Hội thảo khoa học “Bộ chuẩn phát triển cho trẻ em 5 tuổi”

Ngày 25/12/2020, Tiểu ban Giáo dục mầm non (GDMN) thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực tổ chức hội thảo khoa học về: Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi (PTTE). Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, Trưởng Tiểu ban GDMN chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng: Hội thảo là cơ hội để các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu thảo luận,
đánh giá việc triển khai thực hiện Bộ chuẩn Phát triển trẻ em 5 tuổi

Bộ chuẩn PTTE 5 tuổi của Việt Nam được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2005 và ban hành năm 2010 theo Thông tư số 23/2010/TT-BGDĐT. Bộ chuẩn gồm 4 lĩnh vực: Phát triển thể chất; phát triển tình cảm và quan hệ xã hội; phát triển ngôn ngữ và giao tiếp; phát triển nhận thức với 28 chuẩn, 120 chỉ số. Những chuẩn và chỉ số này thể hiện những giá trị, mong đợi của xã hội đối với trẻ 5 tuổi. Bộ chuẩn được coi là mục tiêu và Chương trình GDMN, là con đường để thực hiện được các mục tiêu đặt ra.

Sau 10 năm thực hiện, cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đều đánh giá cao vai trò của Bộ chuẩn PTTE 5 tuổi đối với việc hỗ trợ nhà trường, giáo viên mầm non trong việc xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung chăm sóc, giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ năm tuổi trong thực hiện Chương trình GDMN góp phần nâng cao chất lượng cho trẻ năm tuổi vào lớp 1. Trong hướng dẫn thực hiện Bộ chuẩn của Bộ GDĐT nhấn mạnh mối quan hệ hỗ trợ giữa Bộ chuẩn PTTE với Chương trình GDMN hiện hành. Vì thế, hiện nay, các cơ sở GDMN đã sử dụng 120 chỉ số của Bộ chuẩn để xác định mục tiêu giáo dục và là kết quả đầu ra của trẻ 5 tuổi.

Tuy nhiên, đại diện một số Sở GDĐT, cơ sở GDMN cho rằng: Bộ chuẩn có một số điểm còn bất cập, gây khó khăn cho giáo viên trong quá trình thực hiện. Cấu trúc của Bộ chuẩn được đánh giá là chưa hợp lý, không tương đồng với Chương trình GDMN. Bộ chuẩn được cấu trúc 4 lĩnh vực phát triển, 28 chuẩn, 120 chỉ số, trong khi đó Chương trình GDMN cho trẻ 5 tuổi được cấu trúc theo 5 lĩnh vực phát triển. Với cách cấu trúc không tương đồng như vậy khiến giáo viên gặp khó khăn, mất nhiều thời gian để so sánh, đối chiếu giữa hai tài liệu để xây dựng mục tiêu giáo dục, lựa chọn nội dung lập kế hoạch giáo dục, xây dựng Bộ công cụ đánh giá trẻ năm tuổi theo 5 lĩnh vực của Chương trình.

Theo Vụ GDMN, việc sử dụng Bộ chuẩn PTTE hiện nay chủ yếu có hiệu quả trong phạm vi trường lớp mầm non. Công tác tuyên truyền và phối hợp với cha mẹ và cộng đồng trong việc sử dụng Bộ chuẩn PTTE trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ năm tuổi hiện nay còn hạn chế. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sau 10 năm ban hành, Bộ chuẩn đã có một số điểm không còn phù hợp, cần được nghiên cứu và điều chỉnh tương thích với sự phát triển của đất nước và gia tốc phát triển của trẻ trong giai đoạn hiện nay.

Theo bà Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực: Lứa tuổi mầm non là giai đoạn quan trọng nhất trong sự phát triển của mỗi con người, là“giai đoạn tuổi vàng”, “cửa sổ của các cơ hội” để có thể giáo dục, khai mở khả năng còn tiềm ẩn của bộ não trẻ. Việc chăm sóc và giáo dục phù hợp, đầy đủ, toàn diện cho trẻ mầm non là nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao chất lượng nòi giống, nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Việc tổ chức Hội thảo khoa học của Tiểu ban GDMN về “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” là rất cần thiết.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Trên thế giới, chuẩn hóa trở thành một xu hướng giáo dục. Ngày càng nhiều nước xây dựng Chuẩn phát triển trẻ em. Nhiệm vụ đặt ra là mỗi nước cần tìm kiếm những chuẩn thích hợp với sự phát triển của trẻ, với đặc thù văn hóa, kinh tế, chính trị, yêu cầu ưu tiên cho chất lượng nguồn nhân lực của nước mình. Vào những năm đầu thế kỷ XXI với sự hỗ trợ của UNICEF, đã có gần 40 quốc gia áp dụng Chuẩn phát triển trẻ em.

Theo ThS. Bùi Thị Kim Tuyến, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng để điều chỉnh Chương trình GDMN, Bộ chuẩn PTTE 5 tuổi và trẻ các lứa tuổi mầm non khác cần được xem xét bao gồm việc xác định cấu trúc, nội dung các lĩnh vực, chuẩn, chỉ số phát triển phù hợp với trẻ em 5 tuổi của Việt Nam, với những giá trị mà xã hội mong đợi, với tình hình kinh tế – chính trị – xã hội của Việt Nam. Bộ chuẩn phát triển trẻ em các lứa tuổi cần được tiếp cận theo hướng phát triển toàn diện, hài hòa nhân cách trẻ theo Quyền trẻ em, giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, giá trị mới trong thời kỳ hội nhập. Chuẩn có hình thức dễ theo dõi, dễ hiểu, dễ sử dụng, có sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực cho người sử dụng, và cần được đánh giá, cập nhật ít nhất 5 năm một lần…

Chuyên gia trình bày tham luận tại Hội thảo

Sự thay đổi và tiến bộ về kinh tế, xã hội thời gian gần đây đang đặt ra vấn đề điều chỉnh Bộ chuẩn. Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, cần xem xét chỉnh sửa, bổ sung những chỉ số mới phù hợp với sự phát triển của trẻ trong bối cảnh giáo dục hiện nay như tiếp cận ngoại ngữ, kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống bạo hành, xâm hại; phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới…

Các đại biểu, chuyên gia tham dự và phát biểu tại Hội thảo

Theo bà Minh Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ chuẩn đã ban hành được 10 năm, sau Chương trình GDMN hiện hành nên không tránh khỏi sự chồng chéo. Hiện nay, không chỉ dừng lại ở Bộ chuẩn PTTE 5 tuổi mà cần xây dựng chuẩn cho các độ tuổi khác của lứa tuổi mầm non và cần được hoàn thiện trước khi chỉnh sửa hoặc phát triển Chương trình GDMN mới.

Cần xây dựng bộ công cụ đánh giá tính xác thực về nội dung Bộ chuẩn, tiến hành đo trên trẻ thuộc các thành phần, vùng miền khác nhau để đánh giá về mức độ đạt chuẩn để điều chỉnh, bổ sung các chỉ số mới phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay. Tổ chức thử nghiệm, đánh giá tính xác thực về độ tuổi của Bộ chuẩn và tổ chức các cuộc họp, hội thảo xin ý kiến của các nhà khoa học, các địa phương và thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đặt ra.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế chung tay hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác… để Bộ GDĐT từng bước xây dựng Bộ Chuẩn PTTE 5 tuổi nói riêng và trẻ em mầm non nói chung đáp ứng yêu cầu phát triển của trẻ em hiện nay của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến quý báu và tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm, đặc biệt trong việc xây dựng Chuẩn đầu ra 5 tuổi cho cấp học mầm non sau năm 2020 cũng như hỗ trợ đắc lực cho các nhà quản lý hoạch định chính sách giáo dục trong bối cảnh phát triển trẻ thơ ở Việt Nam.

Văn phòng Hội đồng
(Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *