Lấy ý kiến góp ý về Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030

Sáng 7.5, tại Hà Nội, Tiểu ban Giáo dục Thường xuyên và Học tập suốt đời, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực tổ chức phiên họp lấy ý kiến tư vấn, góp ý cho đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030 và dự thảo 2 bộ tiêu chí Huyện học tập, Tỉnh/ Thành phố học tập.

Việc xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam đã qua 2 giai đoạn: 2005 – 2010 và 2011 – 2020. Căn cứ vào Kết luận số 51-KL/TW ngày 30.5.2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận số 49-KL/TW ngày 10.5.2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 8.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư… Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu khẳng định Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030 có ý nghĩa cấp thiết và quan trọng, tạo cơ hội học tập suốt đời, tiếp cận hệ thống giáo dục chất lượng cho tất cả người dân; từ đó góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa trong giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số.

Góp ý cho dự thảo đề án, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu chung của đề án đặt ra là phù hợp. Tuy nhiên, cần làm rõ mục tiêu cụ thể với các chỉ tiêu cần đạt được, dựa trên đánh giá, phân tích các kết quả, hạn chế của 2 giai đoạn thực hiện trước đó. Đặc biệt, các mục tiêu cụ thể đạt được cần phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn hiện nay: Học tập suốt đời trong giai đoạn hội nhập, khai thác nguồn học liệu đã có và được sử dụng khá phổ biến trên nền tảng internet. Các nhiệm vụ đưa ra hợp lý, nhưng cần có giải pháp cụ thể, đưa ra giải pháp nào căn cơ, ưu tiên…

Các đại biểu cho rằng, cần có giải pháp cụ thể, làm rõ giải pháp ưu tiên nhằm xây dựng xã hội học tập

Về dự thảo 2 bộ tiêu chí Huyện học tập, Tỉnh/Thành phố học tập, được xây dựng trên cơ sở kế thừa, sử dụng kết quả của các bộ tiêu chí sẵn có (Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT quy định về đánh giá, xếp loại cộng đồng học tập cấp xã và Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại đơn vị học tập với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh) và tham khảo, tiếp thu có chọn lọc từ các bộ tiêu chí của các nước trên thế giới, đặc biệt là Bộ Tiêu chí Thành phố học tập của UNESCO.

Các chuyên gia cơ bản nhất trí với cấu trúc 2 bộ tiêu chí. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên xếp loại đơn vị học tập, chỉ nên có 2 loại: Đạt/ Chưa đạt tiêu chí đơn vị, cộng đồng học tập; các tiêu chí cần có sự rõ ràng, đi vào bản chất, không chạy theo hình thức; sắp xếp các tiêu chí thành các nhóm gồm: Quản lý, chỉ đạo của chính quyền; sự tham gia của các cá nhân, tổ chức; và kết quả, hiệu quả…

Nhiều ý kiến tập trung góp ý cho Bộ tiêu chí Huyện học tập, Tỉnh/ Thành phố học tập phù hợp với thực tế

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng: Cần làm rõ sự cần thiết của Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030, đáp ứng với yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển đổi số, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Các đề án thành phần cần nghiên cứu thêm; nhấn mạnh phần xã hội hóa, khẳng định vai trò của các lực lượng chăm lo xây dựng xã hội học tập.

Về 2 bộ tiêu chí, các tiêu chí đưa ra phải đo được nhận thức của người dân, chính quyền trong xây dựng xã hội học tập; cần làm rõ cơ hội của người dân trong tiếp cận giáo dục, chất lượng nguồn học liệu, các chương trình học tập cho cộng đồng… Đề án và các bộ tiêu chí được triển khai trong thời gian dài, nên việc xây dựng cần đặc biệt chú ý đến tính khả thi.

Sau phiên họp, các dự thảo sẽ tiếp tục được hoàn thiện, lấy ý kiến của các chuyên gia, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực…

Ngọc Phương
(Báo Đại biểu nhân dân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *