Chân dung PGS Văn Như Cương, người mở trường dân lập đầu tiên ở Việt Nam

PGS. Văn Như Cương không chỉ được biết đến với vai trò là Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam, ông còn là chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa.

 

S. Văn Như Cương đã qua đời ở tuổi 80 vào rạng sáng hôm nay. Ông là một tâm hồn lớn, một trí tuệ lớn. Cho tới những ngày cuối đời, nằm trên giường bệnh với căn bệnh ung thư quái ác, ông vẫn tâm huyết với công cuộc giáo dục.

Hai tháng trước khi mất, ông vẫn gửi tâm thư gửi Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phản ánh những bất cập trong tuyển sinh đầu cấp.

Chính trị - Xã hội - Chân dung PGS Văn Như Cương, người mở trường dân lập đầu tiên ở Việt Nam

PGS.Văn Như Cương bên những người học trò thân yêu.

Trong mắt “người bạn vong niên” của ông, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) thì ông là một con người nổi tiếng, uyên thâm nhưng rất dí dỏm, hết lòng vì học sinh.

PGS. Văn Như Cương sinh năm 1937, tại Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình gia giáo.

Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ) và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ vào năm 1971.

Sau khi về nước, ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học trường đại học Sư phạm Hà Nội, đại học Sư phạm Vinh.

Ông là người mở trường dân lập đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1989, trường THPT Lương Thế Vinh ra đời. Ông làm hiệu trưởng trường này từ năm 1989 đến năm 2014.

PGS. Văn Như Cương còn là nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn Hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam.

Ông chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam.

Ông là người có nhiều câu nói để đời với những quan điểm sống nhân văn và giáo dục thiết thực.

Trong bức tâm thư của thầy Văn Như Cương gửi học sinh trường Lương Thế Vinh năm 2013, một năm trước khi thôi làm Hiệu trưởng nhắn nhủ:

“Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nghệ thuật làm cha làm mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi, nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục mà không vùi dập những điểm yếu của nó”.

“Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có.

Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đăng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội.

Đối với những người như vậy một sự chia sẻ về vật chất và tinh thần, một lời động viên, một cử chỉ đồng cảm… chính là thể hiện lòng nhân ái đối với họ. Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kị, sự vô cảm, sự thù hận… và làm cho trẻ con của chúng ta tốt đẹp và cao thượng hẳn lên”.

(Báo người đưa tin)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *