt ở giữa. “Nhưng cơ cấu lao động của thị trường lao động Việt Nam hoàn toàn vẫn đúng mô hình của các nước đang phát triển, rất buồn đó là hình chóp, đây không phải mô hình tối ưu. Các nước kém phát triển hình chóp rất cao tức là số lao động giản đơn bên dưới rất nhiều và càng lên cao càng ít” – Phó Thủ tướng cho hay.

Liên quan tới đào tạo, Phó Thủ tướng cho biết, chúng ta phải nhớ hiện nay chúng ta có 100 lao động thì chỉ hơn 50 lao động được đào tạo. Trong hơn 50 đấy chỉ có hơn 22 người có bằng cấp còn lại hơn 30 người chưa có bằng cấp chứng chỉ. Vậy, một mặt chúng ta nắn mô hình đào tạo giữa đại học, cao đẳng, trung cấp nhưng một mặt là đẩy mạnh đào tạo nghề cho số 32 triệu còn lại chưa được đào tạo có bằng cấp, như thế lập tức mô hình của ta sẽ dần dần trở lại theo đúng xu thế. Phó Thủ tướng nói: “Đây là điểm mà đồng chí Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã phát biểu trong Chính phủ và chúng tôi sẽ chỉ đạo làm những đề án để tăng cường đào tạo số này như các nước”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam  trao đổi với các Đại biểu Quốc hội bên hành lang Quốc hội sáng 5/6.

Những trẻ em bị xâm hại thì cần lên tiếng

Về xâm hại trẻ em, chia sẻ với suy nghĩ của các đại biểu, rất bức xúc và yêu cầu phải xử lý nghiêm minh những vụ việc vi phạm, Phó Thủ tướng cho rằng việc đúng người, đúng tội, không để oan, không để sai, không để lọt và quan trọng nhất phải đặt yêu cầu bảo vệ quyền lợi của trẻ em lên trên.

Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em không chỉ có câu chuyện xử lý các vụ việc. Ngay các vụ việc bạo hành trong đó có dâm ô với trẻ em thì luật cũng quy định rõ phải từ ba cấp độ là phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Tôi xin được phát biểu trong chừng mực có hạn một vài nét để làm sao chúng ta nhìn thấy phòng ngừa và hỗ trợ cũng cân đối với sự quan tâm để ngăn chặn.

Đề cập đến vấn đề bảo vệ trẻ em nói chung và đặc biệt là bạo hành trẻ em là vấn đề cả thế giới. Vì thế, theo Phó thủ tướng, từ năm 90 có công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Ở Việt Nam chúng ta là nước đầu tiên của Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới tham gia công ước này, tham gia hoàn toàn, không có bảo lưu bất kỳ một điều gì. Chúng ta đã có luật và trong luật quy định rất cụ thể, đặc biệt là Luật năm 2016 có hiệu lực từ năm 2017, vấn đề này được quy định hết sức cụ thể. Các đại biểu đã nói, có 17 cơ quan được nêu tên cụ thể trong luật về trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Trong đó, đặc biệt lưu ý các bộ, ngành và đặc biệt trong luật quy định rõ đến trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã. “Chúng tôi ngay sau khi luật chuẩn bị có hiệu lực, Chính phủ và cũng trùng vào lúc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có tổ chức một phiên giải trình” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trao đổi với đại biểu Lê Thị Nga, Phó Thủ tướng cho biết công văn góp ý hay khuyến nghị mà đại biểu Lê Thị Nga đã nói, Chính phủ trực tiếp và kể cả Thủ tướng cũng đã xem xét và giao cho các bộ, ngành. Nhưng ngay khi luật chuẩn bị có hiệu lực vào tháng 7 thì trước đó mấy tháng Chính phủ đã chuẩn bị ban hành nghị định, không chỉ nghị định hướng dẫn luật mà quan trọng nữa là ban hành nghị Định số 80, về xây dựng môi trường, trường học thân thiện, an toàn, phòng chống bạo lực. Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18 của Thủ tướng với đầy đủ, rất nhiều các giải pháp trong đó và một loạt các đề án.

Ngay khi ban hành chỉ thị đó, tôi đã trực tiếp báo cáo với đồng chí Thủ tướng và đã thống nhất chỉ thị này ban hành ra và một năm sau sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc để tổng kết chỉ thị đó xem đã làm được việc gì và chưa làm được gì, đó là hội nghị mà đại biểu Lê Thị Nga có nhắc tới, chúng tôi đang xếp ngày cụ thể, còn bây giờ là khoảng đúng sau 1 năm sau khi chỉ thị được ban hành.

“Qua tất cả những việc đó, chúng ta thấy luật đã đi vào một năm nhưng đến giờ phút này còn rất nhiều điều được quy định cụ thể trong luật nhưng chúng ta chưa triển khai được đúng như luật quy định. Tôi lấy ví dụ luật có một điều quy định cụ thể, Điều 72 quy định về người được phân công trách nhiệm bảo vệ trẻ em ở cấp xã, thì quy định trách nhiệm là chúng ta phải chỉ định người đó là ai, chỉ định xong rồi thì tập huấn bởi người đó có 5 kỹ năng mà luật định nghĩa và đến giờ phút này thì số tỉnh thực hiện được điều này còn rất ít” – Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng đề nghị khi nói về những vụ việc bức xúc, bạo hành trẻ em, dâm ô trẻ em thì chúng ta xử lý nhưng chú ý đồng thời. Hay việc giải quyết nguồn lực để đảm bảo cho công tác bảo vệ trẻ em thông qua y tế và giáo dục thì từ trước đến nay làm vẫn tốt, nhưng luật có quy định là còn thông qua chương trình bảo vệ trẻ em thông qua ngày lao động thì cũng chưa đến nửa số địa phương đưa ra hội đồng nhân dân để làm việc này.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng không chỉ quy định các cơ quan, tòa án, kiểm sát, công an mà quy định cả trách nhiệm của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Bảo vệ trẻ em, đến giờ phút này chúng ta cũng chưa có được một chương trình tập huấn đồng bộ của các cơ quan, đoàn thể này xuống cán bộ phụ trách công tác này ở cơ sở. Phó Thủ tướng cho biết, khi hội nghị tổng kết, chúng tôi sẽ triển khai mạnh mẽ cái này trên tinh thần kiểm điểm, việc gì làm được thì nói được, việc gì không nói không. Tôi rất mong, đây có các đồng chí lãnh đạo các địa phương, đoàn thể thì sau đây công tác bảo vệ trẻ em mình sẽ lo được phần phòng ngừa, chưa nói đến hỗ trợ và can thiệp.

“Kính thưa Quốc hội, thực hiện Luật Trẻ em 2016, Chính phủ đã chỉ đạo theo quy định của luật là thành lập Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em và các nhà mạng và Bộ Thông tin và Truyền thông rất tích cực, đã dành cho tổng đài một con số rất đặc biệt là con số 111 rất dễ nhớ. Ngay sau khi tổng đài hoạt động thì số lượng các cuộc gọi đến để hỏi tư vấn và để báo về trẻ em tăng lên rất nhiều. Chúng tôi rất mong bằng các giải pháp đồng bộ để một mặt chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm không được coi trẻ em giống như ngày xưa “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Bây giờ văn minh, những trẻ em bị xâm hại thì cần lên tiếng và cần được bảo vệ một cách đúng đắn” – Phó Thủ tướng nói..

 

(Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *