Cơ chế chính sách đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục, đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực

Ngày 3/12/2020, tại Bộ Thông tin và Truyền thông, Tiểu ban Phát triển nhân lực (PTNL) thuộc Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực đã tổ chức phiên họp theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu với chủ đề “Cơ chế chính sách đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục, đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực”. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban PTNL chủ trì phiên họp.

 

 

Toàn cảnh phiên họp

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, Trưởng Tiểu ban PTNL chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có các đồng chí ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục, thành viên Tiểu ban PTNL và các Bộ, Ban, ngành có liên quan.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vấn đề chuyển đổi số cho giáo dục đào tạo; chính sách và mô hình phát triển đào tạo trực tuyến; tăng cường phổ cập môn tiếng Anh và môn ICT trong chương trình giáo dục; giải pháp phát triển nguồn tài nguyên dữ liệu mở, kết nối dữ liệu quốc tế; Tăng cường gắn kết nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp với sản xuất kinh doanh trong, ngoài nước và nhu cầu của thị trường lao động hội nhập; Cơ chế thu hút chuyên gia, trí thức Việt kiều đóng góp xây dựng đất nước.

Chuyển đổi số trong giáo dục là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Chuyển đổi số đang được kỳ vọng tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ của giáo dục Việt Nam, đóng góp quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban PTNL chủ trì phiên họp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban PTNL nhấn mạnh: Câu chuyện giáo dục là câu chuyện lớn được nhiều người quan tâm. Trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), những thay đổi mạnh mẽ về công nghệ, chuyển đổi số sẽ tạo ra những thay đổi lớn lớn cho ngành Giáo dục. Thay vì trước đây giáo viên tập trung vào giảng dạy mất nhiều công sức, thời gian, nay giáo viên chuyển sang hướng dẫn nhiều hơn; học sinh thay vì học rồi làm, nay đi làm rồi đi học, vừa đi học vừa đi làm,… Bởi vậy, chuyển đổi số trong giáo dục làm cho việc giảng dạy và học tập trở nên dễ dàng hơn, tiếp cận tri thức dễ dàng hơn, thông qua việc tự học và học tập suốt đời.

 

GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho rằng: Chuyển đổi số trong giáo dục được hiểu là chuyển đổi hoạt động dạy và học trên môi trường số, khác với môi trường vật lý, môi trường thực trước kia. “Chuyển đổi số giáo dục phải nhìn thấy cơ hội, thách thức trong việc dạy và học. Trong đó, việc chuyển đổi phải gồm 3 trụ cột: Thay đổi về kiến thức; phương pháp dạy và học trên môi trường số; và học liệu số. Trong đó, kiến thức phải đánh giá lại, có những nội dung cần thay thế cho phù hợp với thời đại. Về phương pháp, càng ngày công nghệ càng nhiều, cách học thay đổi, học ở trường lớp và ngoài trường lớp. Đặc biệt, phải có học liệu số gắn với chương trình đào tạo; và cần có đề án quốc gia về xây dựng hệ thống học liệu số gắn với chương trình đào tạo…”

Ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng phát biểu tại phiên họp

GS.TSKH. Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT phát biểu tại phiên họp

Theo ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông: Để chuyển đổi số trong GDĐT, cần xây dựng kho dữ liệu học liệu số và bài giảng số, chia sẻ tài nguyên số đào tạo. Đồng thời, cần chuyển đổi số quản lý giáo dục: số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ số để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành giáo dục – đào tạo một cách nhanh chóng, chính xác. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học (NCKH): số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến…

PGS.TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT phát biểu tại phiên họp

PGS.TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ: Quá trình chuyển đổi số trong giáo dục ở Singapore đang diễn ra nhanh chóng, và có sự cộng hưởng giá trị vô cùng lớn, kết nối các giảng viên, chuyên gia ở trong và ngoài nước dễ dàng, có thể tương tác với sinh viên, những người ngoài trường tham gia. Chuyển đổi số có thể tạo ra bước tiến nhảy vọt, và nếu có thư viện bài giảng chuẩn, thầy cô tiết kiệm công sức và có thời gian để giúp sinh viên thực hành. Đây là bước tiến về mặt tư duy.

 

TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐT Đại học Văn Lang phát biểu tại phiên họp

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Văn Lang cho rằng: Để xây dựng đại học số, về công nghệ, Việt Nam không có vấn đề đáng ngại, nhiều cái có thể triển khai ngay, nhưng nguy cơ lớn nhất là chưa có quy định pháp luật. Do đó, rất cần có cơ chế cho phép thí điểm, có những mô hình thử nghiệm tại trường đại học.

Nhiều đại biểu cùng thống nhất cho rằng cơ quan nhà nước nên: Tạo hành lang pháp lý công nhận việc dạy và học trên môi trường mạng; cho phép thử nghiệm, đánh giá các mô hình giáo dục mới chưa có tiền lệ; bảo vệ thông tin cá nhân; tạo lập nền tảng giáo dục số quốc gia cho phép chia sẻ hệ sinh thái số; cùng với tuyên truyền và nâng cao nhận thức…

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Hiện nay, “trăm hoa đua nở”, trường nào cũng hướng tới chuyển đổi số, nhưng mỗi người làm một cách, sẽ loay hoay. Để phát triển giáo dục số, nên đưa vào thí điểm 1 – 2 trường, điều này nhiều công ty công nghệ Việt Nam có thể làm được. Nếu mô hình rõ ràng hơn thì sẽ nhân rộng nhanh hơn… Rõ ràng, cần có một chiến lược về chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Làm tốt chuyển đổi số, nhiều vấn đề khác của ngành giáo dục cũng sẽ được giải quyết.

Văn phòng Hội đồng
(Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *