Đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục đại học: Thuận lợi, khó khăn và giải pháp

Ngày 19/11/2020, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp chuyên đề của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực về: “Tự chủ trong giáo dục đại học: Thực trạng, khó khăn và giải pháp”

 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, Trưởng Tiểu ban giáo dục đại học chủ trì phiên họp

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá, tự chủ giáo dục đại học (GDĐH) đã được thực hiện từ năm 2015, sau khi có Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ; đặc biệt từ khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật 34. Trong quá trình triển khai thực hiện, có những vướng mắc liên quan tới các cơ quan quản lý; đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa được sửa đổi, bổ sung; quản trị tài chính.

Nhìn lại quá trình thực hiện Luật 34, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu thảo luận, trao đổi, đề xuất về việc kiện toàn hệ thống quản trị của nhà trường, mô hình tổ chức và phát triển đội ngũ; những điểm chưa phù hợp trong giao thoa giữa hai Luật 34 và Luật Công chức viên chức; đặc biệt trách nhiệm giải trình và điều kiện đảm bảo chất lượng; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát chất lượng; hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức khoa học công nghệ.

“Tất cả những vấn đề này hết sức quan trọng và thiết thực đối với tự chủ. Những thảo luận là cơ sở xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Bộ GDĐT, các bộ ngành, địa phương, các cơ sở GDĐH, triển khai những chính sách, văn bản pháp luật hiện có, đồng thời, có những đề xuất, kiến nghị mới tới Chính phủ, các bộ ngành để xây dựng văn bản, chính sách mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh, đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung các vấn đề cấp thiết.

PGS.TS. Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ GDĐH phát biểu tại phiên họp

Báo cáo về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả tự chủ GDĐH, Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thuỷ, cho biết, các trường bước đầu đạt một số kết quả đáng khích lệ, giảm thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong mọi hoạt động, từ đào tạo và nghiên cứu khoa học đến tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chín. Cũng chính trong các hoạt động này, công tác tự chủ còn có những vướng mắc, khó khăn nhất định. Trong đó, có thể kể đến sự chưa đồng bộ của hệ thống cơ chế chính sách; nhận thức của một số trường về tự chủ và năng lực quản lý điều hành của một số cán bộ quản lý còn hạn chế; tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh. Để khắc phục vướng mắc trong thực trạng hiện nay, Vụ GDĐH đã đề xuất một số giải pháp, đối với Chính phủ, Bộ GDĐT, các bộ, ngành, cơ quan quản lý trực tiếp và cơ sở GDDH.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại phiên họp

Nhiều ý kiến nhận định, thực tế cho thấy việc thực hiện tự chủ tại các trường bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường. Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các trường đã có những thành tựu nhất định và được xã hội công nhận…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện tự chủ cũng còn nhiều khó khăn và vướng mắc về hệ thống cơ chế chính sách vẫn chưa đồng bộ; một số trường chưa nhận thức sâu sắc về tự chủ đại học, chưa gắn tự chủ đại học với quá trình đổi mới quản trị đại học; tiềm lực tài chính các trường đại học tự chủ của Việt Nam chưa đủ mạnh để phát triển bền vững; năng lực quản lý, điều hành của một số cán bộ quản lý còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao.

PGS.TS. Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch HĐT Đại học Y-Dược TP. Hồ Chí Minh, Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phát biểu tại phiên họp

Từ thực tiễn triển khai tự chủ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho rằng, con người là yếu tố quan trọng nhất, đảm bảo sự thành công của cải cách và phải tạo ra sự đồng thuận không những trong trường mà phải ở các bên liên quan. Cải cách GDĐH là quá trình để thích ứng với yêu cầu về đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên số. Đây là việc làm cấp bách nhưng cái khó lớn nhất là tư duy của con người. Vì vậy, truyền thông cần đi trước để thay đổi tư duy và tận dụng mọi nguồn lực cho cải cách.

Trao đổi tại phiên họp, PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y-Dược TP.Hồ Chí Minh, Uỷ viên Hội đồng cho rằng, cơ chế chính sách đặt hàng và nghiên cứu khoa học cần có chính sách rõ ràng.

GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đh Sư phạm Hà Nội, Uỷ viên Hội đồng phát biểu tại phiên họp

Ghi nhận những kết quả tích cực trong thời gian thí điểm tương đối ngắn, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Uỷ viên Hội đồng nhấn mạnh, tự chủ là một chủ trương đúng đắn, phù hợp xu thế đại học thế giới, do đó, nhận được sự ủng hộ của nhiều trường ĐH.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Đánh giá việc thực hiện tự chủ đại học bước đầu thành công, tuy nhiên,
TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GDĐT, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, vẫn có tình trạng mối quan hệ bên trong giữa Đảng uỷ, Ban giám hiệu và Hội đồng trường chưa rõ ràng. Ông Hưng kiến nghị, cần rà soát công tác thi hành Luật 34 và Nghị định 99; đồng thời, giúp đỡ, tháo gỡ ngay vấn đề về thành lập Hội đồng trường để đi vào thực chất, hiệu quả.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, thực hiện tự chủ là một quá trình; trong đó, sự thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực của các bên liên quan là vấn đề mấu chốt. Quá trình thực hiện thí điểm về tự chủ đại học đã có thành công nhất định. Đây là xu hướng không thể đảo ngược và cần làm để ngày càng tốt hơn.

“Không có gì mới mà có thể đồng bộ được ngay. Mọi thứ đang chuyển động theo chiều hướng tích cực, các văn bản đang hoàn chỉnh. Năng lực của các trường đại học, nhận thức của từng thành viên chuyển biến rõ rệt so với cách đây 3-5 năm”, Thứ trưởng đánh giá và cho biết, trước đây, nói đến tự chủ, các trường còn băn khoăn, nhưng đến nay, nhiều trường đã chủ động đề xuất.

Các đóng góp của đại biểu, chuyên gia tại phiên họp sẽ được Ban thư ký tổng hợp, chuyển những kiến nghị khả thi đến cơ quan hữu quan. “Những gì thuộc trách nhiệm của Bộ GDĐT, Bộ sẽ tiếp thu, ghi nhận để xem xét lại và đồng bộ hóa văn bản pháp luật, cũng như có hướng dẫn cách thức phù hợp”.

Văn phòng Hội đồng
(Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *