Làm rõ tầm nhìn, sứ mệnh và vai trò của giáo dục thường xuyên

Chiều 21.6, tại Hà Nội, Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã tổ chức phiên họp góp ý xây dựng bộ tiêu chí đánh giá giáo dục thường xuyên giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo GS. TS Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban, đây là một đề án có tầm quan trọng đặc biệt, bởi về thực chất nó là chương trình xác định những mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục thường xuyên trong ngắn hạn và trung hạn.

 


GS. TS Phạm Tất Dong cho đây là một cơ hội cho giáo dục thường xuyên

Bộ tiêu chí đánh giá giáo dục thường xuyên giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp các tiêu chí đánh giá từ các mục tiêu của đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020, các đề xuất của UNESCO, các báo cáo, tài liệu của OECD, Mỹ, Australia… làm tài liệu tham khảo, cũng như đề xuất mức độ phù hợp của các tiêu chí, chỉ số cho Kế hoạch 2021 – 2025 hoặc Chiến lược 2021 – 2030. Các tiêu chí gồm: Xóa mù chữ cơ bản và xóa mù chữ chức năng; Công dân học tập; Các kênh học tập/môi trường học tập; Nguồn lực phát triển GDTX.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, các thành viên Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục đều cho rằng, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá giáo dục thường xuyên giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một nhiệm vụ khó khăn, bởi chúng ta phải xây dựng các tiêu chí đánh giá cho một lĩnh vực thay đổi rất nhanh. Vấn đề đặt ra là cần có tầm nhìn xa trên cơ sở nghiên cứu những xu thế phát triển giáo dục thường xuyên trên thế giới và tiềm lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.


Các chuyên gia góp ý, trước hết phải làm rõ sứ mệnh, vai trò của giáo dục thường xuyên

Để có bộ tiêu chí đánh giá chính xác, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội từng giai đoạn, trước hết phải làm rõ tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và chức năng của giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân (đi bên cạnh giáo dục chính quy), từ đó phân loại các tiêu chí đánh giá trong 5 năm tới hoặc dự báo các tiêu chí sau 10 năm tới. Bên cạnh đó đề xuất các chính sách tương thích đi kèm để thúc đẩy giáo dục thường xuyên phát triển.

GS. TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh: Việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá giáo dục thường xuyên giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 là một trọng trách của Bộ Giáo dục và Đào tạo bởi tính chiến lược dài hạn của nó. Công việc cần đến những dự báo phát triển đáng ra là thuộc cơ quan nghiên cứu chiến lược giáo dục và tất nhiên không thể thiếu được sự đóng góp của các chuyên gia kinh tế, văn hóa. Nhưng “dù ra đời trong hoàn cảnh nào thì nó vẫn được coi trọng, bởi nếu nó không có được hình hài cần thiết thì giáo dục thường xuyên lại một lần nữa bỏ lỡ cơ hội, mà ở đây là cơ hội có được khi trong Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, một số điều về giáo dục thường xuyên đã mang màu sắc đổi mới”.

Nhật Linh
(Báo Đại biểu nhân dân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *