GS Phạm Tất Dong, Trưởng tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, Hội đồng Quốc gia GDPTNL chủ trì phiên họp.
GDTX – Một bộ phận quan trọng của hệ thống GD
GS Phạm Tất Dong cho biết: Cách đây hơn 45 năm, Unesco đã từng khuyến cáo phát triển GDTX là ưu tiên trong toàn bộ các chính sách giáo dục. Quan điểm này xuất phát từ nhận thức về xu thế phát triển thế giới: cách mạng công nghiệp ngày càng đồi hỏi con người phải luôn luôn hoc tập để có đủ tri thức mới, đáp ứng yêu cầu lao động của nền kinh tế và làm chủ các công nghệ hiện đại.
Sự hạn chế về tầm nhìn, coi hệ thống GDTX như một hệ thống bổ túc tri thức phổ thông làm cho sự đầu tư cho hệ thống này bị hạn chế. Cho đến nay khi tấm bằng tốt nghiệp THPT không còn giá trị đưa con người trực tiếp đi vào lao động nghề nghiệp, khi thế hệ trẻ được phổ cập trung học thì văn bằng trung học sẽ có giá trị đăng ký học tiếp trong hệ thống GD chuyên nghiệp.
Theo GS Phạm Tất Dong, GDTX phải được nhìn nhận như một chính sách GD quốc gia – chính sách về GD suốt đời cho người lớn, yêu cầu người lớn học tập suốt đời, không phân biệt tuổi tác, trình độ học vấn, trình độ tay nghề chuyên môn, nghiệp vụ, cương vị xã hội, giới tính, thành phần dân tộc.
Với cách hiểu này, việc hoạch định chính sách xây dựng và phát triển GDTX cần quán triệt các nguyên tắc: Mọi công dân trong xã hội đều phải học tập suốt đời, coi việc học tập là quyền lợi chính đáng nhất và cũng là nghĩa vụ lớn lao của công dân. Vì vậy Luật “GD suốt đời” trước sau cũng phải đặt ra trước quốc hội.
GDTX bao hàm việc học tập suốt đời nên nó mang tính mở, nghĩa là chính sách GDTX phải hướng tới việc tháo gỡ, gạt bỏ mọi rào cản về tài chính, thể chế, luật định trong việc tạo cơ hội và điều kiện để công dân học tập suốt đời.
GS Phạm Tất Dong phát biểu tại phiên họp |
Học tập suốt đời là quá trình phát huy mọi năng lực ở từng con người, ở cộng đồng. Chỉ có học tập suốt dời với tình thần ấy thì người dân mới được quyền thực sự trong việc giải quyết những thay đổi liên tục về xã hội, môi trường và những thách thức về kinh tế.
Vì vậy, cần phải có trung tâm học tập cộng đồng, xây dựng được mô hình thành phố học tập và công dân học tập.
Ban hành luật GD suốt đời là vấn đề cấp thiết
Theo TS Phạm Đỗ Nhật Tiến: “Luật Giáo dục cho đến nay vẫn là một luật khung tương đối cụ thể. Nhìn ở góc độ đó, thì tôi thấy việc chỉnh sửa, bổ sung các quy định về GDTX trong Luật Giáo dục sửa đổi, đặc biệt việc chỉnh sửa Điều 43,44, và bổ sung Điều 55 là phù hợp.
Tuy nhiên, xét về lâu dài cần nhận thấy GDTX trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng là lĩnh vực được quan tâm phát triển mạnh mẽ từ vài thập kỷ nay gắn với chủ trương HTSĐ, xây dựng XHHT.
Trong bối cảnh đất nước chuyển sang giai đoạn CNH, HĐH trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì việc thúc đẩy GDTX, HTSĐ càng trở nên bức thiết. Việc Ban hành luật GD suốt đời là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay”.
Phân tích các giải pháp phát triển GDTX trong giai đoạn tới, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất: Cần khắc phục tâm lý coi nhẹ GDTX trong hệ thống chính trị cũng như trong toàn xã hội hiện nay.
Cần nhận thức phát triển GDTX và HTSĐ và xây dựng XHHT là công cụ chủ yếu để thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng đồng thời yêu cầu tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Và vì thế, đổi mới GDTX, HTSĐ và xây dựng xã hội học tập là nội dung cốt lõi của đổi mới căn bản và toàn diện GD nước ta.
Cần xây dựng và sớm ban hành Luật GDSĐ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả cho việc đổi mới và phát triển GDTX trong giai đoạn mới.
Có chính sách và giải pháp thiết thực để từng bước xây dựng hệ thóng GD mở. Trước tiên hoàn thiện khung trình độ quốc gia (KTĐQG) cùng vói việc tổ chức đánh giá công nhận văn bằng theo KTĐQG, trên cơ sở đó, tổ chức thực hiện KTĐQG để khuyến khích người học có thể học tập nâng cao trình độ theo bất kỳ con đường nào, miễn là đạt các chuẩn đầu ra.
Đẩy mạnh phát huy quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDTX. Bảo đảm sự gắn kết toàn hệ thống giữa các cơ sở GDTX với các cơ sở GD chính quy của hệ thống GDQD, với định hướng chung là phát triển GD mở, thúc đẩy HTSĐ, xây dựng XHHT.
Cải thiện chính sách đầu tư tài chính trong GDTX theo hướng thực hiện cam kết đã đưa ra trong “Tuyên bố châu Á trong việc xây dựng các xã hội bình đẳng và bền vững ở châu Á và Thái Bình Dương” (Unesco năm 2008), theo đó phải dành 6% ngân sách GD cho GDTX và HTSĐ (hiện nay ở nước ta mới chỉ đạt 3%)
Chuẩn hóa các chương trình và tài liệu giáo khoa trong GDTX, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, chuẩn hóa cơ sở GDTX, chuẩn hóa cách đánh giá và công nhận trình độ trong GDTX theo các chuẩn đầu ra quy định trong KTĐQG.