Theo cô Kim Nhung, thực tiễn cho thấy những năm qua, nội dung chương trình học bộ môn Sinh lớp 8 là học về cơ thể người nhưng nặng nề về lí thuyết và ít có những bài thực hành giúp các em đi sâu tìm hiểu nguyên nhân những căn bệnh và biện pháp bảo vệ sức khỏe cơ thể.
Dự án liên môn, tích hợp kiến thức các môn gồm Sinh học, Tiếng Anh, Thể dục và Tin học mà cô thực hiện xuất phát từ thực tiễn đời sống gắn với nội dung học tập bộ môn, nhằm giúp học sinh lựa chọn những nội dung học tập, nghiên cứu phù hợp với khả năng và hứng thú cá nhân.
Thông qua các hoạt động trong dự án, học sinh chẳng những trang bị khả năng tìm kiếm và xử lí thông tin, tư liệu mà còn biết vận dụng kiến thức từ các môn học khác nhau để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, dự án còn giúp các em cập nhật nhanh chóng kiến thức mới, hình thành kĩ năng mềm và trau dồi kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong việc chia sẻ thông tin – đó cũng là điểm mấu chốt cần thiết đối với thực tiễn dạy học hiện nay.
Năm 2015, với dự án “Thế giới nhỏ bé”, cô giáo Kim Nhung đã đạt giải ba cấp Quốc gia cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT.
Đó là dự án mà HS khối 6 của trường đã rất hào hứng và thích thú khi được hiểu biết thêm về thế giới sinh vật nhỏ bé tồn tại xung quanh các em: vi khuẩn, virus – chúng vừa mang lại nhiều lợi ích cho tự nhiên và đời sống con người nhưng mặt khác chúng cũng là nguyên nhân gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Từ đó tạo nơi các em ý thức hình thành lối sống lành mạnh, biết chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ một cách tốt nhất. Trong dự án đó, các em đã có những trải nghiệm bổ ích với các nhóm như: Nhà bác học tí hon; Nhà sản xuất sữa chua; Nhà sản xuất nem chua; Người tiêu dùng; Bác sĩ học đường…
Gần đây nhất, “Kiểm soát tăng huyết áp, Vui sống khỏe” là đề tài một dự án dạy học thú vị và bổ ích mà cô cùng các HS khối 8 của Trường THCS Văn Lang thực hiện. “Bệnh tăng huyết áp được ví như kẻ thù thầm lặng của con người, căn bệnh này không chỉ người lớn tuổi mới bị mà mọi lứa tuổi có thể mắc.
Dự án của tôi nhằm giúp các em tìm hiểu kĩ về bệnh, qua đó các em sẽ có những cách phòng ngừa như thường xuyên tập luyện thể dục đúng cách, ăn uống phù hợp… và quan trọng hơn, chính các em sẽ là tuyên truyền viên về bệnh này cho những người thân trong gia đình và thầy cô, bạn bè…”, cô Nhung chia sẻ.
Học sinh tham gia dự án được cô Kim Nhung phân ra thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên mang tên Bác sĩ tim mạch. Các em nhóm này sẽ tìm hiểu về bệnh tăng huyết áp như nguyên nhân, triệu chứng, hậu quả… Từ đó các em sẽ làm ra sản phẩm Cẩm nang phòng chống tăng huyết áp.
Nhóm 2 là Chuyên gia dinh dưỡng, xây dựng thực đơn tuần cho người bị bệnh tăng huyết áp. Nhóm ba là CLB Vui sống khỏe, xây dựng một bài tập thể dục gồm 35 động tác phù hợp với người bị cao huyết áp…
Ngoài tham khảo ở các trang thông tin y học, các em còn phải đi tới các công viên, bãi tập tìm hiểu, ghi nhận, phỏng vấn, quay hình những người lớn hay đi tập thể dục để cho ra sản phẩm video bài tập thể dục.
Đặc biệt trong dự án này, cô Kim Nhung cho HS trải nghiệm với tiết học kết nối thông qua Skype với bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp Tuyết là giảng viên Trường ĐH Thái Nguyên để tập huấn về chuyên môn, mời bác sĩ Phạm Văn Chín là BS Trung tâm dinh dưỡng TPHCM về trao đổi, chia sẻ kiến thức dinh dưỡng phòng bệnh, khiến các em vô cùng thích thú và thu về được rất nhiều kiến thức bổ ích.
Học sinh tham gia dự án còn kết nối với dự án khác liên quan đến Phòng chống béo phì của cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Trường THPT Minh Đạm, Bà Rịa-Vũng Tàu qua Skype bằng tiếng Anh. “Đây là dự án kết nối toàn cầu của cô giáo Thúy, nên HS kết nối đều sử dụng tiếng Anh.
Ngoài ra, béo phì cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp nên tôi đã tìm hiểu và kết nối để HS trao đổi, chia sẻ với nhau nhằm hiểu sâu hơn cũng như rèn luyện việc sử dụng tiếng Anh.
“Tôi để HS tự lựa chọn nhóm trên sở trường, khả năng của mỗi em, để từ đó các em tham gia một cách hào hứng và phát huy sự sáng tạo của bản thân. Các em làm việc nhóm rất tốt, sản phẩm các em làm ra bản thân tôi cũng bất ngờ. Cách học này đã giúp các em trưởng thành lên rất nhiều.
Bên cạnh đó, trong khi tham gia dự án dường như các em cũng được khơi gợi định hình về nghề nghiệp tương lai; có em mơ ước thành bác sĩ, có em muốn là chuyên gia dinh dưỡng hay làm truyền thông…, điều này cũng khiến tôi và các giáo viên của trường rất hài lòng”, cô Kim Nhung cho hay.
Từ những thôi thúc từ tình yêu với nghề giáo, với học trò, nhất là sau khi tham gia các khóa học về ứng dụng công nghệ thông tin cũng như vận dụng các phương pháp tích cực trong dạy học vài năm trước, cô Kim Nhung đã trăn trở rất nhiều về phương pháp dạy học để làm sao cho các em HS ngày càng tự giác, chủ động trong học tập, cảm thấy yêu thích việc học và biết áp dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn.
Từ tinh thần cầu tiến đó, cô đã không ngừng trau dồi chuyên môn để rồi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Bách khoa TPHCM; là chuyên gia giáo dục MIEE của Microsoft năm 2016, 2017…
Với cô Kim Nhung, một tiết học hiện đại ngày nay không bao giờ còn là hình ảnh thầy giảng – trò chép nữa. “Tôi luôn để HS của mình tự tìm hiểu, tự đúc kết nội dung của bài học; làm việc nhóm; chủ động thiết kế bài học trong lớp; tự làm những mô hình AND; vẽ tranh, làm hoa nhiều màu…, tất cả là hướng các em ứng dụng kiến thức vào thực tiễn càng nhiều càng tốt. Ví dụ, bài học về vi khuẩn, về vi sinh vật…, các em hoàn toàn có thể hiểu kĩ, nhớ lâu nhờ có những trải nghiệm thích thú khi từ kiến thức từ sách vở đến với thực tiễn thông qua việc tham gia làm sữa chua, hay đến một cơ sở sản xuất nem chua để tìm hiểu, thưởng thức món… nhậu quen thuộc này”, cô nói.