Định hướng mục tiêu và giải pháp cho giáo dục thường xuyên trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045

Mục tiêu tổng quát của định hướng phát triển GDTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển cả về quy mô và chất lượng để mọi người dân đều có cơ hội học tập suốt đời

 

Ngày 16/7/2020, Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời (Tiểu ban GDTXHTSĐ) thuộc Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Hội đồng) tổ chức phiên họp thứ 2 năm 2020 với chủ đề “Định hướng mục tiêu và giải pháp cho giáo dục thường xuyên trong Chiến lược giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ và GS.TS. Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban GDTXHTSĐ chủ trì phiên họp.

Theo PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ GDTX, những năm qua GDTX
đã được quan tâm đầu tư và phát triển

Tại phiên họp, Vụ GDTX đã trình bày báo cáo Kết quả thực hiện các mục tiêu Chiến lược GDTX giai đoạn 2011-2020 và định hướng phát triển GDTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 và Các chỉ số phát triển GDTX. Những năm qua, GDTX đã được quan tâm đầu tư và phát triển. Cấu trúc hệ thống GDTX thay đổi theo hướng hoàn chỉnh, đa dạng, mềm dẻo, phù hợp với kinh tế thị trường. Đến nay đã xây dựng được hệ thống mạng lưới tổ chức cơ sở GDTX đa dạng và rộng khắp trên địa bàn cả nước. Xét về tổng thể, sau 9 năm thực hiện Chiến lược phát triển GDTX giai đoạn 2011 – 2020, hệ thống cơ sở GDTX phục vụ việc học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân ngày càng được kiện toàn, quy mô được duy trì và phát triển. Các cơ sở nòng cốt của GDTX bao gồm trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng và trung tâm ngoại ngữ – tin học ngày càng mở rộng độ bao phủ, phát triển từ 13.609 cơ sở vào năm 2010 – 2011 lên 15.560 cơ sở vào năm 2018 – 2019 (tăng 1951 cơ sở, tương đương hơn 11%), thu hút hơn 177 triệu lượt người tham gia học tập; Việt Nam về cơ bản đạt được mục tiêu xóa mù chữ…

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, GDTX còn tồn tại nhiều bất cập, điển hình như: Chiến lược phát triển GDTX chưa được nhận thức đẩy đủ, đúng đắn trong hệ thống chính trị; quy mô phát triển GDTX còn mang tính tự phát, thiếu tính chiến lược dẫn tới thừa, thiếu mất cân đối cục bộ tại các địa phương; Chất lượng GDTX còn hạn chế, các điều kiện đảm bảo chất lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của GDTX ở nhiều địa phương, cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu; Việc huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào các hoạt động GDTX còn yếu; Một số địa phương chưa quan tâm đến việc học tập của người lớn, xây dựng XHHT; Công tác tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT ở một số nơi, nhất là cấp cơ sở vẫn còn hạn chế cả nội dung và hình thức…

GS.TS. Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban GDTXHTSĐ cho rằng: GDTX vừa qua đã được đưa vào Luật Giáo dục (sửa đổi) như một hệ thống. Hệ thống ấy nếu không được tổ chức chặt chẽ, không có chính sách phát triển thì khó lòng phát triển bền vững, lâu dài.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, để chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển GDTX mới, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, cần xem xét, đánh giá một cách khoa học những mặt đạt được và chưa được, những khó khăn, trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược GDTX giai đoạn 2011 – 2020. Các chuyên gia cũng cho rằng, trong giai đoạn mới phải xem xét GDTX trong bối cảnh giáo dục mở, và chuyển đổi số…

GS.TS. Nguyễn Lân Dũng, Uỷ viên Hội đồng phát biểu tại phiên họp

Phiên họp tập trung thảo luận, góp ý về Bộ chỉ số chiến lược, định hướng mục tiêu và giải pháp cho GDTX trong Chiến lược giai đoạn 2021-2030.

