“Tôi thường đưa ra những câu hỏi sâu về số liệu, nhưng rất đơn giản như: Doanh số bao nhiêu? Chi phí vận hành/tháng bao nhiêu? Lỗ/lãi ra sao? … Đó là bài toán của một bà đi buôn, chỉ học lớp 1, lớp 2, cũng phải tính được… Nhưng bài toán tài chính này tôi thấy đa phần các Startup đều rất yếu”, Shark Nguyễn Xuân Phú cho biết.
Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse.
Trên cương vị “cá mập” đầu tư, ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse – cho biết có một yếu tố mà các Startup đều yếu, và cũng là lý do cơ bản khiến 90% Startup sẽ chết giữa đường.
Các Startup hay ảo tưởng, cho rằng ý tưởng của mình là ghê gớm, chinh phục được hết mọi người
“Đa phần Startup hình thành từ một ý tưởng kinh doanh. Họ chưa vận hành lâu một doanh nghiệp. Chính vì vậy, có nhiều vướng mắc trong tương lai họ chưa thể hình dung ra hết”.
“Thông thường, các Startup vì mới nên hay ảo tưởng, cảm tưởng rằng ý tưởng của họ là ghê gớm, là một cái gì đấy chinh phục được hết mọi người. Nhưng để làm được điều đó còn rất nhiều thứ xung quanh, đặc biệt vấn đề tài chính”, ông Phú chia sẻ.
Rất nhiều ý tưởng hay mà người Founder không có tiền để theo đến cùng. Shark Phú lấy ví dụ như trong lĩnh vực công nghệ, hiện nhiều bạn làm app, nhưng điều quan trọng nhất để thành công là lượng người dùng biết đến bạn đủ lớn, khi ấy mới đủ trang trải được các chi phí.
Để người dùng biết đến và sử dụng dịch vụ, cần thời gian và chi phí Marketing rất lớn. Khoảng thời gian này khá dài, mà thông thường Startup không đủ tài chính để theo đến cùng.
“Đa số những người thành công là người biết cân bằng được, biết lấy ngắn nuôi dài, tự lo để tồn tại trước, xong mới hy vọng biến các ý tưởng thành hiện thực”.
“90% Startup sẽ chết giữa đường, đó là sự thật. Tuy vậy, 10% còn lại để thành công, thường những người ấy phải là người kiên trì, bền bỉ, có cái nhìn toàn diện. Họ phải rất tiết kiệm, biết tính toán, căn cơ để làm sao tồn tại được đủ đến một ngưỡng hòa vốn, khi sản phẩm hay dịch vụ của họ được thị trường chấp nhận, lúc ấy mới có dòng tiền quay về, và Startup mới tồn tại được”, Shark Phú nhấn mạnh.
Bài toán chi phí, lỗ lãi… là bài toán của một bà đi buôn, chỉ học qua lớp 1, lớp 2 cũng phải tính được
Theo ông chủ Sunhouse, người Founder phải biết căn cơ, tính toán được làm sao để tồn tại đến lúc sản phẩm được tung ra thị trường, được thị trường đón nhận, vượt qua ngưỡng hòa vốn.
Bài toán khó nhất là người Founder tính được một khoảng thời gian 3 hay 5 năm, từng khoản doanh thu, chi phí bao nhiêu, mỗi giai đoạn cần bao nhiêu tiền.
“Đây là bài toán tài chính, mà qua 4 tập Shark Tank vừa rồi, tôi thấy đa phần các Startup đều rất yếu. Đó cũng là lý do cơ bản mà rất nhiều Startup sẽ chết giữa đường. Mặc dù có thể ý tưởng rất tốt, sản phẩm tốt, nhưng họ không đủ kiên nhẫn, không có tiền để theo đuổi. Chính vì vậy, trong quá trình đầu tư, tôi phải căn xem tư duy của bạn Startup ấy có toàn diện hay không”.
“Tôi thường đưa ra những câu hỏi sâu về số liệu, nhưng rất đơn giản như: Doanh số bao nhiêu? Chi phí vận hành/tháng bao nhiêu? Lỗ/lãi ra sao? … Đó là bài toán của một bà đi buôn, chỉ học lớp 1, lớp 2, cũng phải tính được…”, Shark Nguyễn Xuân Phú thẳng thắn.
Ông Phú cũng thường đặt các câu hỏi về số liệu như 1 tháng vừa rồi doanh số tăng được bao nhiêu? Chi phí có tăng lên tương đồng? Dấu hiệu kinh doanh của doanh nghiệp đang tốt hay xấu đi?
“Bạn nào nhìn ra được chuyện đó sẽ có căn cơ để tính toán chu kỳ sống của doanh nghiệp mình. Còn bạn không biết tiêu bao nhiêu tiền, có bao nhiêu tiền, có thể bạn chết giữa đường mà không biết”, Shark Phú nhắn nhủ.
Bảo Bảo
(Trí Thức Trẻ)