Tại buổi làm việc, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Đại học Thương mại kiến nghị được tạo điều kiện để sử dụng nguồn học phí để đầu tư cơ sở vật chất hiện đang rất vướng mắc do phải được sự đồng ý của Bộ GD&ĐT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính theo Luật Đầu tư công.
Trả lời theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết Bộ sẽ kiểm tra lại vấn đề này. Trong dự thảo Luật Giáo dục, Giáo dục Đại học, dự kiến đưa vào nội dung đầu tư các dự án từ nguồn học phí không được coi là ngân sách, không phải theo quy định luật đầu tư công.
“Các Bộ GD&ĐT, KH&ĐT, Tài chính cần tạo thuận lợi tối đa về thủ tục đầu tư dự án, quy trình thẩm định, ra văn bản đồng ý chủ trương… khi các trường đại học đã tự chủ được nguồn vốn”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Về vấn đề nhân sự của Hội đồng trường cũng như việc kéo dài thời gian công tác, quản lý đối với những cán bộ, giảng viên đến tuổi nghỉ hưu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo Bộ Nội vụ giải đáp cụ thể.
Theo đó, khi nhà trường đã tự chủ được về quỹ lương thì hoàn toàn có thể tự ký hợp đồng kéo dài thời gian làm việc đối với những cán bộ, giảng viên đến tuổi nghỉ hưu.
Đối với những trường hợp bổ nhiệm chức vụ, chức danh quản lý cần xem theo đúng các quy định của pháp luật, báo cáo những trường hợp vướng, đề nghị đặc cách.
Trong mối quan hệ giữa Đảng uỷ, Hội đồng trường với hiệu trưởng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải giao thực quyền cho Hội đồng trường, trước hết là quyền quyết định tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính.
“Hội đồng trường phải bảo đảm quyền đại diện của tập thể, sâu hơn nữa là mở rộng quyền làm chủ thực sự đến từng giáo viên, bộ môn.
Bộ máy hành chính của nhà trường, các phòng khoa phải phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu theo tinh thần ngày càng nâng cao vai trò của giảng viên, giáo viên, giáo sư, bộ môn, rồi đến các khoa, các phòng, ban khác”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Tiếp tục thực hiện tự chủ trên tinh thần vướng đâu gỡ đấy
Điểm quan trọng được Phó Thủ tướng đề cập đến là Đại học Thương mại phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử giống như “bộ luật” của trường, cụ thể, chi tiết nhất có thể về tất cả các mặt như quy trình tuyển người, phân bổ thu nhập, đánh giá thi đua, khen thưởng…
“Bộ quy tắc được xây dựng, thông qua tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường, Hội đồng trường và là căn cứ để thực hiện giám sát nội bộ, giải trình trách nhiệm với xã hội”.
Phó Thủ tướng cũng gợi ý trong điều kiện mới bên cạnh những thế mạnh vốn có, Đại học Thương mại có thể xem xét mở ra những chuyên ngành đào tạo mới mà nền kinh tế, xã hội đang có nhu cầu như du lịch, công nghệ thông tin…; mở phân hiệu, cơ sở đào tạo trực thuộc từ những trường đại học, cao đẳng địa phương đang rất khó khăn, không tuyển được sinh viên.
“Cả nước nói về cơ hội tương lai của đất nước và đào tạo phải đi trước, mở ra những chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu mới. Đây là cơ hội để Đại học Thương mại vươn lên cả về chuyên môn, cơ sở vật chất lẫn không gian phát triển, trở thành một phần của mạng lưới các trường đại học của thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Đề nghị nhà trường cần tiếp tục thực hiện tự chủ trên tinh thần vướng đâu gỡ đấy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “tự chủ đại học khơi dậy những gì sáng tạo, đổi mới nhất”.
* Trước đó, trò chuyện với sinh viên Đại học Thương mại, trong lễ trao học bổng sinh viên nghèo vượt khó, Phó Thủ tướng mong muốn các cán bộ, giảng viên, sinh viên nhìn nhận cả cơ hội lẫn thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và bắt đầu hành động từ những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt, học tập, nghiên cứu hàng ngày.
“Ai là người đi trước thì thách thức sẽ thành cơ hội và ai đi sau sẽ bị bỏ lại rất nhanh. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, đặc biệt là những bạn trẻ. Cần phải khơi dậy sáng tạo của từng cán bộ, giảng viên, sinh viên bởi nếu chỉ học theo cách cũ, làm theo cách cũ của thế giới chúng ta sẽ mãi đi sau” – Phó Thủ tướng chia sẻ.