Phát triển giáo dục đại học: Những vấn đề cần đưa vào Dự thảo Luật

VP HĐQGGDPTNL – Ngày 17/8/2018, Tiểu ban Giáo dục đại học thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã tổ chức phiên họp để xin ý kiến các thành viên Tiểu ban và các chuyên gia về những vấn đề của giáo dục đại học cần đưa vào Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc – Trưởng Tiểu ban chủ trì phiên họp.

 


Phiên họp Tiểu ban giáo dục đại học

Tham dự phiên họp có sự tham gia của các thành viên Tiểu ban Giáo dục đại học (Tiểu ban), một số Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đại diện các cơ sở GDĐ, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Thái Nguyên; Đại học Huế; Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; Trường đại học Ngoại thương; Trường đại học sư phạm Hà Nội 2; Trường đại học xây dựng; Trường đại học Hòa Bình; Lãnh đạo Hiệp hội các trường Cao đẳng Đại học Việt Nam…, lãnh đạo và chuyên gia đến từ đại học Bang Arizona (Mỹ).

Tháng 8/2018, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được Ủy ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội báo cáo trước Thường vụ Quốc hội. Trong phiên họp Tiểu ban, đại diện Ban soạn thảo đã nêu trong phiên họp những vấn đề đã được thống nhất chỉnh sửa, những vấn đề cần nghiên cứu tiếp để xin ý kiến các thành viên Tiểu ban, đại biểu và chuyên gia tham dự họp.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, trưởng Tiểu ban đã điều hành thỏa luận với 4 nội dung quan trọng: mô hình hệ thống cơ sở GDĐH; quản lý đào tạo; quyền tự chủ của các nhà trường và GDĐH tư thục.

Các đại biểu tham dự cơ bản tán thành với những vấn đề đã thống nhất chỉnh sửa về mô hình hệ thống cơ sở GDĐH, tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình, trình độ, thời gian, hình thức đào tạo, GDĐH tư thục, trách nhiệm của Nhà nước, quản lý nhà nước đối với GDĐH.


Đại biểu tham dự họp

Về mô hình hệ thống cơ sở GDĐH, các chuyên gia nhất trí tên gọi cơ sở GDĐH là đại học hoặc trường đại học hoặc cả hai; không nên cứng nhắc trong tên gọi, vấn đề là tiêu chí xác định. Mô hình cơ sở GDĐH theo hướng Đại học là tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu thành viên; Trường đại học đa ngành có các trường, khoa, phòng; Trường đại học đơn ngành có các khoa, phòng; Học viện nghiên cứu và đào tạo đơn ngành.

Về quản lý đào tạo, đa phần các ý kiến cho rằng việc tự chủ mở ngành và liên kết đào tạo ở tất cả các trình độ của các cơ sở GDĐH cần được quản lý chặt chẽ, được kiểm định chất lượng giáo dục bởi các tổ chức kiểm định trong nước và quốc tế, điều này sẽ thúc đẩy chất lượng giáo dục đại học Việt Nam phát triển.


Chuyên gia tham dự họp

Về quyền tự chủ của các trường, theo bà Phan Thị Bích Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, tự chủ đại học là một thuộc tính, Luật cần tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho tự chủ đại học, không nên gắn điều kiện tự chủ đại học với kiểm định chất lượng chương trình. Việc kiểm định là “cấp giấy thông hành” cho một chương trình đào tạo được phép tuyển sinh và bảo đảm chất lượng đào tạo của nhà trường. Theo ông Trần Quang Quý, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Ban soạn thảo Luật cần phân biệt chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng đại học. Ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng ban Tổ chức cán bộ, ĐHQG HCM phát biểu: Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện cho quyền sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản, nếu không quy định rõ thì sẽ có các nhóm lợi ích trong Hội đồng trường, và khi đó sẽ khó xác định trách nhiệm việc giữ gìn giá trị của đại học và tài sản của Nhà nước trong đại học công lập tự chủ.

Các đại biểu cho rằng Chủ tịch Hội đồng trường nhất thiết phải là cán bộ cơ hữu của nhà trường; cần bổ sung tiêu chuẩn cụ thể đối với các thành viên hội đồng trường để đảm bảo khả năng quản lý, quản trị nhà trường.

Về học phí, ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng: không nên quy định mức trần học phí và cách tính học phí đối với các cơ sở GDĐH, nếu quy định sẽ không khuyến khích huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo như ở các nước phát triển.

Cơ sở Giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, nếu cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần lợi nhuận tích lũy hàng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục là những điều đang được quy định trong Dự thảo Luật. Các ý kiến thống nhất cho rằng nên quy định cụ thể hơn, nếu không sẽ khó thu hút các cá nhân, nhà đầu tư phát triển của các trường đại học tư thục.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, góp ý bằng văn bản và gửi về Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực để tổng hợp; Các ý kiến chuyên gia sẽ được gửi tới Ban soạn thảo để tiếp tục tiếp thu và hoàn thiện văn bản Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trình Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.

Văn phòng Hội đồng QGGD&PTNL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *