Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên. Đánh giá hiệu quả, xác định mô hình phù hợp

Trong 10 năm qua, hệ thống trường trung học phổ thông chuyên đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần đánh giá hiệu quả sau đầu tư, từ đó các giải pháp phù hợp nhằm tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục trường chuyên, tạo nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Chuyển biến mạnh mẽ về quy mô và chất lượng
Sáng 23.12, Tiểu ban Giáo dục phổ thông, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức phiên họp với chủ đề “Phát triển hệ thống trường chuyên: Vai trò, sứ mạng, mục tiêu giáo dục và giải pháp chính sách” diễn ra trực tiếp tại Hà Nội, kết hợp trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Tiểu ban Giáo dục Phổ thông chủ trì Phiên họp
Thực hiện Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 24.6.2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 – 2020”, với sự quan tâm của Chính phủ, sự hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương, hệ thống trường trung học phổ thông chuyên đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng giáo dục.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Nguyễn Xuân Thành, tại thời điểm xây dựng Đề án, năm học 2009 – 2010, cả nước có 68 trường chuyên (64 trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 4 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học), 7 khối chuyên (4 khối chuyên thuộc trường THPT, 3 khối chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học). Đến năm học 2014 – 2015 cả 63 tỉnh, thành phố đều đã có trường chuyên. Năm học 2019 – 2020, hệ thống trường chuyên gồm: 77 trường chuyên (71 trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 6 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học) và 11 khối chuyên. So với thời điểm năm 2010, đến nay đã thành lập mới 9 trường chuyên.

Về quy mô học sinh lớp chuyên, năm học 2010 – 2011 có 56.654 học sinh chuyên, đến năm học 2019 – 2020, số học sinh lớp chuyên là khoảng 71.345 (chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT), tăng 14.835 học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của các trường chuyên từng bước được tăng cường, bảo đảm đáp ứng yêu cầu theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của trường chuyên về cơ bản đã đáp ứng đủ về số lượng và có chuyển biến đáng kể về chất lượng. Lực lượng giáo viên tại các trường chuyên đã có thể trở thành lực lượng đầu đàn, có tầm ảnh hưởng lớn tới đội ngũ giáo viên tại các địa phương, tạo nguồn cán bộ bồi dưỡng tại chỗ cho các giáo viên khác tại địa phương. Đây cũng là thành tựu nổi bật đáng ghi nhận khi triển khai thực hiện Đề án.

Chất lượng giáo dục tại các trường chuyên có chuyển biến rõ nét, thể hiện qua kết quả xếp loại 2 mặt giáo dục, kết quả thi đại học, kết quả thi olympic khu vực, quốc tế, thi Intel ISEF các năm gần đây… đưa giáo dục Việt Nam tiến gần các nước trong khu vực và quốc tế.

Đào tạo tinh hoa phải chọn tinh hoa

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xây dựng các trường chuyên trọng điểm có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa được triển khai mạnh và chưa đạt được những kết quả rõ rệt. Tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao, chiếm tới 24,67%. Một số trường chuyên chưa thực sự phát huy được vai trò đi đầu trong việc đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà trường; chưa chứng tỏ được vai trò hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Nhiều chuyên gia đánh giá cao vai trò, vị trí của trường chuyên
Việc huy động các nguồn lực từ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại; việc hợp tác, liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài về xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên vẫn còn nhiều hạn chế. Liên kết giữa các trường chuyên và các cơ sở giáo dục có uy tín trong nước và quốc tế chưa nhiều và hiệu quả…

Tại phiên họp, nhiều chuyên gia đánh giá cao vai trò, vị trí của trường chuyên. PGS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: 10 năm qua, các trường chuyên được đầu tư lớn về cơ sở vật chất, đội ngũ, giúp nhiều học sinh có tài năng, năng khiếu được theo học môi trường giáo dục chất lượng. Nhìn vào lịch sử, ra đời từ những năm 1960, từ giai đoạn đổi mới đến nay, trường chuyên đã làm được rất nhiều. Tuy nhiên, nhìn vào hệ thống trường chuyên có phải mục tiêu chúng ta hướng tới trong 10 – 20 năm tới hay không? Có thể thấy, kỳ vọng, mong muốn của xã hội cao hơn so với trường chuyên hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá hiệu quả đầu tư cho trường chuyên, đánh giá chất lượng đầu ra của trường chuyên trong giai đoạn vừa qua. Theo GS. TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, việc đánh giá nguồn nhân lực trưởng thành từ trường chuyên đóng góp như thế nào cho sự phát triển của đất nước là điều quan trọng. Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo cần khảo sát từ trường chuyên, có bao nhiêu em đạt được đỉnh cao trong các lĩnh vực, bao nhiêu em ra nước ngoài quay trở lại phục vụ phát triển đất nước?…

Để trường chuyên làm tốt nhiệm vụ, phụ thuộc vào việc xác định mô hình, có chương trình, cách thức tuyển chọn; nhân lực để thực hiện, điều kiện cơ sở vật chất, tài chính; có đánh giá và có chính sách thu hút để những thế hệ học sinh trưởng thành từ trường chuyên quay trở lại phục vụ phát triển đất nước.

Phiên họp diễn ra trực tiếp kết hợp trực tuyến tại nhiều điểm cầu trong cả nước
PGS. TS. Phạm Đức Quang, thành viên Tiểu ban cho rằng: Dù các trường chuyên thời gian vừa qua có thành tích rất lớn, nhưng trong bối cảnh mới, cần có sự thay đổi. Theo đó, cần cân nhắc mục tiêu mô hình trường chuyên để trở thành nơi đào tạo tinh hoa, nguồn nhân lực chất lượng. Quan tâm quản lý, giám sát để tránh biến tướng nhà trường, dẫn tới “lớp gửi” nhiều hơn lớp chuyên, lãng phí nguồn lực đầu tư. Trên cơ sở sản phẩm của trường chuyên, phải tạo được hệ thống trường chuyên trau dồi kinh nghiệm học thuật; tạo lập hệ thống kết nối mạng học sinh, tránh hiện tượng như các “lò luyện võ”.

Ghi nhận các ý kiến tâm huyết tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng: Sau 10 năm thực hiện Đề án, quy mô phát triển của trường chuyên tương đối hợp lý. Các trường được xây dựng theo hướng trường trung học phổ thông chất lượng cao, được đầu tư đồng bộ, chất lượng. Tuy vậy, cần khảo sát thật bài bản, đầy đủ thông số về hoạt động kết quả của trường chuyên thời gian qua, chất lượng học sinh chuyên ra trường thời gian qua như thế nào, để trả lời cho xã hội hiệu quả sau đầu tư.

Bên cạnh đó, đào tạo tinh hoa phải chọn tinh hoa. Cần xem xét mô hình hoạt động của các trường chuyên, tăng cường kiểm định chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo, đầu ra, về cơ sở vật chất và các nguồn lực khác. Cần xây dựng mô hình hoạt động chất lượng để trường chuyên thực sự là tiên phong, dẫn dắt cho các trường trung học phổ thông khác phát triển.

Ngọc Phương
(Báo Đại biểu nhân dân)

Phản hồi:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *