Đó là những chia sẻ đầy xúc động của Nguyễn Vũ Linh – học sinh Trường Quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội (UNIS). Đây là ngôi trường chỉ có 20% học sinh là người Việt Nam, vốn dành cho con em của các quan chức nước ngoài làm việc ở Việt Nam. Học phí của ngôi trường chắc chắn nằm ngoài khả năng của gia đình em. Thậm chí, nếu đủ khả năng chi trả, các ứng viên cũng phải nằm trong danh sách chờ rất lâu.
Linh có được một suất học ở đây cũng là nhờ giành được học bổng toàn phần của trường trong 4 năm học. Mỗi năm, số lượng học bổng mà trường trao tặng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cuối tháng 11 năm nay, Linh lại nhận được một tin vui – cái mà em gọi là “giấc mơ 4 năm của em”. Đó là suất học bổng toàn phần có giá trị khoảng 73.110 USD/ năm của ĐH Vanderbilt – trường đại học tư thục nằm trong top 15 các trường đại học quốc gia (Best National university) của Mỹ. Học bổng của em bao gồm vé máy bay, học phí, nhà ở và ăn uống.
“Sau đó, hai cô trò em bắt đầu ngồi tính xem trường cho được bao nhiêu, mình phải trả bao nhiêu. Nếu trường bắt em trả chỉ một khoản nhỏ thôi, em cũng không trả được”.“Cả đêm trước khi nhận kết quả em không ngủ được. Em nhắn tin cho cô giáo lên trường cùng xem kết quả với em. Mở email mà tay em run bần bật. Khi nhìn thấy chữ ‘congratulation’ (chúc mừng), em đã không biết nói gì. Cô giáo bảo gọi điện ngay cho mẹ. Sau 2 phút cầm điện thoại, em mới nói được câu ‘con đỗ trường con mơ rồi!’” – Linh kể lại.
Cô gái 18 tuổi nhắc nhiều đến mẹ trong câu chuyện của mình. Em nói: “Mẹ không được học nhiều, chỉ học hết lớp 3. Mẹ chỉ biết ký tên mình và đọc cơ bản. Một bài báo mẹ đọc cũng chưa chắc đã hiểu hết nội dung. Nhưng mẹ không bao giờ hỏi em điểm số.
Mẹ chỉ hỏi con có vui không, có hạnh phúc không.
Mẹ nói, cuộc đời mẹ đã hi sinh nhiều rồi, con phải làm được những gì con muốn. Thế nên, em cứ yên tâm làm mọi thứ mà em thích thôi”.
“Mẹ không có học, lại bị một căn bệnh hiếm khiến mặt mẹ bị nổi những nốt mụn, nên chỉ xin được những công việc chân tay, bị người ta mắng chửi nhiều. Mẹ phải làm nhiều công việc để nuôi con. Hồi em còn bé, mẹ đi bán ngô, em cũng bán cùng mẹ. Mẹ đầu tư cho em học tiếng Anh từ sớm, sống ở phố cổ nên em cũng nói chuyện với Tây nhiều, giúp em dạn dĩ hơn. Từ hồi em học lớp 3, lớp 4 trở đi, hai mẹ con mới khá hơn. Các cô chú trong phường và hàng xóm xung quanh cũng rất thương, xin cho mẹ đi làm lao công để kiếm thêm thu nhập”.Nhớ lại tuổi thơ cơ cực, Linh kể ông bà ngoại và nội em mất sớm, mẹ từ Nam Định lên Hà Nội kiếm cơm. Sau khi bố mất, mẹ và em ở lại căn nhà trên phố Hàng Bông mà ông bà nội để lại. Ngày đó, hai mẹ con nghèo đến nỗi ốm mà không có tiền đi bệnh viện, nhiều bữa cơm chỉ toàn là nước mắm.
Mơ ước đi du học nhen nhóm trong cô gái này từ năm lớp 3. “Khái niệm du học hồi đó còn khá mới mẻ. Em có một người cậu họ hàng xa được đi du học Singapore. Tháng nào cậu cũng gửi bút chì từ Singapore về tặng em. Nhìn thấy dòng chữ ‘made in Singapore’ là em thấy sung sướng, đi khoe khắp nơi. Nghe cậu nói về cuộc sống du học, về thế giới, em thấy giống như trong mơ. Ước mơ du học của em khởi nguồn từ đó”.Những năm gần đây, mẹ Linh không được phân công quét dọn đường phố nữa, mà chuyển sang dọn dẹp, vệ sinh cho phường. Ngoài giờ làm, ở đâu thuê thì cô đến. Buổi tối, cô rửa bát thuê cho quán lẩu gần nhà.
Linh nhớ lại, những năm học cấp 2, thấy các bạn đi thi học sinh giỏi môn này, môn kia, em nói với cô chủ nhiệm “con cũng muốn đi thi”. Lúc ấy, cô đưa cho em một tờ giới thiệu học bổng của UNIS và bảo: “Con tập trung vào cái này đi”.
“Lúc đó, em không có ai giúp đỡ như các bạn bây giờ: không có người tư vấn, không qua trung tâm… Bài luận nghĩ gì viết nấy. Thư giới thiệu thì nhờ cô chủ nhiệm, cô hiệu trưởng. Lúc đó, cuộc sống của em chỉ loanh quanh ở phố cổ. Em hỏi thăm địa chỉ rồi bắt 2 trạm xe buýt đến nộp đơn. Sau vài tháng, trường gửi tin lại, rồi em phải thi khoảng 3 – 4 vòng: hồ sơ, IQ, viết luận tiếng Việt, tiếng Anh, vòng phỏng vấn với thầy hiệu trưởng. Điểm số ở trường cấp 2 của em đạt khoảng 9,5 đến 9,8 nên đáp ứng được yêu cầu đầu vào”.
Thời điểm nhận học bổng UNIS, Linh đã học hết lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du, nhưng để bắt quen với môi trường mới, khi vào trường, em được sắp xếp học lại từ năm lớp 9.
“Những ngày đầu tiên, em thực sự sốc và khá chật vật với các môn học toàn là tiếng Anh. Trong một môi trường toàn là các bạn nước ngoài, họ nói đùa mà mình không hiểu gì. Các bạn hầu hết xuất thân khá giả, gia đình có điều kiện kinh tế, nên đương nhiên là có một sự khác biệt nhất định. Sau khoảng 3, 4 tháng, em bắt đầu có vài người bạn”.
Sau khi vào UNIS, em được tiếp cận rất nhiều trường đại học Mỹ khi đại diện các trường tới giới thiệu. Em bắt đầu tìm hiểu về Vanderbilt và thấy văn hóa của trường rất phù hợp với tính cách của mình. Đặc biệt, Linh có đọc khảo sát và thấy sinh viên của trường rất hạnh phúc về những việc mình làm – đó là một trong những yếu tố quan trọng khiến em bị hấp dẫn.Linh cũng chia sẻ sau khi em được học bổng, UNIS còn cử người Việt sang nói chuyện với mẹ em, giải thích mọi thứ để mẹ hiểu. Văn hóa của trường là tôn trọng và bảo vệ mọi người.
Cho đến tận bây giờ, Linh vẫn khá bối rối khi được hỏi về lý do em thuyết phục được Vanderbilt. Bởi trường có tỷ lệ chấp nhận chỉ 10%, hầu hết các ứng viên phải đạt điểm SAT từ 1.490 trở lên, trong khi Linh chỉ đạt 1.300. Tuy nhiên, theo Linh, bí quyết là giữa hàng ngàn bài luận, phải làm sao để ban tuyển sinh ‘đọc’ được mình là ai, thay vì trưng ra bộ hồ sơ với điểm số cao, các hoạt động ngoại khóa cầm kỳ thi họa, nhưng lại không xây dựng một hình ảnh, định hướng rõ ràng cho bản thân.
Giống như Linh miêu tả về bản thân: “Em chỉ làm những gì mình thích”, những hoạt động ngoại khóa mà em từng tham gia không nhiều nhưng đều là những công việc mà em dành nhiều tâm huyết cho đến tận bây giờ.
Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc (MUN) là một hoạt động mà em đã liệt kê vào sở thích của mình. Linh đã từng tham gia đến khoảng hơn 15 MUN trong và ngoài nước.
Linh cũng là người sáng lập Trạm cứu hộ chó mèo của trường UNIS, làm nhiệm vụ tuyên truyền về quyền động vật và gây quỹ cho nhóm lớn.
Ngay từ những ngày đầu lớp 9, em đã bắt đầu tham gia dạy từ thiện cho làng trẻ em SOS và kế sau đó là các trẻ em bờ sông Hồng thuộc tổ chức School on Boat.
Cô gái nhỏ bé này cũng là một trong những người điều hành tích cực của quỹ từ thiện SANSE, được xây dựng nhằm mục đích giúp đỡ trẻ em dân tộc thiểu số ở Bản Liền, Lào Cai. Dự kiến, trong tháng 2, tháng 3 tới, quỹ sẽ trao học bổng cho 5-10 em để các em có thể tiếp tục được học cấp 3.
Chia sẻ về bài luận nộp vào Vanderbilt, Linh cho biết em viết về những con người sống trong tệ nạn, trong nghèo khó, về những đứa trẻ giống em nhưng không may mắn chọn con đường giáo dục như em…
“Bố là người lao động đường phố. Mẹ hay bị người ta bắt nạt cũng vì không có bằng cấp. Em viết về việc người Việt trọng địa vị. Ở phố cổ còn nhiều định kiến giữa người giàu, kẻ nghèo, giữa con gái và con trai. Những cảnh chồng say đánh vợ, em chứng kiến nhiều từ hồi còn bé tí.”
“Rất nhiều đứa trẻ giống em, sống trong khó khăn và đi theo con đường lệch lạc. Em muốn trở thành tiếng nói cho những đứa trẻ lạc lối ấy, cho những người yếu thế”.
Linh nói, trước khi vào UNIS, nếu em không chọn con đường học thì con đường em đi rất có thể sẽ giống những đứa trẻ xung quanh em.
Để có được kết quả cổ tích như ngày hôm nay, mẹ con Linh không quên những người đã giúp đỡ mình trong suốt chặng đường ấy. Khi hỏi chuyện mẹ Linh, cô liên tục nhắc đến chị chủ tịch phường – người đã giúp đỡ cô rất nhiều về mặt vật chất cũng như tinh thần. Còn Linh thì nói: “Em gặp quá nhiều người tốt”.
“Bao năm vẫn vậy, cô luôn dạy em cách làm người. Cô nói, dù mình có trở thành ai thì cũng nên chia sẻ với người khác, cho đi còn hơn nhận lại. Mình không cần phải trở thành một người chức cao vọng trọng, mà sống an nhiên với những điều mình đam mê và yêu thương. Cô nói, con hãy dùng khả năng của con, những gì mà con học được để giúp đỡ người khác”.Cô giáo chủ nhiệm lớp chuyên Anh Lê Phương Mai của Trường THCS Nguyễn Du – người mà em gọi là mẹ nuôi – chính là người đã giang tay cưu mang em. Cô là người trả tiền cho tất cả những lớp học thêm mà em theo học. Cô cũng chỉ có một con gái và coi em như con. Đến bây giờ, tháng nào cô cũng nhắn tin hỏi thăm “Dạo này con thế nào rồi?” hay “Con thức đêm nhiều vậy, ngủ sớm đi con”.
Ngày học cấp 1, em cũng nhận được sự giúp đỡ của một cô giáo. Cô không có điều kiện để trả tiền học cho em, nhưng tháng nào có lương cô cũng mua tặng em áo mới. Rồi lên cấp 3, đi đâu em cũng gặp người tốt.
Có lẽ cũng vì mang ơn quá nhiều người, nên mơ ước của Linh là được “cho đi”.
“Em muốn được làm việc cho Liên Hợp Quốc, được trực tiếp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em Việt Nam, của những người phụ nữ thiệt thòi như mẹ và những đứa trẻ sinh ra trong khó khăn như bản thân em”.