“Sao chúng ta chỉ nghĩ thiển cận là bảo vệ thị trường trong nước mà không nghĩ cách vươn ra các thị trường nước ngoài. Nước ngoài cũng có người giàu người nghèo, sản phẩm của chúng ta vẫn có thể phục vụ cho nhu cầu của thị trường ngách”, Phó TGĐ Big C Thăng Long, đại diện Central Group Việt Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Thái Dũng – Phó TGĐ BigC Thăng Long,
đại diện Central Group Việt Nam. Ảnh: Kinh tế Đô thị.
Người Thái đang “phủ sóng” thị trường tiêu dùng Việt Nam. Metro về tay TCC Holdings, Big C và Nguyễn Kim cùng về một nhà với Central Group. Trong vụ đấu giá cổ phần Sabeco mới đây, TCC cũng thông qua công ty con là Thaibev chi 4,8 tỷ USD để mua 53,59% cổ phần.
Chia sẻ về câu chuyện doanh nghiệp Thái đang phủ sóng thị trường tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Thái Dũng – Phó TGĐ BigC Thăng Long, đại diện Central Group Việt Nam – cho biết: Chính người Việt mới là yếu tố quyết định việc thành hay bại của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
Sao lại lo nhà bán lẻ ngoại khi người tiêu dùng Việt mới là người quyết định cuộc chơi?
“Thực tế, việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào hệ thống phân phối là chuyện rất bình thường. Họ tham gia vào họ cũng phải bỏ tiền ra, và khi bỏ tiền ra họ phải tính đến bài toán hiệu quả”.
“Cụ thể như Sabeco, hầu như không có nhà đầu tư trong nước nào dám bỏ một lượng tiền lớn như vậy, chấp nhận trả một giá cao như vậy để mua được cổ phần của Sabeco. Họ đầu tư là để làm sao mang lại lợi nhuận tương lai cho họ. Việc đầu tư vào hệ thống phân phối cũng vậy, người ta cũng đầu tư với kỳ vọng phục vụ cho khách hàng Việt Nam được tốt hơn”, ông Dũng nói.
Với mục đích này, ông Dũng cho rằng chắc chắn các chuỗi bán lẻ khi về tay người Thái sẽ không đưa hàng Thái vào, nếu người Việt không lựa chọn mặt hàng từ Thái đó để mua sắm. Nếu không vì người tiêu dùng Việt mà cứ cố đưa mặt hàng không dược ưa chuộng vào, bản thân các doanh nghiệp bán lẻ cũng thiệt hại về mặt doanh thu và lợi nhuận.
“Các hệ thống siêu thị sống hay chết, yếu tố quyết định vẫn là khách hàng. Chính những khách hàng người Việt Nam là người quyết định hệ thống siêu thị đấy bán cái gì, phân phối hàng ra sao, giá cả thế nào”, ông Dũng nhấn mạnh.
“Còn sản phẩm của họ (những doanh nghiệp bán lẻ ngoại – PV) đưa vào không tốt, giá đắt, đương nhiên họ không bán được hàng. Không bán được hàng là không có doanh thu, lợi nhuận, làm sao duy trì được hoạt động? Người tiêu dùng Việt Nam sẽ quyết định việc thành hay bại đó”.
Đừng chỉ bo bo giữ thị trường trong nước mà không vươn tới thị trường nước ngoài!
Quả vải Lục Ngạn của Việt Nam mới đây đã xuất khẩu được
sang thị trường Thái Lan.
Ông Dũng cũng cho biết, sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại cũng sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường Việt Nam.
“Việt Nam đang theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà nền kinh tế thị trường thì phụ thuộc rất nhiều vào cung và cầu. Đương nhiên, bất kỳ một lĩnh vực nào đều có sự cạnh tranh”, ông Dũng nói.
Để bảo vệ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cho nền kinh tế Việt Nam, đại diện Central Group Việt Nam cho rằng bản thân doanh nghiệp Việt phải nỗ lực hơn nữa, nâng cao chất lượng hơn nữa, nâng cao uy tín hơn nữa, xây dựng thương hiệu bền vững hơn nữa, cải tiến mẫu mã, bao bì, hạ giá thành sản phẩm… để chinh phục được khách hàng Việt Nam và vươn đến những thị trường khác.
“Sao chúng ta chỉ nghĩ thiển cận là bảo vệ thị trường trong nước mà không nghĩ cách vươn ra các thị trường nước ngoài. Nước ngoài cũng có người giàu người nghèo, sản phẩm của chúng ta vẫn có thể phục vụ cho nhu cầu của thị trường ngách”.
“Đặc biệt, chúng ta phải tận dụng được những cam kết khi tham gia vào hiệp định kinh tế song phương, đa phương. Sao lại chỉ bo bo nghĩ bảo vệ mình trước sự xâm lấn của các doanh nghiệp quốc tế, mà doanh nghiệp Việt Nam không nghĩ cách tận dụng những ưu đãi của những thị trường ngoài kia đối với Việt Nam, để đưa hàng Việt sang phục vụ cho người dân ở những thị trường đó. Đấy là cơ hội để chúng ta phát triển”, ông Dũng khuyến nghị.
(Theo Tri thức trẻ)