Sắp xếp, tổ chức và quản lý hiệu quả trung tâm giáo dục thường xuyên

Trung tâm GDTX là một trong ba loại hình cơ sở GDTX của hệ thống giáo dục quốc dân, là yếu tố quan trọng để tạo nên một hệ thống giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập.

Nhằm giúp các địa phương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức và quản lý hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDTX theo tinh thần tại Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết 19), Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 943/ BGDĐT-GDTX về việc sắp xếp, tổ chức và quản lý hiệu quả trung tâm GDTX.

Trung tâm GDTX là một trong ba loại hình cơ sở GDTX của hệ thống giáo dục quốc dân. Trung tâm GDTX có chức năng đảm bảo cơ hội được tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm cho mọi người (chủ yếu là người lớn); đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân; là đầu mối bồi dưỡng giáo viên, thay sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; là yếu tố quan trọng để tạo nên một hệ thống giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập.

Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp:Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”. Khoản 1, Điều 4 Luật Giáo dục hiện hành quy định: “Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.”; tại Khoản 6, Điều 19 Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục quy định: “Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; “Mỗi huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có ít nhất một trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện”.

Nghị quyết 19 đề ra chủ trương: “Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện”. Các trung tâm sau khi sáp nhập thực hiện các chức năng: giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề. Việc sáp nhập này đã được liên Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ hướng dẫn sáp nhập tại Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015 hướng dẫn việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm GDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, nghiên cứu phương án sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; không sáp nhập trung tâm GDTX cấp tỉnh, cấp huyện với trường trung cấp hoặc cao đẳng, chỉ sáp nhập trung tâm GDTX cấp huyện với trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề trên địa bàn cấp huyện; có lộ trình phù hợp để xem xét phương án giao quyền tự chủ cho các trung tâm GDTX theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Vụ Giáo dục thường xuyên
(Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *