Đề xuất 2 vấn đề ưu tiên cho giáo dục mầm non năm 2017

VP HĐQGGD – Chiều 12/9, tại Bộ GD&ĐT, Tiểu ban Giáo dục Mầm non thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (HĐQGGD&PTNL) đã họp phiên thứ nhất để đề xuất, thảo luận các vấn đề ưu tiên của giáo dục mầm non trong năm 2017 và giai đoạn 2018-2021. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên thường trực HĐQGGD&PTNL chủ trì cuộc họp.

 

Vấn đề ưu tiên của giáo dục mầm non năm 2017, Tiểu ban đưa ra 2 vấn đề về quản lý chất lượng đào tạo giáo viên mầm non ở Việt Nam và giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Theo đó, vấn đề  được đưa ra thảo luận trong phiên họp thứ nhất của Tiểu ban Mầm non là xã hội hóa giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non Việt Nam. Các giải pháp xã hội hóa được Tiểu ban xác định là: Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non; phát triển đội ngũ; phát triển mô hình và các chương trình giáo dục mầm non; tăng cường nguồn lực tài chính; đánh giá, kiểm định công nhận chất lượng giáo dục mầm non…

Các thành viên Tiểu ban Mầm non đưa ra thực tế, hiện nay vấn đề đào tạo không dựa vào quy hoạch giáo dục mầm non, nhu cầu về đội ngũ giáo viên mầm non; đào tạo không gắn với thực tiễn; các cơ sở đào tạo thiếu và yếu các điều kiện đảm bảo chất lượng; đặc biệt, chất lượng đào tạo đang bị buông lỏng… dẫn tới chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non và nhu cầu xã hội.

Đồng thuận với những ý kiến của các thành viên Tiểu ban đưa ra, Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ đưa ra vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: “Cần xây dựng kế hoạch và triển khai đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non và hội nhập quốc tế”.

Các thành viên trong Tiểu ban mầm non nhận định, những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu về giáo dục mầm non ở các khía cạnh, kể cả những nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, để có được cái nhìn tổng thể về giáo dục mầm non nước nhà, dự báo được xu hướng phát triển giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng, TS.Bs. Nguyễn Ngọc Hiền, Trường Đại học Sư phạm Vinh nhận định:  “cần có một Nghiên cứu, báo cáo tổng thể thực trạng và dự báo xu hướng phát triển giáo dục mầm non ở Việt Nam”; nghiên cứu chương trình giáo dục mầm non trong mối quan hệ với chương trình đổi mới giáo dục phổ thông tổng thể. Từ đó, xây dựng những giải pháp, chính sách đồng bộ giúp cải thiện hệ thống giáo dục mầm non nói riêng và đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo nói chung.

Tiểu ban xác định các giải pháp về quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non; xây dựng chuẩn chất lượng đào tạo và đánh giá khách quan, kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo giáo viên mầm non các trình độ; đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên mầm non chất lượng; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên các cơ sở đào tạo; đổi mới quản trị theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội và tăng cường trách nhiệm giải trình…

Đối với vấn đề an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, Tiểu ban đưa ra các giải pháp về hoàn thiện các quy định pháp lý, tăng cường năng lực đảm bảo an toàn và phòng chống bạo lực đối với trẻ cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non thông qua đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo an toàn cho trẻ; nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý bên trên, bên ngoài, tự kiểm tra, giám sát của giáo viên mầm non, nhân viên bên trong; cơ chế tham gia của gia đình, cộng đồng đảm bảo an toàn trong chăm sóc, giáo dục trẻ, PGS.TS. Bùi Thị Lâm, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đưa ra các giải pháp “phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và các dịch vụ chăm sóc giáo dục trẻ. Chú ý các dịch vụ đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng khác nhau, vùng khó khăn, vùng thuận lợi, trường chất lượng cao, dịch vụ cho cha mẹ, dịch vụ phát hiện sớm can thiệp sớm trẻ khuyết tật…”. Tiểu ban cũng đưa ra vấn đề mà giáo dục mầm non tới đây đặc biệt quan tâm là các giải pháp xã hội hóa giáo dục trong chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 3 tuổi; “tham mưu cho Chính phủ các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng đẩy mạnh đầu tư vào cấp học mầm non, khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào những trường chất lượng cao theo hướng hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tham gia vào phát triển sự nghiệp giáo dục mầm non, ý kiến PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Anh, phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm trung ương Thành phố Hồ Chí Minh.

Giai đoạn 2018-2021, Tiểu ban Mầm non xác định 3 vấn đề cần ưu tiên tập trung cho giáo dục mầm non, bao gồm: Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và các dịch vụ chăm sóc, giáo dục trẻ; phát triển chương trình giáo dục mầm non. 

 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên thường trực HĐQGGD&PTNL cho rằng, những vấn đề Tiểu ban Mầm non đưa ra cũng chính là những vấn đề mấu chốt đặt ra với giáo dục mầm non hiện nay và trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Bộ trưởng, mặc dù đã được quan tâm trong vài năm trở lại đây nhưng mầm non vẫn là bậc học còn nhiều khó khăn nhất, chất lượng của bậc học cũng còn thấp, đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế, nhiều vấn đề gây dư luận xã hội cũng xuất hiện từ bậc học này.

Với tầm quan trọng của bậc học đầu đời, là nền tảng cho những bậc học tiếp theo, Bộ trưởng đề nghị Tiểu ban Mầm non cũng như các chuyên gia, đơn vị chức năng của Bộ cần tập trung rà soát chuẩn trẻ để có được bộ tiêu chuẩn với những tiêu chí phù hợp theo từng lứa tuổi, trong đó lưu ý tới phát triển cả về thể chất và tinh thần cho trẻ.

Về đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng yêu cầu sớm rà soát để xây dựng được chuẩn giáo viên mầm non với các tiêu chí phù hợp với mức độ đánh giá và nhu cầu thực tiễn. Từ chuẩn này sẽ xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp, trong đó hướng tới việc giáo viên mầm non phải được đào tạo thấp nhất ở trình độ cao đẳng. Bên cạnh đó cần tính toán cung cầu đội ngũ để khống chế số lượng đào tạo cũng như kiểm soát việc thừa thiếu giáo viên.

Bộ trưởng cũng lưu ý tới vấn đề đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục mầm non. Trong đó, cần tiếp tục có những nghiên cứu, bổ sung, tư vấn nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như tạo động lực để các nhà đầu tư tham gia ngày càng nhiều vào giáo dục mầm non. Đặc biệt, cần có những nghiên cứu tác động và đề xuất cơ chế để có thể chuyển các trường mầm non công lập sang tư thục.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị Tiểu ban Mầm non và các đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục hoàn thiện các giải pháp về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, kèm theo là nâng cao đời sống cho đội ngũ này và các giải pháp về đảm bảo an toàn cho trẻ.

Văn phòng Hội đồng

Phản hồi:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *