Ngày 12/12/2019, tại Đà Nẵng Tiểu ban giáo dục nghề nghiệp (Tiểu ban GDNN) thuộc Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức phiên họp thứ 3 năm 2019. TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH, Trưởng Tiểu ban chủ trì phiên họp
Tham dự phiên họp có các thành viên Tiểu ban, các chuyên gia, các nhà quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại diện doanh nghiệp tại khu vực: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Thừa – Thiên Huế.
TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN, Trưởng Tiểu ban chủ trì phiên họp
TS. Nguyễn Hồng Minh, Trưởng Tiểu ban GDNN cho biết, trong những năm qua, đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN bước đầu đã có những dấu ấn đáng ghi nhận: Nhận thức của xã hội, người dân, doanh nghiệp về GDNN đã có những chuyển biến tích cực thể hiện ở việc tuyển sinh vào GDNN đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDNN từng bước được hoàn thiện; các điều kiện bảo đảm chất lượng ngày càng được tăng cường; Chất lượng, hiệu quả GDNN đã được nâng lên, lao động qua đào tạo nghề nghiệp đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện; khoảng trên 80% học sinh, sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt 100%.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, đến nay, Bộ LĐTBXH đã ban hành Quyết định số 1150/QĐ-LĐTBXH ngày 05/9/2018 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH về việc giao nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở Quyết định này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang triển khai xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự kiến trình phê duyệt trong Quý I/2020).
Tại phiên họp, thành viên Tiểu ban, các đại biểu, chuyên gia trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan tới quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, để giúp cho Tiểu ban có những tư vấn phù hợp cho Tổng cục GDNN, Bộ LĐTBXH trong việc thực hiện xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trong thời gian tới đáp ứng được mục tiêu đặt ra là: Hình thành mạng lưới cơ sở GDNN có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp trình độ trong GDNN; bảo đảm cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo và cơ cấu vùng, miền; tính đa dạng, đồng bộ của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Theo ThS. Nguyễn Hoàng Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng Cục GDNN, bên cạnh những kết quả mà GDNN đạt được như lập quy hoạch ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm theo từng giai đoạn; huy động kinh phí quy hoạch từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh thực hiện tự chủ, gắn kết doanh nghiệp, thì quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN vẫn còn gặp một số hạn chế: Khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu số lượng cơ sở GDNN rất ít, quy mô đào tạo nghề nhỏ, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo còn thiếu, chưa cập nhật với sự thay đổi của công nghệ; Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN chưa gắn với quy hoạch phát triển nhân lực, với quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương, cấp trình độ đào tạo; Nhiều trường có qui mô đào tạo nhỏ (gần 50% số các trường cao đẳng và 20% các trường trung cấp có quy mô thấp hơn so với quy định tại Nghị định số 143/2016/NĐ-CP); Quy mô tuyển sinh không đạt được mục tiêu chiến lược và liên tục giảm qua các năm.
TS. Phan Chính Thức, một số vấn đề lý luận quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN cần tính tới là: Tính đặc thù của mạng lưới cơ sở GDNN; các nguyên tắc trong quy hoạch; vị trí của quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN; các nội dung quy hoạch cụ thể và các yêu cầu đối với quy hoạch mạng lưới GDNN. Mạng lưới GDNN khác với các bậc học khác, có nhiều biến số, môi trường đa dạng, phức tạp; mặt khác đây là lần đầu tiên xây dựng mạng lưới quy hoạch các cơ sở GDNN và chưa có quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, nên xây dựng quy hoạch mạng lưới GDNN sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Đại diện của Sở LĐTBXH Đà nẵng cho rằng, đối với việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn TP Đà Nẵng, quy hoạch thuận lợi và đạt được những hiệu quả nhất định như: Có 02 trường CĐ công lập trực thuộc UBND Thành phố Đà Nẵng, với 2 mảng đào tạo khác nhau (Cao đẳng nghề Đà Nẵng và Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Đà Nẵng), mỗi trường tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, chính vì vậy các ngành, nghề đào tạo không có sự chồng chéo và trùng lắp.
Tại Thừa Thiên Huế, đại diện Sở LĐTBXH Tỉnh Thừa -Thiên Huế cho biết, hiện hệ thống GDNN đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Quyết định 180. Trên cơ sở đó, mạng lưới cơ bản được tinh gọn, hiệu quả, quy hoạch và phát triển theo hướng ổn định cho các trường cao đẳng. Trường trung cấp, mỗi trường đều tập trung đào tạo mỗi lĩnh vực riêng biệt theo thế mạnh của trường. Kết quả là đã sáp nhập Trường trung cấp nghề Quảng Điền vào Trường cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế . Căn cứ vào chiến lược phát triển nhân lực của quốc gia, tỉnh tiếp tục rà soát và đảm bảo theo quy định về quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bản tỉnh.
TS. Phạm Hồng Linh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng quốc tế Pegasus (trường có vốn đầu tư nước ngoài), có một số đề xuất: không áp đặt theo ý chí chủ quan, cần theo quy luật cạnh tranh giữa các trường; cần đẩy nhanh tự chủ của các trường công lập, tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các trường công lập và các trường tư thục; trong quy hoạch của Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH có sự đồng bộ dựa theo chất lượng đào tạo và yêu cầu của nhân lực hiện nay; các chính sách mở nhưng cần ổn định, sát thực tiễn.
Theo PGS.TS. Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng, cần có quy hoạch tổng thể mạng lưới cơ sở GDNN (gồm cả công lập và tư thục): yếu tố ngành, khu vực, cơ cấu; các trường cần đẩy mạnh tự chủ; đánh giá lại hoạt động của nhà trường, tính tới việc sáp nhập, giải thể và nên có chính sách thành lập mới (song hành cùng sáp nhập, giải thể); quy hoạch theo nguyên tắc cơ cấu ngành, nghề; tăng tỷ lệ các trường tư thục, giảm bớt các trường công lập (kinh nghiệm ở Hàn Quốc là 80% tư thục – 20% công lập); cần tính toán cơ cấu lao động hợp lý để làm quy hoạch và có sự kết nối từ Trung ương xuống địa phương về quy hoạch.
Tổng kết phiên họp, TS. Nguyễn Hồng Minh, Trưởng Tiểu ban GDNN tổng kết các vấn đề hiện nay về mạng lưới cơ sở GDNN còn nhiều chồng chéo về ngành, nghề đào tạo, cần phải sắp xếp lại. Nghị Quyết 19/NQ-TW là cơ sở để quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới. Bộ LĐTBXH đã ban hành QĐ 995/QĐ-LĐTBXH và đang dự thảo Đề án quy hoạch sẽ sớm trình Thủ tướng ban hành làm cơ sở cho các địa phương thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện Nghị Quyết 19/NQ-TW, nhiều địa phương hiểu chưa đúng, Bộ LĐTBXH đã có công văn đề nghị các địa phương, rà soát xây dựng đề án và báo cáo Bộ LĐTBXH trước khi ban hành quy hoạch, tuy nhiên nhiều địa phương đã không thực hiện như vậy. Các cách làm của địa phương là khác nhau, tuy nhiên, khi làm quy hoạch cần tính tới nhu cầu nhân lực, cơ cấu ngành, nghề đào tạo.
Ngoài ra, Tổng cục cũng đã lưu ý, khi làm quy hoạch phải xác định rõ mục tiêu quy hoạch trên cơ sở nhu cầu nhân lực vùng miền, để xác định cơ cấu trường công lập, tư thực, trường chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm, trường thuộc bộ ngành; thay đổi cơ chế khi chuyển sang tự chủ (do Hội đồng trường quyết định) nhưng phải báo cáo để quản lý.