Đề xuất 7 vấn đề ưu tiên cho giáo dục phổ thông 2017

VP HĐQGGD – Chiều 13/9/2017, tại Bộ GD&ĐT, Tiểu ban giáo dục phổ thông thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (HĐQGGD&PTNL) đã họp phiên thứ nhất để đề xuất, thảo luận các vấn đề ưu tiên của giáo dục phổ thông trong năm 2017 và đề xuất chương trình công tác giai đoạn 2018-2021. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên thường trực HĐQGGD&PTNL chủ trì cuộc họp.

 Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ; Văn phòng Hội đồng, lãnh đạo các đơn vị: Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở Giáo dục, Vụ Kế hoạch tài chính, Cục Kiểm định chất lượng, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chuyên viên các đơn vị có liên quan; Về phía đại biểu mời tham dự: Đại diện Văn phòng Chính phủ, một số Ủy viên Hội đồng, 12 thành viên trong Tiểu ban và các chuyên gia.

Thực hiện quan điểm chỉ đạo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông và Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo nỗ lực thực hiện công tác chuẩn bị, nghiên cứu, lấy ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học, giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương, ý kiến các giáo viên trực tiếp giảng dạy đã tổng hợp hơn 200 ý kiến tích cực cho đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí về cơ bản và cho rằng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã quán triệt các quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, thể hiện quyết tâm đổi mới của lãnh đạo ngành Giáo dục. Bên cạnh các ý kiến đồng thuận nhất trí, có một số ý kiến đề nghị giải thích, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã giải trình và nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trình Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhất trí thông qua.

Theo đó, 7 vấn đề ưu tiên được Tiểu ban đưa ra thảo luận ở phiên họp thứ nhất của Tiểu ban giáo dục phổ thông là: xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới và các điều kiện triển khai, trong đó đặc biệt là đội ngũ giáo viên, các bộ quản lý giáo dục và trường lớp, thiết bị dạy học; đổi mới cơ chế quản lý các trường phổ thông theo hướng tăng cường tự chủ cho các trường; số lượng/chất lượng đào tạo giáo viên và chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đối với nhà giáo; thực hiện giáo dục hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông, đặc biệt là phân luồng sau trung học cơ sở; giáo dục đạo đức lối sống; các giải pháp hạn chế bạo lực học đường, tai nạn thương tích/đuối nước; dạy thêm/học thêm, lạm thu không đúng quy định; Tiểu ban đề xuất một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục (Bộ GDĐT đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội năm 2018); giải pháp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng chống bạo lực học đường.

Giai đoạn 2018 – 2021, Tiểu ban giáo dục phổ thông xác định các vấn đề cần ưu tiên cho giáo dục phổ thông, bao gồm: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho các đối tượng học sinh đặc biệt, ở vùng dân tộc thiểu số. Mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động và các giải pháp quản lí chất lượng các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa; giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới; sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục (về giáo dục phổ thông); đánh giá thực hiện chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 – 2020 và xây dựng chiến lược giai đoạn 2021 – 2030; giáo dục phổ thông trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển chương trình giáo dục phổ thông trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0; Mô hình nhà trường phổ thông trong thời kỳ của cách mạng công nghiệp 4.0; Phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục phổ thông trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên thường trực HĐQGGDPTNL đã kết luận các nhóm vấn đề trọng tâm cho phát triển giáo dục phổ thông, Bộ trưởng nhấn mạnh: tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học giáo dục, đặc biệt nghiên cứu tâm lý học lứa tuổi học sinh các bậc học phổ thông, từ đó đưa ra các phương pháp giáo dục phù hợp, “khắc phục hiện tượng, hành vi bạo lực học đường, đạo đức, lối sống...”; về chương trình môn học xây dựng theo hướng tinh gọn, tích hợp, không dồn nén nhiều nội dung trong một thời lượng ít, người biên soạn có năng lực đổi mới theo tinh thần chương trình tổng thể; đổi mới phương pháp giảng  dạy, hướng dẫn cho học sinh cách học, chủ động, tích cực, khám phá, chiếm lĩnh tri thức, khắc phục tình trạng dạy học nặng nề truyền thụ nội dung kiến thức, gây quá tải, góp phần hạn chế học thêm, dạy thêm.

Về cơ chế quản lý các trường phổ thông, Bộ GDĐT đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Nghị định thay thế Nghị định 115, các nhà trường được tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính; dần hướng tới kiểm định độc lập ở các cơ sở giáo dục, Bộ xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng nhà trường, quy định mức tiêu chuẩn để mỗi nhà trường biết mình đang ở mức nào so với các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Để chấn chỉnh hiện tượng dạy thêm và học thêm, Bộ GDĐT đang tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm; Bộ trưởng chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng các quy định về quản lý tài chính trong các trường phổ thông, tăng cường kiểm tra công tác thu đầu năm học và kiểm tra xử lý các khoản thu không đúng quy định nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học; vấn đề bạo lực học đường, nề nếp kỉ cương, tầm vóc, phòng chống tai nạn thương tích/đuối nước cho học sinh, Bộ trưởng đã nhấn mạnh và chỉ đạo sâu sát.

Ngoài ra, Bộ trưởng chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông ở các cơ sở giáo dục, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông nhằm tăng cường hiểu biết về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, sự nghiệp Giáo dục là của toàn hệ thống và của toàn dân, để đảm bảo sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà buộc chúng ta phải chung sức, truyền thông mạnh mẽ. Truyền thông cần được xem là nhiệm vụ của các thầy cô, mỗi một giáo viên là một “sứ giả” truyền thông tích cực nhất.

Văn phòng Hội đồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *