VP HĐQGGD – Chiều ngày 12/7, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiểu ban Giáo dục mầm non thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, Trưởng Tiểu ban chủ trì đã tổ chức phiên họp lấy ý kiến chuyên gia về đảm bảo an toàn cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non
Tham dự phiên họp có Ủy viên Hội đồng, các thành viên Tiểu ban, Văn phòng Hội đồng, đại diện Lãnh đạo một số Cục, Vụ liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Bắc Ninh, các tổ chức quốc tế UNICEFF, PLAN…và các chuyên gia.
Tại phiên họp Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Trưởng Tiểu ban đưa ra các vấn đề cần xin ý kiến chuyên gia: Giải pháp nào thực hiện quy định về xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường (NĐ 80)? đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm? xây dựng cơ sở vật chất? nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên? Kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm?); Giải pháp quản lý đảm bảo an toàn trong các cơ sở GDMN? (xây dựng quy chế? kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm?); Giải pháp phối hợp với gia đình trong đảm bảo an toàn cho trẻ?
Phát biểu tại phiên họp, bà Lý Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cho biết các kết quả kiểm tra khảo sát về việc thực hiện điều kiện hoạt động và đảm bảo an toàn cho trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non 09 tỉnh/thành phố, đại diện cho các vùng miền trên cả nước, hiện nay Các cơ sở GDMN đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ theo quy định tại Điều lệ trường mầm nonThực hiện tốt các quy định tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP và Thông tư số 13/2010/TT-BGDĐT, hầu hết các cơ sở GDMN đã có kế hoạch xây dựng trường học an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích, điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở GDMN về cơ bản đảm bảo theo quy định, các cơ sở GDMN đã tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình tổ chức ăn bán trú, tuyên truyền về trường học an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích đã được các cơ sở GDMN thực hiện tốt với nhiều hình thức đa dạng, các cơ sở GDMN đã xây dựng Kế hoạch PCCC tại cơ sở theo quy định và làm tốt công tác phối hợp với các ban ngành địa phương đảm bảo an toàn cho trẻ.
Tuy nhiên, một số tồn tại và hạn chế như: Giáo viên chịu nhiều áp lực trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ; Tài liệu, tập huấn giáo viên chưa đủ để đáp ứng đủ cho tất cả các giáo viên, đặc biệt là những tài liệu về phòng chống bạo lực học đường; Điều kiện về trang thiết bị để chăm sóc giáo dục trẻ lứa tuổi nhà trẻ hạn chế; việc trang bị và sử dụng, vận hành các thiết bị phòng cháy chữa cháy ở một số trường và các nhóm, lớp độc lập tư thục còn nhiều khó khăn do đội ngũ trong trường hầu hết là nữ; cơ cấu tổ chuyên môn ở một số cơ sở GDMN còn ghép giáo viên các độ tuổi và số lượng đông nên chất lượng chưa cao.
Các đại biểu, chuyên gia tham dự đưa ra các kiến nghị đề xuất trong thời gian sắp tới: Ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo ngành Giáo dục các cấp, các cơ sở GDMN về các giải pháp tăng cường điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; Có giải pháp đảm bảo định biên giáo viên/lớp và giờ làm việc của giáo viên theo đúng quy định; Đề nghị điều chỉnh Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, vì giáo viên để được hưởng lương theo hạng cao hơn, phải đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ thời gian giữ chức danh hiện hưởng, như vậy khó thu hút giáo viên vào ngành mầm non; Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung chỉ tiêu giáo viên mầm non và nhân viên hành chính (y tế học đường) trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập theo Thông tư 06/2015/TT-BGD&ĐT-BNV để đảm bảo đủ đội ngũ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Kết luận phiên họp, thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, trưởng Tiểu ban tổng hợp các ý kiến đề xuất của đại biểu và kết luận một số vấn đề cần triển khai trong thời gian tới: Tiếp tục thực hiện thể chế, điều lệ phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi; rà soát tổng kết, đánh giá để xây dựng chương trình GDMN sau 2020; đẩy mạnh công tác quản lý, tăng cường vai trò của phụ huynh với vấn đề bạo lực học đường; chăm lo đội ngũ giáo viên; yêu cầu các trường phải có các quy tắc ứng xử …và các kiến nghị: đảm bảo biên chế cho giáo viên, chấm dứt hợp đồng và tăng cường kiểm tra giám sát.