Phát triển giáo dục thường xuyên theo hướng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày 16/10/2020, Tiểu ban giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời (GDTXHTSĐ) thuộc Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã có phiên họp với chủ đề “Phát triển giáo dục thường xuyên theo hướng tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0”, GS.TS. Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban GDTXHTSĐ chủ trì phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp, GS.TS Phạm Tất Dong, Trưởng tiểu ban GDTXHTSĐ đã chỉ ra một số yêu cầu với hệ thống GDTX trước bối cảnh phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước hết, đó là chính sách phát triển GDTX, việc đầu tư nhỏ giọt cho lĩnh vực này sẽ làm cho chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng cao bị cản trở.

Mặt khác, GDTX cần nhận thức vai trò của mình trong việc vận động người dân học tập suốt đời thành một phong trào rộng lớn của quần chúng. Quốc gia không xây dựng xã hội học tập (XHHT), người dân không học tập thường xuyên thì không có hy vọng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại và tụt hậu là điều không tránh khỏi.

Thông qua GDTX, xây dựng cho con người văn hóa  học tập. Con người không quan tâm đến học tập, không biết dựa vào học tập để vươn tới một đời sống cá nhân tốt đẹp hơn, một xã hội ngày càng văn minh hơn thì quốc gia rơi vào bi kịch. Đặc biệt, trong những năm tới, GDTX phải trở thành lực lượng chủ công trong sự nghiệp xây dựng mô hình công dân số trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Công dân số là sự thể hiện những năng lực của công dân học tập trong xã hội số, những yêu cầu thay đổi đối với hệ thống GDTX là thử thách lớn nhất đối với GDTX trong thập niên thứ 3 của Thế kỷ XXI.

Các đại biểu phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Tạo điều kiện về công nghệ thông tin (CNTT) trong học tập; Nâng cao động lực cho người dân trong học tập; Tài liệu học tập mở trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Hiệu quả của việc học tập qua hệ thống công nghệ thông tin; Khuyến khích người dân ủng hộ giáo dục trực tuyến; GDTX tiếp cận với công nghệ; Người dân ứng dụng CNTT vào học tập một cách hiệu quả khi có đầy đủ thiết bị CNTT; Tăng cường nhận thức của mọi người về GDTXHTSĐ; Cơ chế chính sách để toàn xã hội chung tay thực hiện GDTX; Tạo thuận lợi trong việc khai thác tài liệu mở trong GDTX; Nguồn chi hợp pháp hóa và hợp thức hóa cho GDTX…

Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ, gây tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó tác động không nhỏ trong lĩnh vực giáo dục. Đối với phát triển GDTX trong CMCN 4.0 là yếu tố không thể tách rời khi GDTX phát triển gắn với việc thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng XHHT.

Vì vậy, để đổi mới GDTX theo hướng tiếp cận CMCN 4.0, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GDTX (Bộ GDĐT) khẳng định cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Đó là xã hội hoá GDTX để tạo động lực khai thác, cung ứng các chương trình, phương thức giáo dục chất lượng cao; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý phương thức đào tạo, bồi dưỡng chương trình giáo dục thường xuyên theo hình thức online, trực tuyến;

Xây dựng hệ sinh thái Tài nguyên giáo dục Mở (TNGDM) cùng với đó là hình thành khung pháp lý về cung ứng, chia sẻ nguồn TNGDM; Xây dựng cơ chế công nhận kết quả học tập không chính quy, phi chính quy theo các phương thức giáo dục thường xuyên hỗ trợ người học lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về HTSĐ và hỗ trợ xây dựng các mô hình học tập.

 

PGS.TS. Đặng Quốc Bảo “Cần có khoa đào tạo nghề làm GDTX”

Cùng với xu thế ứng dụng mạnh mẽ nền tảng công nghệ thì vấn đề nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong lĩnh vực GDTX được các đại biểu đánh giá là khâu then chốt rất cần được triển khai quyết liệt. Như vậy, cần ưu tiên việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên chuyên nghiệp làm việc trong lĩnh vực GDTX. Điều này không những cần chuẩn hóa đội ngũ mà trong bối cảnh GDTX gắn với xây dựng XHHT cần đội ngũ làm GDTX chuyên nghiệp; Cùng với đó chú trọng quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cơ sở GDTX đối với cán bộ quản lý, giáo viên GDTX hàng năm.

Bà Phan Thị Tình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương “Cần xây dựng một chính sách quốc gia về học liệu mở, đầu tiên phải xây dựng văn bản pháp lý về TNGDM, đó là căn cứ để các tổ chức, cá nhân cùng tham gia phát triển TNGDM”

Kết luận phiên họp, GS.TS Phạm Tất Dong – Trưởng tiểu ban GDTXHTSĐ một lần nữa khẳng định vai trò của GDTX và cần thay đổi tư duy về GDTX trong cách mạng công nghệ 4.0, để trở thành công dân sống trong xã hội số thì điều kiện cơ bản là học suốt đời,  phải có học liệu, TNGDM để học tập. Quan trọng nhất công dân số cần có năng lực sử dụng CNTT trong quá trình học tập và cuộc sống.

Văn phòng Hội đồng
(Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *