Từ lâu, trong tư tưởng truyền thống của chúng ta luôn tồn tại một quan niệm: “Phúc địa phúc nhân cư, phúc nhân cư phúc địa”, nghĩa là đất phong thủy thì người ở có phúc, người có phúc ở đất nào cũng là đất phong thủy.
Ảnh minh họa: @Nishant Choksi
“Phúc địa phúc nhân cư”: đất phong thủy thì người ở có phúc, ý chỉ đất phong thủy không phải ai ở cũng có thể gặp được phúc, mà phải là người có phúc ở trên mảnh đất đó mới được gọi là “phúc địa”. Người mà không có phúc, nếu như ở đất đó ngược lại càng không tốt, không những không được phúc, mà còn tự hại đến bản thân mình.
“Phúc nhân cư phúc địa”: ý chỉ đối với người có phúc đức, cho dù ở trên mảnh đất nào cũng là đất phong thủy.
Phong thủy với con người có quan hệ mật thiết với nhau, một nơi phong thủy tốt hay không tốt, cần phải xem người xung quanh nơi mình ở có tốt hay không.
1. Phong thủy đầu tiên của con người: Tâm
Nuôi dưỡng một trái tim thiện lương.
Vũ Quả Tăng từng nói: thiện lương được ví như viên ngọc cực kì trân quý trong lịch sử xây dựng và phát triển của mỗi quốc gia, người thiện lương còn đáng coi trọng hơn cả người vĩ đại.
Người xưa có câu: nhân chi sơ, tính bản thiện, con người vừa mới sinh ra, bản tính luôn luôn là lương thiện.
Thiện lương là món quà quý giá mà thượng đế gửi tặng cho chúng ta, có cho đi thì mới được nhận lại, có yêu người thì người mới yêu ta, càng tích được bao nhiêu phúc thì càng phúc đức bấy nhiêu.
Làm việc thiện nhưng không cần báo đáp, bởi vì bản thân mỗi việc thiện mà chúng ta làm chính là tích thêm được một phần phúc đức vào lương tâm của chính mình, người hiểu được thiện lương, cuộc sống sẽ trở nên ấm áp vui vẻ hơn.
Làm việc ác cũng chẳng cần phải bị trừng phạt, bởi vì tâm của những người đó vĩnh viễn chìm trong băng giá, chẳng bao giờ có thể nếm được vị ngọt của sự ấm áp, đó cũng là một loại bi ai.
Con người có thể không sống trong vinh hoa phú quý, có thể không nổi danh, nhưng mất đi thiện lương chính là mất đi gốc rễ căn bản của con người, tựa như sông chảy mãi mà không có cội nguồn.
Giao trồng một hạt lương thiện, sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên hạnh phúc và tươi đẹp hơn .
Nuôi dưỡng một trái tim khoan dung.
Bởi vì hiểu được nên mới bi ai.
Ý nghĩa của khoan dung chính là đặt mình vào chỗ của người khác mà suy nghĩ.
Khi đặt bản thân mình vào chỗ của người khác cũng sẽ hiểu hơn về nỗi khổ riêng của họ.
Tâm cũng trở nên mềm mại hơn, bắt đầu bỏ qua cho lỗi sai của người khác, tha thứ cho những lỗi lầm của họ.
Khoan dung cũng có giới hạn của chính nó, hương vị của khoan dung cũng chính là một loại dịu dàng.
Một người không hiểu thế nào là khoan dung sẽ mất đi sự tôn trọng của người khác, nhưng ngược lại, một người quá khoan dung độ lượng đối với ai cũng khoan hồng tha thứ cũng sẽ mất đi sự tôn nghiêm của chính mình.
Nuôi dưỡng một trái tim biết khiêm tốn.
Khiêm tốn cũng là một cách nhìn nhận thế giới, người biết khiêm tốn nhất định là người đã được diện kiến một thế giới lớn hơn, họ biết được núi cao bao nhiêu, biển sâu nhường nào, họ không vì chút thành tựu bé nhỏ của mình mà kiêu ngạo, tự phụ.
Khiên tốn cũng là một loại năng lượng, đức tính khiêm nhường cũng giống như một cây cỏ dại, không cười nhạo thế giới bên ngoài, cũng không để ý đến sự châm chọc của xung quanh, tự bản thân âm thầm tích lũy năng lượng cho chính mình.
Khiêm tốn cũng là một sự bao dung, núi cao được đắp lên từ những viên đá nhỏ, biển rộng cũng bắt đầu tích lũy bằng những hạt nước con.
Vương Dương Minh đã nói: “Bệnh lớn nhất của con người, thứ nhất là lười, thứ hai là kiêu ngạo.”
Khiêm tốn một chút cũng chẳng ảnh hưởng đến ai, cũng chẳng hại đến bản thân mình.
2. Phong thủy thứ hai của con người: Miệng
Không vạch trần khuyết điểm của người khác.
Người sống nhờ mặt, cây sống nhờ vỏ.
Chẳng ai trong chúng ta là không yêu thể diện, tổn thương đến thể diện của người khác cũng chính là thương tổn đến trái tim của họ.
Đánh người đừng đánh vào mặt, chê người đừng chê chỗ xấu của họ.
Cười người hôm trước hôm sau người cười, làm người khác mất đi thể diện, cũng sẽ có người đến lấy thể diện của mình ra làm trò đùa.
Gặp người què đừng nói chân họ ngắn, gặp người béo đừng nhắc đến phì nhiêu.
Thêm một người bạn, thêm một con đường.
Người không giữ được mồm miệng của mình đâu đâu cũng gây thù chuốc oán, đường đời càng đi càng bế tắc.
Đừng khoác lác một cách bừa bãi.
