Không gian chia sẻ, phát triển tri thức

Tài nguyên mở là xu thế trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, đang được rất nhiều nước quan tâm và coi là chính sách phát triển giáo dục quốc gia. Việt Nam đã tham gia vào xu thế này, tuy nhiên cần phải có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy sự phát triển tài nguyên giáo dục.

Đây là nội dung được tập trung bàn luận tại hội thảo khoa học “Giải pháp xây dựng mô hình tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học” do Văn phòng Hội đồng Quốc gia và Phát triển Nhân lực và Tiểu ban Giáo dục đại học tổ chức sáng 24.12.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, Trưởng Tiểu ban Giáo dục Đại học chủ trì Hội thảo

Tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam còn sơ khai

Nguồn tài nguyên giáo dục mở (OER – Open Educational Resources) là một trong những sáng kiến do tổ chức UNESCO đưa ra năm 2002 và nhanh chóng trở thành xu thế toàn cầu, với sự tham gia của nhiều quốc gia, tổ chức, các trường đại học và hàng triệu chuyên gia, mang lại lợi ích cho rất nhiều trường đại học, đặc biệt là ở các nước chưa phát triển và đang phát triển.

Theo TS. Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, trên thế giới hiện nay cũng có rất nhiều hệ thống tài nguyên giáo dục mở lớn, và các trường hoặc sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm thông qua các công cụ thông dụng, truy cập từ các trang của trường đại học, tổ chức…

Từ năm 2005, Việt Nam đã tham gia chính thức vào phong trào khóa học mở toàn cầu. Chương trình được đưa ra với mong muốn các cơ sở giáo dục, đội ngũ giảng viên và người học có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận nguồn học liệu chất lượng cao và xây dựng kho tài nguyên giáo dục mở tiếng Việt. Tuy nhiên, TS. Trương Tiến Tùng cho rằng chương trình chưa thu được nhiều thành công, có thể do thói quen dạy học theo truyền thống, chưa hình thành thói quen chia sẻ là các thách thức không nhỏ trong việc sử dụng rộng khắp tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam.

Hiện nay, một số ít trường đại học đã đưa ra các hệ thống tài nguyên giáo dục mở, chủ yếu là hệ thống khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs), nhưng số lượng tài nguyên còn hạn chế và thực tế còn gồm cả các tài nguyên mở và đóng trên cùng một hệ thống.

Trong khi đó, TS. Lê Trung Nghĩa, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định: Ở Việt Nam, tài nguyên giáo dục mở vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, hiện tại hầu như không có tài nguyên giáo dục mở. Đặc tính điển hình của cái gọi là “tài nguyên giáo dục mở” hiện nay ở Việt Nam là nó không được cấp phép mở và vì thế người sử dụng không được trao quyền trước một cách rõ ràng từ các tác giả và/hoặc những người nắm giữ bản quyền để tùy biến thích nghi, sửa đổi theo nhu cầu sử dụng của bản thân. Điều này hoàn toàn không phù hợp với định nghĩa tài nguyên giáo dục mở của UNESCO.

Đáng lo ngại hơn là công nghệ mở hầu như không, chưa hoặc rất ít được sử dụng trong các cơ quan nhà nước và trong ngành giáo dục của Việt Nam hiện nay, đi ngược chiều với xu hướng không thể đảo ngược của tài nguyên giáo dục mở và khóa học mở trên thế giới.

Toàn cảnh Hội thảo

Thúc đẩy chia sẻ, “mở khóa” kiến thức

“Tài nguyên giáo dục mở được xây dựng trên quan điểm quan trọng tri thức là của nhân loại và phải được chia sẻ, mở khóa kiến thức tức là tạo thêm sức mạnh cho trí tuệ. Đây cũng là tư tưởng của giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời” – PGS.TS Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên khẳng định.

Với sự chia sẻ, mở khóa kiến thức, không chỉ người có điều kiện ở thành phố lớn, trường đại học hàng đầu mới có thể tiếp cận giáo viên giỏi; trẻ em vùng sâu vùng xa, những người đang đi làm, yếu thế, người không thể dành toàn thời gian cho giáo dục… vẫn có thể tiếp cận được tài liệu tốt nhất. Không có lý do gì, trong bối cảnh chuyển đổi số, nền giáo dục của nước ta không tạo cơ hội như vậy.

Nhiều chuyên gia đồng tình về sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam. TS. Trương Tiến Tùng đề xuất: Cần có các chính sách phù hợp, đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể, xây dựng tài nguyên giáo dục mở cấp quốc gia với khả năng kết nối, chia sẻ, đánh giá. Các trường đại học phải là đơn vị đi đầu trong phát triển tài nguyên giáo dục mở, đây vừa là trách nhiệm trong đóng góp với cộng đồng, vừa mang lại lợi ích cho chính các trường khi hệ thống được xây dựng thành công.

Để thực hiện được điều này, cần có các giải pháp về chính sách liên quan tới việc phát triển tài nguyên giáo dục mở trong các trường đại học nói riêng và tại Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, ban hành các tiêu chuẩn về tài liệu mở giữa các trường đại học; có một hệ thống tài nguyên giáo dục mở cấp quốc gia kết nối và phân phối chung cho các trường đại học tại Việt Nam và đóng vai trò xây dựng xã hội học tập, giáo dục người lớn tại Việt Nam…

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Lê Trung Nghĩa cho rằng: “Ưu tiên cao nhất trong xây dựng chính sách tài nguyên giáo dục mở ở thời điểm hiện tại là có chính sách cấp phép mở ở mức quốc gia. Hai từ khóa hàng đầu hiện nay là Số và Mở, chúng cần đi song hành với nhau. Để xây dựng chính sách cho tài nguyên giáo dục Mở phù hợp với chương trình chuyển đổi Số quốc gia, cấp bách phải xây dựng các khung năng lực số quốc gia dựa vào”.

GS. TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội góp ý: Xây dựng học liệu mở, nhất là cho lĩnh vực đại học không đơn giản, dễ vướng vi phạm bản quyền. Do vậy có hướng dẫn cụ thể, quy định chung để làm. Bên cạnh đó, có đầu mối điều phối chung. Mặt khác, hệ thống như thế, ngoài hỗ trợ mọi người tự nâng cao trình độ, cần có sự công nhận chính thức khi người học tham gia học và hoàn thành một mức độ nhất định, khuyến khích học tập suốt đời.

Nhiều ý kiến tại hội thảo khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam

Ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng: Tài nguyên giáo dục mở, cùng với khóa học mở, không chỉ là nơi sử dụng, chia sẻ tri thức, mà đây là môi trường, không gian phát triển tri thức… Chúng ta mong muốn hệ thống tài nguyên giáo dục mở lý tưởng, miễn phí, nhưng có cách nào vận hành, quản trị, khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức cung cấp dịch vụ, các nhà giáo góp sức để xây dựng bài giảng có chất lượng, hoàn thiện các bài giảng… Đây là những câu hỏi lớn.

Từ các ý kiến tại hội thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn chỉnh Đề án “Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học”, trình Chính phủ xem xét trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy sự phát triển, vận hành, khai thác, quản lý nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học.

Ngọc Phương
(Báo Đại biểu nhân dân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *