Ở Việt Nam, theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT ban hành quy định chế độ làm việc đối với giảng viên, ngoài 900 giờ giảng dạy theo quy định, thì tổng thời gian quy định cho chức danh giảng viên là 500 giờ NCKH, 360 giờ cho hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác; Phó Giáo sư, giảng viên chính có 600 giờ NCKH và 260 giờ hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác; giáo sư, giảng viên cao cấp có 700 giờ NCKH, số giờ hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác là 160… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số giờ giảng viên phải giảng dạy cao hơn rất nhiều nên họ không có đủ thời gian đầu tư nghiên cứu.
Nói về giải pháp đầu tiên cho vấn đề này, PGS.TS Trương Thị Bích cho rằng: Năng lực NCKH phải trở thành tiêu chuẩn quan trọng đối với giảng viên ĐHSP.
Tổng quan Chuẩn nghề nghiệp giảng viên, cũng như những nghiên cứu của các nước cho thấy năng lực NCKH là không thể thiếu trong các bộ Chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Đó cũng là những đòi hỏi cấp thiết đối với mỗi giảng viên ĐH nói chung và giảng viên ĐHSP nói riêng.
Giảng viên ĐHSP không chỉ dừng lại ở việc soạn các bài giảng, họ là những người tổ chức, tham gia vào các hội thảo, tác giả của các bài báo, công trình NCKH.
Để nâng cấp ĐH, trước hết phải nâng cao năng lực nghiên cứu của giảng viên ĐH và những yêu cầu về năng lực nghiên cứu cần được cụ thể hóa bằng những quy định mang tính bắt buộc trong Chuẩn nghề nghiệp giảng viên.
Giải pháp thứ 2 được PGS.TS Trương Thị Bích đưa ra liên quan đến quy định về nhiệm vụ giảng dạy (số lượng tiết dạy) và nhiệm vụ nghiên cứu đối với các giảng viên, cán bộ nghiên cứu. Điều này sẽ tạo điều kiện để sử dụng, bố trí cán bộ giảng dạy phải NCKH và cán bộ NCKH phải tham gia công tác giảng dạy sao cho hợp lý. Nhà trường cần có cơ chế giám sát, điều phối để mỗi người có thể thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao.
Ở Việt Nam, tỉ lệ giữa giảng dạy – NCKH và các nhiệm vụ khác của các giảng viên phổ biến là 51:28:21 (đối với giảng viên); 51:34:15 (đối với PGS) và 51:39:10 (đối với GS). Ở nhiều nước trên thế giới, số giờ quy định cho giảng dạy và NCKH thường có tỉ lệ ngang nhau.
Như vậy, hiện nay tỉ lệ giữa giảng dạy và nghiên cứu đối với giảng viên ở nước ta chưa cân đối, giảng dạy vẫn là chủ yếu, trong khi nhiều trường ĐH ở các nước yêu cầu các giảng viên dành thời lượng cho giảng dạy và NCKH là như nhau. Có như thế giảng viên mới có thời gian đầu tư cho NCKH, cập nhật các thông tin, nội dung mới vào bài giảng của mình.
Tạo cơ hội cho cán bộ trẻ
Một số biện pháp cơ bản được PGS.TS Trương Thị Bích chia sẻ nhằm nâng cao năng lực NCKH cho giảng viên trẻ như sau:
Thứ nhất: Có chính sách và quy định bắt buộc đối với GS, PGS, TS, giảng viên chính, giảng viên cao cấp trong trường ĐH tham gia hướng dẫn, bồi dưỡng cho các giảng viên trẻ NCKH. Việc bồi dưỡng, phát triển giảng viên trẻ cần phải nằm trong chiến lược phát triển chung của nhà trường, coi việc đó là bắt buộc, vấn đề sống còn, là giá trị, thương hiệu của nhà trường.
Thứ 2: Phát triển phong trào thi đua NCKH của giảng viên kết hợp với dạy tốt – học tốt. Giảng viên trẻ cần đặt ra yêu cầu phải tham gia vào các đề tài nghiên cứu, viết sáng kiến kinh nghiệm, bài báo khoa học… Trường ĐH và các đoàn thể thường xuyên duy trì và phát động các phong trào thi đua có hiệu quả, trân trọng, tôn vinh con người và sản phẩm của tư duy sáng tạo.
Hoạt động thi đua NCKH cần được đẩy mạnh, gắn với lợi ích cá nhân nhằm tận dụng, phát huy tiềm năng nghiên cứu đối với cán bộ giảng dạy bằng nhiều hình thức: thành lập quỹ khen thưởng NCKH, tài năng trẻ, tổ chức buổi tọa đàm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nghiên cứu có chất lượng, nhân rộng những giảng viên trẻ đạt thành tích cao trong NCKH và giảng dạy…
Thứ 3: Tạo điều kiện để giảng viên trẻ tham gia NCKH trong và ngoài trường. Cần tổ chức đấu thầu các đề tài khoa học một cách khách quan, minh bạch, công khai dựa trên chất lượng của các thuyết minh đề tài chứ không dựa vào học hàm, học vị hay vị trí công tác. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng nên có những qui định đối với các đề tài để thu hút giảng viên trẻ có cùng chuyên ngành tham gia nghiên cứu.
Để sự kết hợp hai chiều giữa đào tạo và NCKH trở thành một nét văn hóa trong đào tạo, nghiên cứu của từng trường và thói quen ở mỗi giảng viên ĐHSP, PGS.TS Trương Thị Bích cho rằng, nhà trường cần đẩy mạnh sự kết hợp giữa các khoa, các trung tâm, viện nghiên cứu trong và ngoài trường nói chung, kết hợp giữa giảng viên và cán bộ nghiên cứu trong các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu dưới nhiều hình thức khác nhau như:
Tạo cơ hội để cán bộ nghiên cứu ứng dụng các kết quả nghiên cứu của mình vào giảng dạy; các trung tâm và viện nghiên cứu phối hợp với các khoa, mời giảng viên tham gia nghiên cứu các đề tài, dự án có liên quan; tổ chức các lớp chuyên đề nâng cao năng lực NCKH cho giảng viên; tạo điều kiện cho giảng viên có những đề tài nghiên cứu liên quan đến bộ môn, chuyên đề giảng dạy… tiến tới xóa bỏ ranh giới giữa nghiên cứu và giảng dạy, giữa cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy. Mỗi giảng viên hay cán bộ nghiên cứu trong trường ĐH phải thực hiện chức năng kép: giảng dạy và nghiên cứu.
Để làm được, các trung tâm, viện nghiên cứu cần phải tham gia đào tạo, hỗ trợ chuyên viên nghiên cứu về khoa học sư phạm cho nhà trường. Chương trình, các đề tài nghiên cứu của họ phải được sự quan tâm của lãnh đạo, quản lí nhà trường, bằng thực tiễn của quá trình đào tạo và thực tiễn giáo dục phổ thông đặt ra.
Các đề tài, dự án, kết quả nghiên cứu của họ phải được công bố công khai qua xây dựng các cơ sở dữ liệu, qua mạng, qua các hội thảo và ấn phẩm khoa học; các kết quả nghiên cứu đó phải là kho dữ liệu quan trọng giúp nhà quản lí, nhà làm chính sách, BGH nhà trường, giảng viên có thông tin cần thiết, làm cơ sở cho các quyết định, quyết sách, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy…