Chiều 6.5, tại trụ sở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã diễn ra Lễ ký Chương trình phối hợp công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2019 – 2023.
Chương trình do Hội Nông dân Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức, nhằm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13.4.2007 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9.1.2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20.2.2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”.
Ký kết Chương trình phối hợp công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2019-2023 |
Sự phối hợp giữa Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam nhằm phát huy khả năng, thế mạnh của hai tổ chức trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, động viên, khuyến khích cán bộ, hội viên, nông dân học tập suốt đời dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau để cập nhật kiến thức, kỹ năng nâng cao năng suất lao động, phát triển bền vững bản thân, gia đình và xã hội trước yêu cầu của nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Chương trình phối hợp gồm 6 nội dung cơ bản, trong đó nhấn mạnh: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập; Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng cho toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân; Vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực học tập suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, dưới nhiều hình thức, phương thức và các phương tiện khác nhau (tại trung tâm học tập cộng đồng, thư viện, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã, tự học, học từ xa, học trực tuyến, học thông qua mạng internet…); Tham gia xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”; tích cực tham gia, hỗ trợ công tác khuyến học và tổ chức khuyến học ở cơ sở nhằm trí thức hóa nông dân…
Vận động các dòng họ xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài và các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tài trợ, trao học bổng cho con em nông dân học giỏi và các cháu thuộc hộ nghèo có thành tích học tập tốt nhằm khuyến khích, động viên các gia đình nông dân tiếp tục đạt thành tích cao hơn trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình học tập; Kiến nghị, đề xuất cơ chế, xây dựng chính sách tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, hội viên, nông dân có điều kiện thuận lợi trong việc học tập, học nghề, nghiên cứu và áp dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, phát triển sản xuất nông nghiệp thịnh vượng…
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng phát biểu tại Lễ ký Chương trình phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam |
Theo đó, Hội Nông dân Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam cần thống nhất xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm triển khai Chương trình phối hợp, kết thúc giai đoạn tiến hành sơ kết, tổng kết và xây dựng Chương trình phối hợp giai đoạn tiếp theo. Hội Nông dân và Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, tổ chức ký kết và triển khai Chương trình phối hợp; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao Ban Xã hội-Dân số, Gia đình và Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam giao Ban Phong trào là đơn vị đầu mối tổng hợp, tham mư giúp hai cơ quan xây dựng, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình.
Phát biểu tại Lễ ký, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh, xu thế toàn cầu hóa, phải hội nhập, mà để hội nhập thành công thì một trong những yêu cầu là phối hợp thật tốt trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chương trình phối hợp này là động lực quan trọng để Việt Nam đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới. Theo Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, bối cảnh mới có thách thức rất lớn, yêu cầu mọi lực lượng lao động trong xã hội phải đổi mới tư duy, sẵn sàng với cuộc cách mạng công nghệ số. Chương trình phối hợp lần này mấu chốt là giúp bà con nông dân tăng tri thức, kỹ năng lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.