VP HĐQGGDPTNL – Ngày 19/7/2018, Tiểu ban giáo dục mầm non thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã tổ chức phiên họp để thảo luận và xin ý kiến các thành viên Tiểu ban và các chuyên gia về những vấn đề của giáo dục mầm non cần đưa vào Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa – Trưởng Tiểu ban chủ trì phiên họp.
Phiên họp có sự tham gia của các thành viên Tiểu ban giáo dục mầm non, các chuyên gia đến từ các trường cao đẳng và đại học có đào tạo, nghiên cứu chuyên ngành giáo dục mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế và phi chính phủ: UNICEF; Plan International; Save Children…
Tại phiên họp, các thành viên Tiểu ban và các chuyên gia đã tập trung góp ý cho các nội dung về giáo dục mầm non trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Trong đó, khẳng định giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho những cấp học tiếp theo. Mục tiêu của giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tâm thế cho trẻ bước vào lớp một.
Luật Giáo dục ban hành được hơn 10 năm đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập, việc sửa đổi Luật Giáo dục là một yêu cầu hết sức thiết yếu để thể chế hóa được tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cũng như kỳ vọng của cả dân tộc.
PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, Phó Trưởng Tiểu ban, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non cho biết, thời gian qua, mạng lưới trường, lớp mầm non đã được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn, ấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Đặc biệt đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi vào năm 2017, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ mầm non bước vào bậc tiểu học. Việc xác định rõ hơn tầm quan trọng của giáo dục mầm non trong Luật Giáo dục sửa đổi sẽ là tiền đề quan trọng để bậc học này có thể phát triển hơn trong tương lai.
Theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng HĐQGGDPTNL, Ủy viên thường trực các Tiểu ban chuyên môn, việc sửa các nội dung về giáo dục mầm non trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi phải đảm bảo các nguyên tắc như: Xác định rõ mục tiêu của giáo dục mầm non; tạo cơ sở pháp lý cho phát triển giáo dục mầm non ở hiện tại và trong tương lai; giúp thực hiện quản lý nhà nước hiệu quả đối với giáo dục mầm non và điều tiết các mối quan hệ giữa các chủ thể trong xã hội liên quan đến phát triển giáo dục mầm non; giúp đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục mần non, đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục mầm non đáp ứng nhu cầu của xã hội; đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng và các quyền của trẻ em.
Về vấn đề chuẩn giáo viên mầm non theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi phải đạt trình độ từ cao đẳng trở lên, các đại biểu băn khoăn liệu ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi và các vùng khó khăn, việc nâng chuẩn giáo viên mầm non có khả thi hay không. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, yêu cầu chuẩn trình độ giáo viên mầm non sẽ thực hiện có lộ trình vì hiện nay còn 30% giáo viên mầm non có trình độ trung cấp.
Tham chiếu với kinh nghiệm các nước trên Thế giới về chuẩn giáo viên mầm non, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên HĐQGGDPTNL, cho rằng, chuẩn giáo viên mầm non ở Việt Nam từ nay đến năm 2035 là tốt nghiệp cao đẳng trở lên; sau năm 2035, phải tốt nghiệp đại học trở lên; nâng cao vị thế xã hội của giáo viên mầm non bằng cách nâng chuẩn, nâng lương, nâng phúc lợi xã hội cho đội ngũ này.
Một số ý kiến cũng cho rằng, phương pháp trong giáo dục mầm non không nên quy định cứng nhắc trong Dự thảo Luật mà cần theo hướng mở. Đối với trẻ, nhà trẻ nên sử dụng các phương pháp đặc thù như: phương pháp giáo dục tình cảm, phương pháp dùng lời nói, phương pháp trực quan, phương pháp đánh giá nêu gương…
Hầu hết các đại biểu đề xuất nên bổ sung thêm chính sách miễn học phí cho trẻ 5 tuổi như đã nêu trong Nghị định 19/2013/NĐ-CP và Nghị định 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, các đại biểu cũng thống nhất cần có quy định chính sách cho những vùng đặc thù (vùng đồng bào dân tộc, hải đảo, miền núi, biên giới, khu công nghiệp, khu chế xuất). Cần bổ sung rõ trong Luật quyền được bảo vệ an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ em.
Tại phiên họp, các đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ đã chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế về quản lý cơ sở giáo dục mầm non ở một số nước trên thế giới như ở Singapore, Hàn Quốc…
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Trưởng Tiểu ban đề nghị Ban soạn thảo xem xét các góp ý của các chuyên gia để chỉnh sửa đưa vào văn bản Luật Giáo dục sửa đổi các nội dung có liên quan. Đồng thời, đề nghị các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về quản lý cơ sở giáo dục mầm non, kinh nghiệm quốc tế về đánh giá chất lượng giáo dục mầm non, chuẩn giáo viên mầm non và phương pháp giáo dục mầm non ở các nước trên thế giới với Bộ Giáo dục và Đào tạo.