Định hướng mục tiêu và giải pháp cho giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 – 2030 Giải pháp đột phá vẫn là yếu tố con người

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, nếu phải chọn giải pháp đột phá cho giáo dục phổ thông giai đoạn tới thì đó vẫn là chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Cùng một chỉ đạo nhưng mỗi nhà giáo hay cán bộ quản lý giáo dục sẽ có cách làm khác nhau và cho ra sản phẩm khác nhau.

Sáng 25.6, Tiểu ban Giáo dục phổ thông, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã họp cho ý kiến về định hướng mục tiêu và giải pháp cho giáo dục phổ thông trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020, giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, chất lượng giáo dục được cải thiện, một số mục tiêu đã đạt và vượt. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu vẫn chưa được thực hiện bảo đảm tiến độ, các giải pháp thiếu đồng bộ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì phiên họp

Giai đoạn 2021 – 2030, giáo dục Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức từ xu hướng phát triển nhanh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Do đó, một số mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp của Chiến lược phát triển giáo dục cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Các ý kiến tại phiên họp đều cho rằng, mục tiêu giáo dục phổ thông giai đoạn tới đã được quy định rõ tại Điều 2, Luật Giáo dục năm 2019, đó là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam. Đây là sự thay đổi cực kỳ quan trọng, trở lại cái đích của giáo dục phổ thông là giáo dục nền tảng. Từ đó, trong chiến lược cần nêu bật những việc chúng ta phải ưu tiên để tạo ra đột phá phát triển giáo dục – đào tạo Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), trong chiến lược phải làm nổi bật những cái cần ưu tiên để tạo ra đột phá cho giáo dục Việt Nam

Trong số 9 nhiệm vụ, giải pháp Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất để thực hiện được các mục tiêu giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045, nhiều đại biểu quan tâm đến việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó có đổi mới cơ chế quản lý trường phổ thông, khuyến khích các trường xây dựng kế hoạch phát triển chương trình giáo dục nhà trường; đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, trong mọi trường hợp phải lấy chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục làm đột phá. Bởi cùng một văn bản chỉ đạo nhưng khi về đến các nhà trường, mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục sẽ có cách làm khác nhau và cho ra sản phẩm khác.

Nhiều đại biểu quan tâm đến việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ đối với các cơ sở giáo dục phổ thông

Phiên họp cũng cho ý kiến về bộ chỉ số cơ bản phát triển giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045, với 3 nhóm chỉ số về tiếp cận giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng và chất lượng giáo dục. Các đại biểu cho rằng, bộ chỉ số cần có tính khái quát hơn, đề cập được nhiều khía cạnh hơn của giáo dục phổ thông. Một số chỉ số nên cân nhắc điều chỉnh để phù hợp với các quy định trong Luật Giáo dục 2019. Đồng thời đề nghị bổ sung một số chỉ số như chuẩn về cơ sở vật chất…

Nhật Linh
(Báo Đại biểu nhân dân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *