Nhận thức đúng về giáo dục thường xuyên

“Giáo dục thường xuyên phải được nhìn nhận như một chính sách giáo dục quốc gia – chính sách về giáo dục suốt đời cho người lớn, yêu cầu người lớn học tập suốt đời, không phân biệt tuổi tác, trình độ học vấn, trình độ tay nghề chuyên môn – nghiệp vụ, cương vị xã hội, giới tính, thành phần dân tộc” – GS. TS. Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Chiều 16.4, Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đã tổ chức phiên họp đóng góp ý kiến về những chính sách giáo dục thường xuyên cần được khẳng định trong Luật Giáo dục (sửa đổi).

Cách đây hơn 45 năm, UNESCO đã khuyến cáo phát triển giáo dục thường xuyên phải là ưu tiên trong toàn bộ các chính sách giáo dục. Quan điểm này xuất phát từ nhận thức về xu thế phát triển thế giới: Cách mạng công nghiệp ngày càng đòi hỏi con người phải luôn luôn học tập để có đủ tri thức mới, đáp ứng nhu cầu lao động của nền kinh tế và làm chủ các công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, theo GS. TS. Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, do hạn hẹp về tầm nhìn, coi giáo dục thường xuyên như một hệ thống bổ túc tri thức phổ thông đã làm cho sự đầu tư cho hệ thống này bị hạn chế.

Theo GS. TS. Phạm Tất Dong, giáo dục thường xuyên phải được nhìn nhận như một chính sách giáo dục quốc gia – chính sách về giáo dục suốt đời cho người lớn

Trong bối cảnh của xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức, với ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, quá trình học tập diễn ra mọi nơi, mọi lúc, với mọi lứa tuổi, mọi giới, nhằm bổ sung tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, hoàn thiện các chương trình học tập không chính quy, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng, không tuyến tính của mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia, các tập đoàn kinh tế, để thu hút và giữ chân nhân tài. Chính giáo dục thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo môi trường xã hội thuận lợi và nâng cao thương hiệu quốc gia.


Ông Lê Hồng Hải – GĐ TT GDNN – GDTX Quận Hai Bà Trưng

Vì thế, các đại biểu tham gia phiên họp thống nhất rằng, cần nhận thức đúng về giáo dục thường xuyên và vai trò của nó, từ đó thay đổi cách thức quản lý cho phù hợp. Giáo dục thường xuyên không chỉ là cánh tay nối dài của giáo dục chính quy mà có khi đi trước để kịp thời cập nhật kiến thức mới cho mọi người khi chương trình giáo dục chính quy chưa thể đưa vào. Do đó, cần hết sức mềm dẻo và linh hoạt, bởi bản chất của giáo dục thường xuyên là MỞ.

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cần đào tạo những ngành nghề xã hội cần

Các quy định liên quan trong Dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) cơ bản cũng thể hiện bản chất của giáo dục thường xuyên. Mục tiêu của giáo dục thường xuyên được nêu rõ: “Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý thức, phẩm chất, năng lực của công dân; trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”.


PGS.TS. Phạm Ngọc Thanh – Trường Đại học KHXH&NV

Theo TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, các quy định trong dự thảo Luật “rất ổn”. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị về lâu dài cần có giải pháp căn cơ, thậm chí là xây dựng Luật Giáo dục suốt đời, bởi giáo dục thường xuyên là công cụ chính để đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực…

Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên – Chuyên nghiệp, Sở GD – ĐT Hà Nội đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về sứ mệnh và nhiệm vụ của giáo dục thường xuyên…

Kết luận phiên họp, GS. TS. Phạm Tất Dong đề nghị nối kết giữa Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời với các tiểu ban khác trong Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, để giải quyết vấn đề một cách đồng bộ, thống nhất. Các thành viên Tiểu ban cần nghiên cứu, làm rõ khái niệm của giáo dục thường xuyên theo thông lệ quốc tế, cũng như căn cứ khoa học về sự cần thiết của nó trong xã hội hiện đại. Những khó khăn trong hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cũng cần được phân tích thấu đáo để đề nghị sớm có phương án tháo gỡ, tạo điều kiện cho các Trung tâm này hoạt động và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tại địa phương.

Nhật Linh
(Báo Đại biểu nhân dân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *