Đổi mới quản lý cơ sở giáo dục phổ thông công lập theo hướng tự chủ

VP HĐQGGDPTNL – Ngày 30/8/2018, Tiểu ban giáo dục phổ thông thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã tổ chức phiên họp để xin ý kiến thành viên Tiểu ban và các chuyên gia những vấn đề về quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông công lập cần thiết phải đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi tới đây. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ – Trưởng Tiểu ban chủ trì phiên họp.

Phiên họp Tiểu ban giáo dục phổ thông

Tham dự phiên họp có sự tham gia của các ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Hội đồng); các ủy viên Tiểu ban giáo dục phổ thông; lãnh đạo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; các Sở Giáo dục và Đào tạo: Hà Nội, Lào Cai, Bắc Ninh; các cơ sở giáo dục phổ thông: THPT Vùng cao Việt Bắc, THPT Chuyên Tuyên Quang; THPT Chuyên Hà Nam; THPT Phan Huy Chú – Hà Nội, THCS Nguyễn Thiện Thuật – Hưng Yên, Tiểu học Nam Từ Liêm – Hà Nội.

Phát biểu đề dẫn tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nêu 3 nội dung quan trọng cần xin ý kiến Tiểu ban và các chuyên gia, gồm: Đổi mới quản lý hoạt động giáo dục trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập theo hướng tự chủ; Đổi mới quản lý tài chính, tài sản trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập theo hướng tự chủ; Đổi mới quản lý tổ chức, nhân sự trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập theo hướng tự chủ.

Thành viên Tiểu ban giáo dục phổ thông

Các đại biểu tham dự cơ bản tán thành với việc giao quyền tự chủ sẽ giúp các cơ sở giáo dục phổ thông hoạt động một cách có hiệu quả và đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi của xã hội. Giao quyền tự chủ cao hơn, là yếu tố then chốt tạo ra chất lượng giáo dục và đa dạng hóa sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả.

Đổi mới quản lý hoạt động giáo dục

Về đổi mới quản lý hoạt động giáo dục trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập theo hướng tự chủ, đại biểu đến từ các trường phổ thông đã đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý các hoạt động giáo dục của chính các cơ sở thực tiễn đang được giao trọng trách quản lý và đề xuất nhiều ý kiến giá trị về đổi mới quản lý hoạt động theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền. Theo ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Lào Cai: trong các nội dung đổi mới quản lý hoạt động các cơ sở giáo dục phổ thông công lập theo hướng tự chủ, thì việc tự chủ về chương trình giáo dục nhà trường là nội dung quan trọng nhất (bao gồm khung chương trình, các môn học và hoạt động giáo dục). Các đại biểu tham dự đồng thuận, nếu làm được như vậy sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn dân.

Đại biểu tham dự

Đổi mới quản lý tài chính, tài sản

Về đổi mới quản lý tài chính, tài sản trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập theo hướng tự chủ, các đại biểu nêu thực trạng khó khăn về việc quản lý tài chính, tài sản của các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay và cùng nhất trí cho rằng không nên quy định mức trần học phí; không nên quy định cứng nhắc mức thu học phí, nhà trường được quản lý, sử dụng các khoản thu để chi thường xuyên theo quy định.

Đại biểu tham dự

Theo ông Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, ngôi trường đã và đang thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ trong những năm vừa qua, cần có chính sách cụ thể cho phép các trường tự chủ được giao dịch qua tài khoản ngân hàng và thực hiện các giao dịch thu chi; quy định rõ người đại diện hợp pháp sở hữu về cơ sở vật chất, và những quy định kèm theo trong việc sử dụng tài sản, tài chính; sử dụng kinh phí để chi trả cho cán bộ giáo viên theo năng lực; được phép tự chủ mua sắm tài sản, cơ sở vật chất; tự chủ trong đầu tư, xã hội hóa, huy động vốn, cho thuê, cho vay, những quy định thu – chi theo đề án được phê duyệt; tự chủ về tài chính nhưng gắn với trách nhiệm giải trình công khai minh bạch.

Đại biểu tham dự

Đổi mới quản lý tổ chức, nhân sự

Đối với vấn đề đổi mới quản lý tổ chức, nhân sự trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập theo hướng tự chủ được các đại biểu quan tâm và có nhiều ý kiến sâu sắc. Theo GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Ủy viên Hội đồng, Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội, cần có chế tài đủ mạnh đối với hiệu trưởng, về tiêu chí bầu, thi tuyển với những tiêu chuẩn cụ thể là cách làm tiến bộ kèm theo một kế hoạch phát triển; xác định đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng giáo dục trong tổ chức, nhân sự và các mặt hoạt động của Nhà trường.

GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Ông Nguyễn Quang Tuấn, trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội kiến nghị: nên giao hiệu trưởng được quyền tuyển dụng, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật…; được quyền chi trả lương và đãi ngộ với cán bộ, giáo viên theo năng lực; nâng cao vai trò của Hội đồng trường để có thể tham gia điều hành và giám sát các hoạt động của Hiệu trưởng.

Đại biểu tham dự

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, góp ý bằng văn bản và gửi về Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực để tổng hợp; Các ý kiến chuyên gia sẽ được gửi tới Ban soạn thảo để tiếp tục tiếp thu và hoàn thiện nội dung về giáo dục phổ thông trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi trình Quốc hội kỳ họp tới.

Văn phòng Hội đồng QGGD&PTNL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *