Giải pháp phát triển giáo dục thường xuyên giai đoạn mới

Trong nền kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đáp ứng yêu cầu đào tạo con người có năng lực tri thức mới là yêu cầu đặt ra cho giáo dục, trong đó giáo dục thường xuyên (GDTX) giữ một vị trí quan trọng. Để có thể thực hiện được nhiệm vụ đó, GDTX cần được rà soát, đánh giá lại mô hình tổ chức hoạt động và đặt trong hệ sinh thái giáo dục mở.

 

Phiên họp lần thứ 4 năm 2029 của Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập suốt đời

Ngày 18.12.2019, Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập suốt đời (Tiểu ban GDTX HTSĐ) thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Hội đồng QGGD-PTNL) tổ chức phiên họp về giải pháp phát triển giáo dục thường xuyên trong giai đoạn mới (2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045).

Phiên họp do GS.TS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng Tiểu ban GDTX HTSĐ chủ trì. Tham dự Phiên họp có các Uỷ viên Hội đồng; các Uỷ viên Tiểu ban; các chuyên gia và đại diện lãnh đạo một số Sở GDĐT, trường ĐH và một số tổ chức quốc tế.

GS.TS. Phạm Tất Dong – Trưởng Tiểu ban đánh giá, thời gian qua, nước ta đã có được phong trào học tập trong nhân dân, dần hình thành mô hình cộng đồng học tập cấp xã; giáo dục người lớn trong hệ thống GDTX ngày càng được nhân dân cũng như chính quyền và Đảng bộ địa phương nhận thức đầy đủ và được xã hội quan tâm. Về phương diện xây dựng thiết chế giáo dục không chính quy gắn với cộng đồng, 5 năm qua, với sự nỗ lực của ngành giáo dục và Hội Khuyến học, về cơ bản đã phủ kín trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn xã, phường và thị trấn. Để lực lượng lao động có thể tham gia thị trường trong bối cảnh CMCN 4.0, phương sách duy nhất là đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời để phát huy năng lực lao động trí tuệ sáng tạo bằng một hệ thống giáo dục thông minh. Do vậy, đi tìm giải pháp thúc đẩy GDTX không còn ở bình diện vi mô, mà đã trở thành vấn đề mang tính vĩ mô, không còn là công việc của riêng ngành giáo dục và Hội Khuyến học, mà trở thành sự nghiệp giáo dục quốc gia.

GS.TS. Phạm Tất Dong cho rằng “phải đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời để phát huy năng lực lao động trí tuệ sáng tạo bằng hệ thống giáo dục thông minh”

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, Ủy viên Hội đồng QGGD-PTNL cho rằng, cần xác định lại đối tượng phục vụ của GDTX. Lâu nay quan niệm GDTX là cho người lớn, người thiệt thòi, người không vào được chương trình giáo dục chính quy. Nhưng nếu chương trình học ngắn, dễ dãi cả đầu vào lẫn đầu ra thì chỉ gây hại, khiến xã hội kỳ thị. Phải có sự thay đổi căn bản với phương thức học và thi của GDTX.

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

Theo TS. Nguyễn Công Hinh, Phó Trưởng Tiểu ban, nguyên Vụ trưởng Vụ GDTX, cần rà soát, đánh giá mô hình tổ chức hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), trên cơ sở đó đề xuất mô hình hoạt động phù hợp với giai đoạn tới (sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức hoạt động của TTHTCĐ). Hiện nay, cả nước có trên 11.100 TTHTCĐ, tuy nhiên, theo đánh giá chỉ khoảng 30 – 40% hoạt động tốt. Đã đến lúc nghiên cứu mô hình hoạt động khác để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm này. Không chỉ có TTHTCĐ, trên địa bàn hành chính cấp xã, có nhiều tổ chức có chức năng giáo dục thường xuyên như nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, bưu điện văn hóa xã.

Theo GS.TS. Phạm Tất Dong, có thể giảm đầu mối bằng cách sáp nhập thành một cơ sở giáo dục giống như Kominkan (Nhật Bản), đầu tư ngân sách nhà nước và vận động xã hội hóa, gọi tên là Cung (Trung tâm) Học tập suốt đời. Ở Việt Nam, nếu sáp nhập thành tổ chức chung nào đó thì vấn đề học tập suốt đời phải là chức năng lớn của tổ chức ấy.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến: “giáo dục thường xuyên mở, nói thì dễ, làm thì khó”

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, chuyên gia độc lập, tính mở là bản chất của GDTX, bởi lẽ GDTX đã góp phần dỡ bỏ nhiều rào cản đến với giáo dục như tuổi tác, trình độ, thời gian học, cách học, nơi học. Tuy nhiên, trong bối cảnh của giáo dục mở hiện nay gắn với các tài nguyên giáo dục mở (OER), các thực hành giáo dục mở (OEP), các khóa học trực tuyến mở đại chúng (MOOC), thì GDTX bước sang một giai đoạn phát triển mới, đó là GDTX mở. Tuy nhiên, về GDTX mở, nói thì dễ làm thì khó. Đó là vì cả chính sách và công nghệ thông tin, truyền thông, hai giải pháp chủ yếu để phát triển giáo dục mở, còn rất nhiều hạn chế trong GDTX.

Hệ sinh thái giáo dục mở chưa được quan tâm ở GDTX, chủ yếu do năng lực ở lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, nhìn ở góc độ của hệ sinh thái, GDTX mở rất cần sự phối hợp và hỗ trợ của giáo dục phổ thông và giáo dục đại học để cùng phát triển. Bên cạnh đó, cần có môi trường chính sách phù hợp cho hệ sinh thái giáo dục mở, trước mắt, tập trung nâng cao nhận thức của các bên liên quan về giáo dục mở; có chính sách nâng cao năng lực và động lực của đội ngũ nhà trường trong tạo lập, khai thác và sử dụng OER, OEP, MOOC; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp với yêu cầu phát triển của hệ sinh thái giáo dục mở; chính sách tài chính bảo đảm sự phát triển bền vững của hệ sinh thái giáo dục mở.

“GDTX là một lĩnh vực phức tạp do phải đáp ứng các nhu cầu rất đa dạng, khác biệt và biến động của người học là người lớn, từ người lao động đến người nghỉ hưu. Vì vậy, GDTX phải mang tính mở” – TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến nhận định. Điều đó đòi hỏi phải có cách tiếp cận mở tương ứng trong quản lý nhà nước về GDTX. Nghĩa là, thứ nhất phải có sự phối hợp liên ngành hiệu quả trong quản lý và cung ứng GDTX; thứ hai, huy động được sự tham gia và đóng góp thực chất của toàn xã hội, bao gồm các tổ chức xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng; thứ ba, có cơ chế, chính sách mở nhằm tạo môi trường minh bạch, dân chủ, khích lệ người lớn sẵn sàng đến với GDTX có chất lượng và hiệu quả; thứ tư, phát huy mạnh mẽ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trung tâm GDTX để thực sự là cơ sở giáo dục mở đối với người học…

PGS.TS. Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

Tại phiên họp, các đại biểu cùng trao đổi về định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển giáo dục thường xuyên giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045; đồng thời góp ý cho dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 49 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2020-2025 do Bộ GDĐT trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh văn phòng Hội đồng, phiên họp là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình hoạt động của Hội đồng năm 2019 nhằm tiếp tục chuẩn bị cho những văn kiện chính sách quan trọng về giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới, thực hiện triển khai Luật Giáo dục 2019.

Văn phòng Hội đồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *