VP HĐQGGDPTNL – Ngày 22/8/2018, Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã tổ chức phiên họp để xin ý kiến các thành viên Tiểu ban và các chuyên gia về những vấn đề của giáo dục thường xuyên cần đưa vào Dự thảo Luật Giáo dục Sửa đổi. Trưởng Tiểu ban GS.TS. Phạm Tất Dong chủ trì phiên họp.
Phiên họp Tiểu ban GDTX&HTSĐ
Tham dự phiên họp có các Ủy viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Hội đồng), thành viên của Tiểu ban GDTX – HTSĐ; Vụ Giáo dục Thường xuyên; Văn phòng Hội đồng QGGDPTNL; Viện KHGDVN; các chuyên gia, lãnh đạo đến từ các Sở Giáo dục và Đào tạo; Trung ương Hội nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; một số trung tâm GDTX của một số tỉnh/thành phố.
Điều hành phiên họp, GS.TS Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban nêu 4 nội dung quan trọng mà Ban soạn thảo đang cần xin ý kiến Tiểu ban, chuyên gia: Khái niệm, vị trí, vai trò của GDTX; Có cần các cơ sở GDTX hay để GDTX đan xem trong các cơ sở giáo dục chính quy; Trong tương lai có cần xây dựng một Luật chuyên ngành về GDTX ở Việt Nam; Tên các cơ sở GDTX, có nên đặt tên “Trung tâm giáo dục mở” hay “Trung tâm giáo dục thường xuyên”.
Về khái niệm của GDTX, các chuyên gia đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, giải thích lại một số từ ngữ sao cho phản ánh đầy đủ, đúng bản chất, nội hàm của khái niệm và phù hợp với thế giới, khu vực để có thể hội nhập; GDTX nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân có tính mở, linh hoạt, liên thông, bao gồm giáo dục chính quy và GDTX; Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GDTX là giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định đáp ứng nhu cầu học tập của người học, được thiết lập theo mục đích tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, hướng tới xây dựng xã hội học tập.
Chuyên gia tham dự phiên họp
Các cơ sở GDTX cần được duy trì để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của GDTX. Chương trình giáo dục thường xuyên được thực hiện không chỉ trong các cơ sở GDTX mà thực hiện ở cả các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư và thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Các chuyên gia kiến nghị Ban soạn thảo cần thiết xây dựng một Luật chuyên ngành về GDTX, hoặc Luật Giáo dục người lớn/Luật học tập suốt đời như nhiều nước trên thế giới đã ban hành; GDTX có Luật riêng, theo đó có thể quy định rõ ràng trách nhiệm, vai trò của từng đơn vị, cá nhân … trong việc tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.
Các đại biểu tham dự phiên họp tin tưởng Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi là một cơ hội và thời điểm thuận lợi cho thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung trong đó có GDTX bằng việc luật hoá các ý tưởng về quản lý và phát triển giáo dục, có ý nghĩa quan trọng với thực tiễn cấp bách của phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học, công nghệ 4.0 và tình trạng già hoá dân số của Việt Nam đang diễn ra nhanh.
Đại biểu tham dự phiên họp
Về việc đặt tên của các cơ sở GDTX, nên đặt “Trung tâm giáo dục mở” hay “Trung tâm giáo dục thường xuyên”, các đại biểu cho rằng tên gọi của các cơ sở phải phản ánh đúng chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở GDTX; quy định Trung tâm học tập cộng đồng được tổ chức theo loại hình dân lập, thì vai trò và trách nhiệm của Nhà nước sẽ như thế nào? Có cần thiết phải quy định định cứng như vậy không?
Phát biểu kết luận phiên họp, GS.TS Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban đề nghị các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, góp ý bằng văn bản và gửi về Văn phòng Hội đồng QGGDPTNL để tổng hợp báo cáo Thường trực Hội đồng; Đề nghị PGS.TS Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng Hội Đồng QGGDPTNL thông báo kế hoạch các phiên họp tiếp theo của Tiểu ban; Các ý kiến chuyên gia sẽ được gửi tới Ban soạn thảo để tiếp tục tiếp thu và hoàn thiện văn bản Dự thảo Luật Giáo dục Sửa đổi đối với các nội dung về GDTX trình Quốc hội trong kỳ họp tới.