“Cơ chế tài chính cho nghiên cứu khoa học trong trường đại học” và “Quy hoạch và phát triển hệ thống đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học” là 2 chủ đề được trao đổi, thảo luận tại phiên họp của Tiểu ban Giáo dục đại học (Tiểu ban GDĐH) thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
Tại phiên họp của Tiểu ban Giáo dục đại học (Tiểu ban GDĐH) thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Tiểu ban GDĐH chủ trì phiên họp
Ngày 9/1/2020, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc, Trưởng tiểu ban GDĐH chủ trì phiên họp. Cùng tham dự có các Uỷ viên Hội đồng, Uỷ viên Tiểu ban, lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ GDĐT; đại diện các đại học/trường đại học, các chuyên gia.
Chia sẻ về chủ đề cơ chế tài chính cho nghiên cứu khoa học trong trường đại học, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật 34) đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho giáo dục đại học, trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học.
Điều 42, khoản 2 trong Luật 34 quy định: Chính phủ quy định hoạt động khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Như vậy, có cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định quy định hoạt động khoa học công nghệ trong trường đại học. Bộ GDĐT đã đăng ký với Chính phủ để thực hiện nghị định này, trong đó Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường là đầu mối thực hiện soạn thảo. Đồng thời, Bộ GDĐT cũng đóng góp ý kiến khi các bộ, ngành khác xây dựng, sửa đổi các quy định liên quan đến nội dung này.
Thứ trưởng cũng chia sẻ thông tin đáng mừng khi con số thống kê các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GDĐT cho thấy số bài báo công bố quốc tế trên tạp chí quốc tế uy tín tăng mạnh, cơ sở giáo dục đại học có mặt trong bảng xếp hạng Châu Á và thế giới có cải thiện tốt; trong khi đó, điều kiện kinh phí khoa học công nghệ hàng năm hầu như không tăng…
Tuy nhiên, chi phối hoạt động của trường đại học không chỉ có Luật Giáo dục Đại học mà còn nhiều luật khác có liên quan; bởi vậy cơ chế tài chính chung cho nghiên cứu khoa học trong trường đại học vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt liên quan đến ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học…
Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GDĐT) Tạ Ngọc Đôn chia sẻ nhiều vấn đề liền quan đến nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học, đồng thời thể hiện mong muốn, cơ chế tài chính cho nghiên cứu khoa học trong trường đại học nhất định phải được xem xét, bổ sung, chỉnh sửa theo hướng phân cấp, phân quyền và tăng cường trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của cơ quan chủ trì quản lý nhóm nghiên cứu thực hiện công tác nghiên cứu.
PGS.TS. Nguyễn Văn Linh, Giám đốc Đại học Huế và các đại biểu, chuyên gia tham dự phiên họp
GS.TS. Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đề xuất giải pháp, để các đơn vị hoạt động KHCN có tính tự chủ trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN), cần có chính sách khoán hoạt động nghiên cứu theo sản phẩm đầu ra, kinh phí được chi theo sản phẩm sẽ nâng cao được chất lượng nghiên cứu và nâng cao được trách nhiệm của tổ chức trong công tác quản lý.
Giao quyền tự chủ trong xây dựng, phê duyệt kế hoạch kinh phí KHCN cho các đơn vị; giao trách nhiệm quản lý, giải trình; khoán đề tài theo chất lượng sản phẩm đầu ra.
Các đơn vị KHCN cần tự chủ theo Nghị định 54/2016/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của tổ chức KHCN và Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân: “Nhà nước nên thành lập Quỹ cho nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học”
Về quy hoạch và phát triển hệ thống đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, hiện nay có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ GDĐT cấp phép hoạt động, gồm: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Đà Nẵng, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Trường ĐH Vinh. Theo Thứ trưởng, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục có vai trò quan trọng, như “người gác cổng” về chất lượng.
Liên quan đến vấn đề này, Luật 34 có một thay đổi quan trọng, đó là “Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học, có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học”. Do vậy, phải sắp xếp lại các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.
Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội và các Uỷ viên Hội đồng góp ý, tư vấn trong phiên họp
GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Uỷ viên Hội đồng, đưa ra 4 mô hình các tổ chức kiểm định quốc tế và đề xuất các kịch bản thực hiện sự “độc lập về mặt tổ chức” cho các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc các cơ sở giáo dục. Kịch bản 1: Bộ trưởng ra quyết định thay đổi tên gọi, bỏ đi phần danh gắn với cơ sở giáo dục; Bộ trưởng phê duyệt quy chế mới, thay cho quy chế hiện hành do các cơ sở giáo dục tự phê duyệt, trong đó bỏ đi các điều khoản liên quan gắn với cơ sở giáo dục đại học. Kịch bản 2: Bộ trưởng ra Quyết định sắp xếp 04 trung tâm kiểm định thuộc các cơ sở giáo dục thành Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Quốc gia (công lập, tự chủ) với 3 văn phòng thuộc 3 khu vực (Bắc, Trung, Nam).
Từ đặt vấn đề của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Uỷ viên Hội đồng, Uỷ viên Tiểu ban, đại diện lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GDĐT; đại diện các cơ sở giáo dục đại học; các chuyên gia đã chia sẻ thực trạng, phân tích nguyên nhân khó khăn, hạn chế trong cơ chế tài chính cho nghiên cứu khoa học trong trường đại học, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn cơ sở giáo dục; đưa ra những kiến nghị, đề xuất, giải pháp về cơ chế tài chính cho nghiên cứu khoa học trong trường đại học và quy hoạch, phát triển hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục. Tổng kết các ý kiến trao đổi, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc yêu cầu các vụ, cục liên quan tiếp thu tối đa để phục vụ công tác xây dựng văn bản pháp luật có liên quan trong thời gian tới.