Nước triệu có một vị tu sĩ ăn sóng nói gió, hắn tự xưng bản thân mình từng diện kiến qua Nữ Oa, Mộc Thiên Tử, Vương Mẫu Tây Trì, Thần Nông…đã tu được hàng ngàn kiếp.
Có một ngày, quốc vương nước Triệu ngã ngựa, thương thế không hề nhẹ, đại phu nói, cần phải có máu của người tu hành ngàn năm mới chữa khỏi, do đó Triệu Vương lệnh cho quân lính giết tu sĩ lấy máu. Tu sĩ đó nghe tin xong vội vàng chứng minh bản thân mình nói khoác, nhưng Triệu Vương không tin hắn, cho rằng hắn vì muốn bảo vệ mạng sống của mình nên nói dối, cuối cùng vẫn cứ giết vị tu sĩ đó.
Có rất nhiều người khi không có việc gì thường thích ngồi “chém gió”, dường như không ăn to nói lớn không thể hiện được bản lĩnh của chính mình.
Thế nhưng một khi người khác tin tưởng điều đó là thật, vậy thì nhất định phải trả giá cho điều đó. Bởi vậy, đừng bao giờ khoác lác một tấc đến giời.
Đừng nói những điều vô ích.
Mặc Từ từng trả lời học trò của ông ấy: “Lời nói không có trọng lượng thì nói để làm gì?”
Giống như ếch ngồi đấy giếng ngày ngày kêu, kêu đến mức khô rát cả cổ họng nhưng không có một ai chú ý đến. Thế nhưng gà trống, khi trời gần sáng sẽ bắt đầu gáy, mọi người khi nghe thấy tiếng gà gáy thì biết trời sắp sáng, bởi vậy tự nhiên sẽ chú ý đến nó nhiều hơn.
Trong cuộc sống, người có hiểu biết sâu rộng, uyên thâm mới nhận được nhiều hoan nghênh, nói chuyện rỗng tuếch chỉ khiến bản thân mình bị người khách ghét bỏ.
Thực tế chứng minh, bất kể một ngôn từ nào, một sự vật nào bản thân đều cần phải nắm vững vàng, như vậy lời nói ra mới có trọng lượng, mới tăng thêm khả năng thuyết phục với mọi người.
3. Phong thủy thứ ba của con người: Hành vi
Không nên đi đường tắt.
Đời người đương nhiên luôn tồn tại những lối tắt, không cần phải cố gắng quá nhiều, đã có thể đến được bến bờ hạnh phúc, thế nhưng đường tắt đi quen chân rồi, con người sẽ mất đi khả năng trèo đèo lội suối.
Đi đường tắt là một loại kĩ xảo, nhưng leo trèo lại là kĩ năng.
Trên thế giới này, đa phần đường là gặp ghềnh, khúc khuỷu, chứ không thẳng tắp, nuột nà.
Cao ốc cũng khởi đầu từ tầng trệt, sóng đại dương bao la có to bao nhiêu cũng bắt đầu từ lòng biển, con người cũng thế cần một chút một chút tích lũy riêng cho bản thân mình.
Đi đường gập ghềnh quen rồi, đôi lúc đi đường tắt, thấy thật dễ dàng. Thế nhưng đường tắt đi quen rồi, quay lại đi đường khúc khuỷu, chính là lại oán thán với ông trời.
Không vì lợi ích của mình mà tổn thương đến người khác.
Đừng nghĩ rằng làm việc xấu dù nhỏ cũng có thể chấp nhận được, cũng đừng nghĩ rằng việc chỉ có lợi ích nhỏ không làm cũng chẳng sao.
Làm việc thiện tựa như leo núi, làm việc ác giống như tụt dốc không phanh. Hướng thiện rất khó, nhưng làm ác thì cực dễ dàng.
Giữa con người với con người đều là tương trợ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, chân thành với nhau.
Chẳng ai trong số chúng ta là kẻ ngốc, chúng ta đối với người như thế nào, người ta sẽ cư xử lại với chúng ta như thế.
Đừng nghĩ rằng bản thân đã kiếm được lợi rồi, thực ra đã bị lỗ nặng trên chính con đường mình đi sau này. Chỉ sợ rằng đến nằm mơ ban ngày cũng sẽ bị tòa án lương tâm tố tội.
Đừng bao giờ vì lợi ích nhỏ mà đánh mất chính bản thân mình.
Trên đời chẳng có bữa ăn nào miễn phí cả, ông trời để rớt miếng bánh xuống nhân gian chắc gì đã rơi trúng đầu chúng ta.
Đằng sau những lợi ích cỏn con đó, nhất định ẩn chứa một cái giá cực kì đắt.
Bất kể lúc nào cũng cần phải nhỡ kĩ, việc dễ dàng chẳng bao giờ đến lượt mình làm.
Không kiếm những lợi ích nhỏ, cũng là một loại tu dưỡng. Tả Tông Đường từng nói: “Kẻ mà chỉ biết kiếm lợi nhỏ, đừng bao giờ kết giao tiền tài với họ.”
Chiếm được chút lợi ích cỏn con đó, lại mất đi sự tín nhiệm của mọi người, lợi bất cập hại, được nhiều hơn hay mất nhiều hơn?
Có những lúc, không ngại nhường người một bước, ai ai cũng có cán cân trong lòng họ, lâu dần lâu dần, mọi người sẽ tôn trọng cách đối nhân xử thế đó của chúng ta. Đôi lúc chịu thiệt một chút lại là phúc, đừng vì lợi ích nhỏ mà đánh mất tôn nghiêm của mình, cũng chính là một loại thông tuệ của con người.
(Bài: Thu Minh Nguồn: Trí Thức Trẻ)