Về Bộ chỉ số chiến lược, các chuyên gia cơ bản nhất trí với các chỉ số liên quan đến GDTX được đề xuất trong Bộ chỉ số phát triển giáo dục cơ bản do Thường trực Tổ biên tập Chiến lược Giáo dục xây dựng, tuy nhiên cần lưu ý thêm: Các chỉ số được đặt ra cần rõ về nội hàm khái niệm, cần gắn với các mốc thời gian, các thời khoảng theo tiêu chí của một chỉ số thống kê và đảm bảo tính khả thi trong thu thập thông tin đánh giá; Các chỉ số về các kĩ năng cần để mở, được bổ sung hàng năm (không nên chỉ tập trung vào kỹ năng ngoại ngữ và công nghệ thông tin còn các kỹ năng mềm khác rất cần cho công việc, cuộc sống, nên lựa chọn và bổ sung).

Về các mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể đối với phát triển GDTX trong Chiến lược Giáo dục giai đoạn 2021 – 2030, các đại biểu thống nhất cho rằng, mục tiêu chiến lược phải được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu sâu sắc về cả lý luận và thực tiễn; đảm bảo sự cân bằng giữa các mục tiêu, chỉ số phát triển GDTX truyền thống với các mục tiêu, chỉ số đổi mới, tiệm cận quốc tế. Các mục tiêu phải phản ánh đúng vai trò, quy mô và tầm vóc của GDTX trong giai đoạn mới, khả thi, và có thể đo lường, giám sát được.

Theo Ông Nguyễn Hồng Hải, Tổng Giám đốc Bình Minh Group, mục tiêu phát triển GDTX đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 cần phải xác định rõ GDTX sẽ dạy ai và dạy những gì trong giai đoạn mới? không nhầm lẫn mục tiêu của GDTX sang GDPT hay GDNN. Mục tiêu tổng quát của GDTX cũng cần thể hiện được tính mở, tính linh hoạt trong nội dung giáo dục và phương thức giáo dục.

Về các mục tiêu cụ thể, theo Ông Lê Trung Nghĩa, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết: GDTX phải gắn với trường đại học vì trường đại học có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số. Cần phải có tư duy về “Chuyển đổi số trong giáo dục thường xuyên”, nếu không thì người dân không tiếp cận được với CMCN 4.0. Có chính sách truy cập mở cấp quốc gia tới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu khoa học.

Đối với các giải pháp cơ bản để thực hiện các mục tiêu dự kiến nêu trên về phát triển GDTX trong Chiến lược Giáo dục giai đoạn 2021 – 2030, các đại biểu cơ bản nhất trí với 5 giải pháp cơ bản như trong Dự thảo và đề xuất bổ sung thêm giải pháp tài chính, cần khẳng định đây là chính sách của Nhà nước ưu tiên phát triển GDTX đã được quy định trong Luật Giáo dục 2019; Cần tập trung vào xây dựng các mô hình học tập như “Công dân học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và huyện, tỉnh, thành phố học tập sẽ đánh giá được mức độ thành công của giáo dục cả chính quy và đặc biệt GDTX.

Ông Dương Trung Quốc, Uỷ viên Hội đồng, thành viên Tiểu ban GDTXHTSĐ, nên suy nghĩ để xã hội hoá, huy động người dân đóng góp, xây dựng xã hội học tập ngay trong dân, phục vụ nhân dân, đó chính là GDTX.

Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến để chọn lọc đưa vào chiến lược, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, Bộ cũng như Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đang đánh giá lại việc thực hiện Chiến lược Giáo dục trong 10 năm vừa qua, và xây dựng Chiến lược Giáo dục giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các Tiểu ban của Hội đồng đều tham gia xây dựng dự thảo. Với GDTX, nhiệm vụ được đặt ra là thực hiện xóa mù chữ cho người trong độ tuổi theo quy định pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc; cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho mọi người; tạo cơ hội cho người có nhu cầu học tập nâng cao trình độ học vấn… Để thực hiện được các nhiệm vụ ấy, trong giai đoạn mới, cần tăng cường, có nhận thức mới về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GDTX, từ đó xác định chỉ tiêu phấn đấu, mục tiêu nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để phát triển GDTX trong giai đoạn tới.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ giao các đơn vị chuyên môn của Bộ GDĐT tổng hợp và hoàn thiện các chỉ số liên quan đến GDTX trong Bộ chỉ số phát triển giáo dục cơ bản để phục vụ quản lý ngành do Thường trực Tổ biên tập Chiến lược Giáo dục xây dựng.

Đại biểu tham dự phiên họp

 

 

Văn phòng Hội đồng
(Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *