GS Nguyễn Lân Dũng – Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới

(GDVN) – Sau buổi nói chuyện đầy nhiệt huyết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhiều em học sinh trường Đoan Hùng đã khẳng định quyết tâm trên con đường khởi nghiệp.

 

Ngày 5/5/2018, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh Phú Thọ đã kết hợp với Trường Trung học phổ thông Đoan Hùng (Huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) tổ chức buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đoan Hùng, cùng với cán bộ giáo viên và hơn 1000 em học sinh trường Trung học phổ thông Đoan Hùng.

Mở đầu cuộc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, khẳng định tầm quan trọng của hội thảo trong việc định hướng cho học sinh sau khi ra trường trong thời đại mới.

Buổi “Hội thảo trong thời đại công nghiệp 4.0” đã được các em học sinh và các thầy cô giáo nhà trường đón nhận nồng nhiệt khi họ được giao lưu với diễn giả là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng.

Đây cũng là dịp thầy và trò trường Trung học phổ thông Đoan Hùng được tiếp lửa, chuẩn bị hành trang mới sau hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, đồng thời cũng đang góp phần vào công cuộc Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa cho quê hương của “Bưởi ngọt chè thơm”.

Được đặt câu hỏi, nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thuyết trình là một dịp đặc biệt với nhiều em học sinh trường Đoan Hùng (Ảnh: LC)

Mở đầu buổi nói chuyện, Giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã khiến các em học sinh Trường trung học phổ thông Đoan Hùng bất ngờ với sự gần gũi và giản dị khi muốn đứng gần với các em hơn để truyền tải thông điệp của thầy.

Dù đã ngoài 80, nhưng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vẫn dành hơn 3 giờ đồng hồ liên tục đề nói chuyện, định hướng và tâm sự với hơn 1000 em học sinh trường Đoàn Hùng về vấn đề khởi nghiệp và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bằng sự truyền đạt đầy nhiệt huyết, những câu chuyện dung dị hàng ngày và những tấm gương vươn lên qua nghịch cảnh đã khiến nhiều em học sinh xúc động mạnh.

Những tấm gương vượt qua số phận, vượt qua hoàn cảnh để làm giàu trên chính quê hương mình đã tiếp thêm động lực cho tinh thần học tập của các em học sinh.

Và chính câu chuyện, kinh nghiệm của những ngày đầu bước chân vào nghiên cứu khoa học của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã trở thành tấm gương học tập cho các em.

Cũng trong buổi hội thảo, những câu chuyện về lịch sử phát triển, thành tựu của các cuộc cách mạng khoa học công nghiệp trên thế giới đã giúp các em học sinh nhận thức rõ được cơ hội và thách thức trong thời đại mà các em đang sống.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, phát triển theo cấp số nhân, là khuynh hướng tất yếu mang lại cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia.

Chúng ta phải làm gì để nắm bắt cơ hội? Đây không chỉ là câu hỏi mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ và trăn trở đối với các em học sinh trường Đoan Hùng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là thách thức – thách thức sống còn, là  còn cơ hội – cơ hội quốc gia thịnh vượng

Đan xen bài thuyết trình, Giáo sư, nhà giáo nhân dân đã tặng thầy và trò nhà trường nhiều sách quý để làm tài liệu giảng dạy.

Trước ngưỡng cửa của cuộc đời, nhiều em đã được tiếp lửa bởi nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: Lại Cường)

Em Trần Thị Tú Giang, học sinh lớp 12A7 cho biết, những câu chuyện nghiên cứu về khoa học, những tấm gương, nghị lực vươn lên của nhà giáo Nguyễn Lân Dũng đã giúp em có nhiều động lực trong cuộc sống.

Qua bài nói chuyện của thầy, Tú Giang đã ý thức được cơ hội và thách thức của bản thân trong thời kỳ mới, qua đó em quyết tâm hơn trong việc chọn trường, chọn nghề để mình theo đuổi trong tương lai.

Phần sôi nổi nhất của chương trình hội thảo, là khi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng có phần giao lưu, trả lời câu hỏi của các em học sinh trường Đoan Hùng.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, đặc biệt từ khối lớp 12, xoay quanh các vấn đề khởi nghiệp, các thắc mắc về cuộc các mạng khoa học công nghệ 4.0 cũng như các vấn đề về chọn ngành, chọn nghề.

Trong đó, em Lê Huyền Linh học sinh lớp 12A1 đã đặt câu hỏi về vai trò của nhà giáo truyền thống trong thời đại công nghiệp 4.0 và cơ hội của ngành sư phạm như thế nào.

Đây là một câu hỏi được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đánh giá rất thú vị.

Cũng như trong phần nói chuyện trước đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã cho rằng Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi sâu sắc quá trình phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Giáo dục là một lĩnh vực khá nhạy cảm, chịu sự tác động tất yếu từ những chuyển động xã hội, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sức lan tỏa của làn sóng trên.

Trong xu thế đó, sứ mệnh và vị thế của người thầy trong thời đại mới đã có nhiều đổi thay so với những quan niệm truyền thống.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng: Sự biến đổi lớn về vai trò người dạy – truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò xúc tác và điều phối, họ phải chuyển sang chức năng hướng dẫn người học.

Và trong thời đại công nghiệp 4.0, nhà giáo cần phải thường xuyên cập nhật và nâng cao kiến thức cho bản thân mình.

Nhiều em học sinh cũng bày tỏ cơ hội việc làm của bản thân khi tỷ lệ sinh viên ra trường hiện nay làm trái ngành, trái nghề và thất nghiệp cũng rất nhiều.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã tận tình trả lời từng câu hỏi của các em, trong đó, giáo sư mong muốn gửi gắm đến các em ước mơ và khát vọng của bản thân.

Giáo sư mong muốn các em tìm hiểu kỹ về bản thân mình xem mình thuộc về trí thông minh nào trong số 8 trí thông minh của nhân loại. Qua đó các em hiểu mình hơn để đi theo sở trường của bản thân.

Ngoài ra, dù còn sớm, nhưng một số em học sinh lớp 11, 10 đã bày tỏ sự quan tâm đến khởi nghiệp qua các câu hỏi dành cho vị giáo sư, người thầy danh tiếng.

Nhiều thầy cô giáo trong trường Đoan Hùng cho biết, các thầy cô ấn tượng đặc biệt với phong cách giản dị, kiến thức uyên thâm, cách nói dí dỏm hài hước của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Buổi hổi thảo “Khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0”được đánh giá là một hoạt động ngoại khóa đầy ý nghĩa cho các em học sinh trường Đoàn Hùng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho các em.

Tuy là trường nằm tại vùng miền núi xa xôi nhưng với bề dày truyền thống hơn 50 năm, trường trung học phổ thông Đoan Hùng vẫn là một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục Phú Thọ.

Đặc biêt, trong năm 2017, trường Trung học phổ thông Đoan Hùng đã được công nhận là trường chuẩn Quốc gia.

(Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *