Nâng cao hiệu quả chính sách tài chính trong giáo dục

Ngày 24/9/2020, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã chủ trì Hội nghị chuyên đề của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực với nội dung “Chính sách tài chính trong giáo dục”

Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, để giáo dục phát triển mạnh và bền vững cần rất nhiều yếu tố, như nguồn nhân lực, chương trình đào tạo, công tác quản trị, quản lý; tài chính và ngân sách,… Trong đó, tài chính và ngân sách là một trong những yếu tố trụ cột quan trọng, tạo tiền đề cho giáo dục phát triển.

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị Chuyên đề tập trung vào 3 nội dung chính: Đề xuất các giải pháp đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục; Các giải pháp quản lý, giám sát tài chính trong tự chủ đại học; Đề xuất cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển giáo dục.

Thời gian qua, cơ chế, chính sách tài chính trong giáo dục liên tục được nghiên cứu ban hành, sửa đổi, có thể kể đến: Cơ chế và chính sách huy động các nguồn lực tài chính đầu tư phát triển giáo dục ở Việt Nam; cơ chế, chính sách hỗ trợ và bồi hoàn tài chính cho sinh viên sư phạm nhằm thu hút người tài học sư phạm và trở thành giáo viên; cơ chế, chính sách đầu tư tài chính hiệu quả cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong giáo dục và đào tạo… Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang xây dựng hệ thống định mức kinh tế – kỹ thuật về giáo dục làm căn cứ xác định chi phí, tính giá đặt hàng dịch vụ giáo dục từ ngân sách nhà nước cũng như định giá dịch vụ cho các cơ sở giáo dục tự chủ (thí điểm tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và đẩy mạnh tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học)…

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cùng chung nhận định thực tế trong bối cảnh hiện nay, tính hiệu quả của chính sách tài chính trong giáo dục chưa cao, tài chính trong tự chủ đại học còn nhiều vấn đề và việc huy động nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo đang khá hạn chế. Đặc biệt, vấn đề tồn tại lâu nay là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở trung ương và các cấp chính quyền địa phương trong phối hợp tham gia vào quy trình lập và phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo còn khá mờ nhạt…

Thứ trưởng đề nghị các các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục bám sát các nội dung chính để đóng góp ý kiến, nêu lên những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân và giải pháp bước đầu, trên cơ sở đó tham mưu Bộ GDĐT tiếp tục có những đề tài và đề xuất Đảng, Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách phù hợp cho phát triển GDĐT.

Tại Hội nghị, nhóm nghiên cứu của Học viện Tài chính đã báo cáo kết quả bước đầu về đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị

Đối với nâng cao hiệu lực chi NSNN cho giáo dục, nhóm nghiên cứu đề xuất: Cần quy định và ràng buộc trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý ngành giáo dục ở trung ương và địa phương trong việc tham mưu, phối hợp tham gia cùng với cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư trong quá trình quản lý NSNN chi cho giáo dục.

Nhóm cũng đưa ra các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các kế hoạch tài chính – ngân sách trung hạn và hàng năm, nâng cao chất lượng thực hiện dự toán chi ngân sách địa phương cho giáo dục, công khai và minh bạch trong quản lý NSNN trong GDĐT.

Đối với nâng cao hiệu quả chi ngân sách giáo dục, cần duy trì quy mô chi NSNN ở mức 20% tổng chi cân đối NSNN của quốc gia, tuy nhiên, cần xác định tỷ lệ chi cho GDĐT phù hợp với chi NSNN ở từng địa phương. Đồng thời, cần điều chỉnh cơ cấu chi NSNN cho giáo dục giữa các bậc học; xây dựng tiêu chí ưu tiên phân bổ chi đầu tư cho ngành giáo dục tại địa phương; hoàn thiện hệ thống định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN cho giáo dục; nâng cao chất lượng thiết kế và tăng cường giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục.

Thảo luận tại Hội nghị, các chuyên gia nhấn mạnh đại học có ba trụ cột là đào tạo, nghiên cứu và tư vấn chính sách cho Nhà nước và địa phương, PGS. TS Hoàng Thị Thuý Nguyệt, Học viện Tài chính đề xuất, cần tăng chi NSNN cho giáo dục đại học (GDĐH) trong bối cảnh 4.0 và rất cần thiết minh bạch hoá các nguồn lực từ ngân sách và xã hội cho giáo dục, đây đồng thời là căn cứ để lập kế hoạch trung hạn, dài hạn.

Tăng đầu tư cho GDĐH cũng là đề xuất của GS.TS Nguyễn Lân Dũng, đặc biệt là đầu tư cho nghiên cứu, ít nhất là những ngành thực hành. Đây chính là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đầu ra.

Đồng quan điểm này, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, Uỷ viên Hội đồng nhấn mạnh, trong giáo dục thường ngại nói đến tài chính, nhưng không thể phủ nhận đây là điều kiện quan trọng quyết định chất lượng của hệ thống giáo dục. Theo đó, tài chính không đơn thuần là sử dụng ngân sách nhà nước, mà bao gồm học phí, vốn của nhà đầu tư. Thực tiễn của các trường ĐH lớn ở nước ngoài hầu hết đều phải công khai tài chính hàng năm như một doanh nghiệp.

 

Uỷ viên Hội đồng, đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Theo GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, Uỷ viên Hội đồng để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả chi NSNN, ngành giáo dục cần đóng vai trò chủ yếu trong dự toán, phân bổ, quyết toán ngân sách từ Trung ương đến địa phương.

Cần có cơ sở dữ liệu ngành của 63 tỉnh thành là đề xuất của ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng. Tại Hải Phòng kể từ năm 2019, tất cả hệ thống trường từ mầm non đến phổ thông đều phải liên tục cập nhật chi ngân sách hàng năm, qua đó cung cấp bức tranh toàn hệ thống giáo dục trong thành phố, là căn cứ để ra quyết sách và lập kế hoạch.

Các Uỷ viên Hội đồng phát biểu tại Hội nghị

Nhìn nhận vấn đề đề tài chính trong giáo dục lâu nay luôn phức tạp, nhiều ý kiến tại Hội nghị đã đưa ra giải pháp nâng cao hiệu lực và hiệu quả chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo. Điều này cần được thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau liên quan đến phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả, giải pháp về nâng cao hiệu lực chi ngân sách nhà nước…

Đồng thời, phải xác định hướng ưu tiên trong phân bổ chi đầu tư cho ngành giáo dục từ trung ương xuống các địa phương, cơ cấu ngân sách cho giáo dục phải theo hướng tăng chi đầu tư. Riêng việc huy động nguồn lực tài chính cho giáo dục, cũng nên tính đến các nguồn đầu tư từ bên ngoài quốc gia, từ đó tăng cường chất lượng giáo dục, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý, tổng hợp thành các nhóm vấn đề, để báo cáo Bộ trưởng, Uỷ viên Thường trực Hội đồng.

Văn phòng Hội đồng
(Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *