Thế hệ chúng tôi là thế hệ có may mắn ngay từ phổ thông đã được học với những thầy giáo là những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tự học . Đó là từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi chúng tôi học tập ở Khu học xá trung ương. Hồi đó với đầu óc nhìn xa trong rộng Bác Hồ đã thoả thuận với Chủ tịch Mao Trạch Đông để xây dựng nên những Khu học xá dành cho thanh thiếu niên Việt Nam trên địa phận tỉnh Quảng Tây (Nam Ninh, Lư Sơn, Quế Lâm). Chính phủ ta đã cử sang đây những trí thức tài hoa nhất để đào tạo nên lớp cán bộ phục vụ lâu dài cho đất nước. Ngoài những Giáo sư được đào tạo tại nước ngoài như các giáo sư Nguyễn Xiển, Nguỵ Như Kontum, Lê Văn Thiêm, còn toàn là những thầy giáo trưởng thành lên nhờ quá trình tự học. Chúng tôi, những Ma Văn Kháng, Hồ Ngọc Đại, Kiều Thu Hoạch, Nguyễn Quốc Hùng…từ khắp các miền đát nước thuộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp được cử đi đào tạo thành lớp giáo viên chính quy bổ sung cho ngành giáo dục nước nhà
Lớp đàn anh chúng tôi được học trong hai trường Đại học đầu tiên của chế độ mới (trường Sư phạm cao cấp và trường Khoa học cơ bản ở Khu học xá trung ương). Rất nhiều anh trong số này trở thành các chuyên gia đầu ngành của Nhà nước ta (như các giáo sư Nguyễn Đình Tứ, Đỗ Quốc Sam, Võ Quý, Lê Thạc Cán, Nguyễn Cảnh Toàn, Hà Thế Ngữ, Nguyễn Đình Khoa, Nguyễn Đình Trí…). Ngay từ khi còn học lớp bảy chúng tôi đã được học các thày giáo tuyệt vời như các thày Hoàng Tụỵ, Lê Bá Thảo, Hoàng Như Mai, Dương Trọng Bái, Trần Văn Khang, Trần Văn Giáp… Trong hoạt động văn thể và ngoại khoá chúng tôi cũng may mắn được sự hướng dẫn bởi các thầy tài hoa như Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Khang, Phạm Tuyên, Việt Phương… Chúng tôi đều biết rõ các thầy đều chỉ tốt nghiệp Đại học, có thầy chỉ mới đang học Đại học thời xưa rồi bước vào cuộc kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc. Đấy là những tấm gương sáng ngời về tự học mà thành danh. Các thầy không chỉ có kiến thức sâu rộng, có phương pháp sư phạm mẫu mực mà còn là những tấm gương trong sáng về đạo đức, tư cách.
Năm 1954 tôi nhẽ ra được về nước dạy cấp hai nhưng vì quá nhỏ tuổi nên được đặc cách về học Đại học sư phạm. Cùng khoá với chúng tôi có những người nổi tiếng về sau như Cao Xuân Hạo, Cao Huy Đỉnh, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm, Vũ Đình Cự, Phan Đình Diệu, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Đạo… Chúng tôi vô cùng bỡ ngỡ vì phải học chung với một số bạn sống tại Hà Nội trước ngày giải phóng. Chúng tôi ở tập trung tại Việt Nam học xá, khu vực phường Bách Khoa bây giờ. Hồi ấy chí có đúng 4 ngôi nhà 4 tầng vây quanh một sân vận động (bây giờ lọt thỏm trong một phường đông đúc quanh Đại học Bách khoa Hà Nội). Chúng tôi đi bộ một ngày 4 lần lên 19 Lê Thánh Tông. Không đứa nào có nổi một chiếc xe đạp (trong khi một số bạn trong nội thành cũ còn đi …Vespa !). Học hai buổi mà không về trưa thì đói, dù cơm hôm nào chủ yếu cũng chỉ là bí đỏ, rau xanh. Sáng sáng chia nhau củ khoai, củ sắn chứ đâu dám ăn phở, ăn xôi. Nhưng chúng tôi học tập rất nghiêm túc vì trước mắt chúng tôi là những tấm gương sáng ngời của các thầy giáo. Từ Việt Bắc trở về các thầy không có trong tay bất kỳ một cuốn sách giáo khoa nào. Làm sao dạy được Đại học? May sao các thày tìm được quyển sách Le Russe, một cuốn sách dạy tiếng Nga qua tiếng Pháp. Các thầy đều thông thạo tiếng Pháp và từ khoa học tiếng Nga và tiếng Pháp đều khá giống nhau. Và vì vậy chỉ sau vài tháng các thầy đã có thể sử dụng bộ sách giáo khoa Đại học do Chính phủ Liên Xô gửi tặng Chính phủ ta. Chúng tôi may mắn được tiếp cận ngay với trình độ Đại học Liên Xô nhờ công sức tự đào tạo của các thầy chúng tôi. Và tất cả chúng tôi đều học tiếng Nga để có thể đọc sách tham khảo mua ở hiệu sách Ngoại văn lúc bấy giờ. Các thầy đầu tiên tạo nên cả một thế hệ các nhà sinh vật học Việt Nam sau này đều là các thầy trưởng thành bằng con đường tự học. Đó là các GS.Dương Hữu Thời, Đào Văn Tiến, Lê Khả Kế,Lê Quang Long, Trương Cam Bảo, Nguyễn Thạc Cát. Hôm nay tất cả các thầy đều đã về với thế giới người hiền để lớp lớp chúng tôi tiếp bước.
Đến lượt tôi ra trường năm 1956 khi mới 18 tuổi. Khó khăn biết nhường nào khi nhận nhiệm vụ dạy môn Vi sinh vật học cho sinh viên năm thứ Ba của Đại học Tổng hợp Khoá I. Đây là môn học về thế giới không nhìn thấy mà ngay hình dạng của chúng dưới kính hiển vi tôi cũng chưa nhìn thấy bao giờ (!). Kiến thức chưa hề được học một chữ nào vậy biết làm sao đây?. Tôi sang trường Đại học y dự thính giờ các môn có ít nhiều liên quan như môn Vi trùng học của thầy Hoàng Tích Mịnh, môn Sinh hoá học của cô Trần Thị Ân. Rất may được sự động viên của Giáo sư Đặng Văn Ngữ, một chuyên gia về Vi sinh vật học nhưng cũng phải nhận nhiệm vụ mới là Ký sinh trùng học. Thầy Ngữ khuyên tôi phải học ngoại ngữ, phải nghiên cứu khoa học và từng bước phải biên soạn sách giáo khoa. Tôi đã theo ba lời khuyên đó đến tận hôm nay. Ngay năm đầu tiên tôi đã cặm cụi dịch hai cuốn sách bằng cách… tra từng từ một (!). Đó là cuốn Mikrobiologya của GS. Fedorov và cuốn Vi sinh vật học của GS. Trần Hoa Quỳ. Khốn nỗi hồi ấy làm gì có từ điển chuyên ngành nên nhiều từ tôi phải… bịa ra (may mắn là hiện nay vẫn được sử dụng). Các sinh viên khoá đầu tiên ấy nay phần lớn đã trở thành giáo sư. Trong khi các bạn cùng khoá với tôi sau khi được giữ lại trường hầu hết được cử sang Nga để bồi dưỡng và làm nghiên cứu sinh Phó tiến sĩ và Tiến sĩ. Tôi phải ở lại để xây dựng Bộ môn từ con số không tròn trĩnh. Sau này tôi chỉ có dịp đi thực tập ngắn hạn ở một số nước. Đợt thực tập dài ngày nhất là 12 tháng ở một Viện nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc (tại Thẩm Dương, Liêu Ninh). Tôi bắt tay vào nghiên cứu Khu hệ vi sinh vật đất tròng lúa với các kỹ thuật kiểm tra số lượng từng nhóm vi sinh vật có ích và có hại trong vùng rễ cây lúa. Sau một năm tôi bắt tay vào viết luận án. Với khả năng tự học tiếng Trung tôi làm sao viết được tiếng Trung. Tôi nghĩ ra một cách là viết xong bằng tiếng Việt rồi ngồi cùng giáo sư Hứa Quang Huy – người hướng dẫn tôi. Tôi dịch miệng từng câu (dễ hơn viết rất nhiều) và giáo sư Hứa viết ra thành tiếng Trung sau đó đưa đi dánh máy. Nhớ mãi hồi đó đánh máy tiếng Trung rất khó, phải chọn từng chữ trong hộp chữ rồi gõ lên máy. Tôi nhớ mãi là hộp chữ thiếu chữ Lân (là Kỳ lân theo nghĩa bố tôi đặt cho chúng tôi). Tôi không chấp nhận chữ Lân là phân lân hay chữ Lân là lân bang, nên họ phải đi mượn chữ này từ một hộp chữ khác. Tôi nhận bằng “Tiến tu sinh”, không tương đương gì với các học vị được quy định trong nước. Sau khi về nước tôi liên tục tiến hành các nghiên cứu về “Cân bằng nitrogen trong nông nghiệp” và bảo vệ trong nước luận văn Phó tiến sĩ (sau gọi là Tiến sĩ). Khốn nỗi trong nước lúc ấy làm gì có mấy chuyên gia về lĩnh vực này nên chấm luận án cho tôi phần lớn là các chuyên gia về Vi rút hay Vi trùng y học như các anh Hoàng Thuỷ Nguyên, Đặng Đức Trạch…(!). Cứ thế với tinh thần tự học như tấm gương của các thầy từng dạy tôi, tồi lần lượt trưởng thành lên trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về Vi sinh vật học. Tôi tự học cả 4 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung).Tôi đã từng dạy bằng tiếng Pháp tại Căm Pu Chia sau ngày nước họ được giải phóng khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt. Tôi đã viết sách Từ vựng tiếng Anh tối thiểu, tái bản 3 lần, lại đang viết tiếp Từ vựng tiếng Pháp tối thiểu (với kinh nghiệm của một người tự học). Tôi đã lần lượt cùng đồng nghiệp biên soạn và in sách giáo khoa về Vi sinh vật học. Lần đầu là bản do Nhà xuất bản giáo dục phát hành , dầy 520 trang, tái bản 10 lần. Lần sau là hai tập (396 và 720 trang) do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật phát hành, được dùng chung cho nhiều Trường Đại học. Tôi cùng đồng nghiệp xây dựng các trung tâm nghiên cứu Vi sinh vật học theo thứ tự từ thấp lên cao. Ban đầu là Phòng nghiên cứu chuyên đề Vi sinh vật học, rồi tới Trung tâm Vi sinh vật học ứng dụng, rồi là Trung tâm Công nghệ sinh học, và sau cùng là Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, một Viện nghiên cứu cấp nhà nước, có quan hệ rộng rãi với nhiều viện nghiên cứu khác trên thế giới. Tôi cùng đồng nghiệp đã viết trên 50 cuốn sách khoa học và phổ biến khoa học, có cuốn được tái bản tới 10 lần. Chúng tôi đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, có đóng góp xứng đáng trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng vi sinh vật. Chúng tôi đã trực tiếp tham gia chiến dịch đường Chín-Nam Lào và trực tiếp cứu chữa nhiều thương binh nhiễm trực khuẩn mủ xanh. Chúng tôi đã xây dựng được Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật (VTCC), một thành viên của Liên đoàn các bảo tàng giống vi sinh vật thế giới (WFCC). Bản thân tôi đã đi công tác trên 30 nước và đã từng được giáo sư Quách Mạt Nhược mời cơm hai lần. Tôi đã tham gia Quốc hội ba nhiệm kỳ và năm nhiệm kỳ là uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQVN.
Ở tuổi 80 nhưng tôi vẫn hăng hái tham gia nhiều công tác trên cương vị Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học-Giáo dục-Môi trường của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhìn lại quá trình trưởng thành của mình, tôi vô cùng biết ơn các thầy giáo của chúng tôi, những tấm gương sáng về tinh thần tự học suốt đời để cho thế hệ chúng tôi noi theo. Trong các chương trình giáo dục Kỹ năng sống mà các trường phổ thông thường xuyên mời tôi tham gia, tôi luôn truyền đạt đến các bạn trẻ tinh thần tự học suốt đời, tinh thần dám mơ ước và dũng cảm vượt qua mọi khó khă.n để đạt tới những mơ ước cao đẹp nhất của đời mình.
Nguyễn Lân Dũng