Những sáng kiến từ trái tim

Sáng kiến, sáng tạo để đổi mới trong công tác dạy và học không những giúp các thầy giáo, cô giáo thoát khỏi sức ỳ lớn, mà còn thổi một luồng không khí tươi mới trong từng tiết học. Những sáng kiến, sáng tạo trong dạy và học của Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) có sức lan tỏa mạnh mẽ trong phụ huynh, học sinh, các tầng lớp nhân dân trong vùng, được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo.

 

Sáng kiến, sáng tạo để đổi mới trong công tác dạy và học không những giúp các thầy giáo, cô giáo thoát khỏi sức ỳ lớn, mà còn thổi một luồng không khí tươi mới trong từng tiết học. Những sáng kiến, sáng tạo trong dạy và học của Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) có sức lan tỏa mạnh mẽ trong phụ huynh, học sinh, các tầng lớp nhân dân trong vùng, được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Những sáng kiến, sáng tạo trong giáo dục của tập thể giáo viên trường xoay quanh việc lấy đổi mới công tác quản lý là giải pháp đột phá, xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên là giải pháp then chốt. Từ đó từng bước đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, phát triển năng lực cá nhân và phẩm chất người học làm cốt lõi… để nhà trường trở thành môi trường giáo dục toàn diện, lành mạnh, không có học sinh vi phạm pháp luật, không có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.

Năm học 2016-2017 thầy, trò Trường THPT Trần Nguyên Hãn tiếp tục gặt hái nhiều thành công, khẳng định uy tín, thương hiệu trong hệ thống các trường THPT tại thành phố cảng. Nổi bật là kết quả học tập của hơn 1.300 em học sinh, với bảy học sinh đoạt giải cấp quốc gia, 62 học sinh đoạt giải học sinh giỏi thành phố.

Để đạt được kết quả đó không thể không kể đến những sáng kiến tới từ đội ngũ giáo viên nhà trường. Năm học vừa qua, toàn trường có 71 sáng kiến được áp dụng; trong đó có 22 sáng kiến lọt vào vòng chung kết cuộc thi Giáo viên sáng tạo của trường, 15 sáng kiến được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng công nhận, hai sáng kiến được UBND thành phố công nhận sáng kiến cấp thành phố, được hội đồng cấp thành phố đánh giá cao là: “Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo” và “Sử dụng mạng Facebook trong công tác quản lý và giáo dục đạo đức học sinh tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn”.

Sáng kiến “Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo” được áp dụng trong ba năm học. Trung bình mỗi năm, nhà trường tổ chức từ 40 đến 60 hoạt động trải nghiệm khác nhau, góp phần đào tạo ra thế hệ học sinh nhà trường năng động, sáng tạo, sống có hoài bão, ước mơ. Trong đó, hai chương trình để lại nhiều kỷ niệm cho thầy, trò nhà trường là chương trình trải nghiệm sáng tạo và dạy học theo chủ đề tích hợp các bộ môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân tại các địa danh di tích lịch sử cách mạng ở miền trung với sự tham gia của 275 học sinh lớp 12 và chương trình giáo dục quốc phòng an ninh một tuần tại Trường đại học Hải Phòng với sự tham gia của tất cả học sinh.

Sáng kiến “Sử dụng mạng Facebook trong công tác quản lý và giáo dục đạo đức học sinh tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn” được áp dụng trong hai năm học gần đây, có tác dụng tốt trong góp phần tạo nên thế hệ học sinh biết ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập. Các em đều sử dụng Facebook nhưng không có bất kỳ hiện tượng học sinh chia sẻ, thích (like) những bài viết có nội dung trái pháp luật, phản cảm trên các trang mạng cá nhân. Hiện nay, nhà trường có website hoạt động với gần 1,3 triệu lượt người truy cập. Hệ thống facebook của trường, lớp, tổ nhóm chuyên môn, hội phụ huynh học sinh, cựu học sinh hoạt động hiệu quả.

Không chỉ tiếp nhận những kỹ năng mềm được truyền thụ trên lớp, học sinh của trường đã áp dụng kiến thức được các thầy giáo, cô giáo truyền dạy khi ra ngoài xã hội. Tháng 12-2016 vừa qua, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường đã có thư khen học sinh Nguyễn Thế Tùng, học sinh lớp 11B1 cùng tập thể giáo viên nhà trường, do em đã có hành động đẹp khi lỡ làm vỡ gương ô-tô của một chủ xe đỗ bên đường. Tùng kể lại: Trên đường đến lớp, em vô tình va quệt xe ô-tô đỗ bên đường, làm vỡ gương. Do không gặp được chủ xe, lại sắp tới giờ vào lớp cho nên em viết lại một tờ giấy xin lỗi, để lại số điện thoại để chủ xe liên lạc. Tùng cho rằng, chính những tiết học kỹ năng mà học sinh toàn trường được học đã giúp toàn thể học sinh được trang bị kỹ năng ứng xử trong và ngoài cánh cổng nhà trường.

Trò chuyện với các thầy giáo, cô giáo và học sinh của trường, chúng tôi hiểu rằng thành tựu mà nhà trường đã đạt được chính là sự nỗ lực không ngừng trong dạy và học của toàn thể giáo viên, học sinh suốt bao năm qua. Đó cũng là thành quả từ đội ngũ cán bộ, giáo viên có trái tim nhân hậu, biết lấy học sinh là trung tâm, dẫn dắt các em phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Quan trọng hơn, từ ngôi trường này, những lớp học sinh có tri thức, kỹ năng sống độc lập, tự chủ, biết thương yêu những người chung quanh, được trang bị tư duy phản biện. Đó chính là phẩm chất không thể thiếu và hành trang vững chắc của công dân thế kỷ 21, giúp các em tự tin bước vào đời.

(Nhân dân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *