Cần chính sách đột phá phát triển giáo dục đại học

Giáo dục đại học (GDĐH) đóng vai trò quan trọng tạo sức mạnh quốc gia. Không có nước nào có thể phát triển kinh tế mạnh mẽ nếu không có các trường ĐH sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới. Bởi vậy, để thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam cần có chính sách đột phá cho GDĐH trong thời gian tới.

10 năm nhìn lại

Tại phiên họp, bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH đã báo cáo đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp cho GDĐH trong Chiến lược Giáo dục giai đoạn 2011-2020.

Theo đó, hệ thống các quy định pháp luật về giáo dục đã được sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện. Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (2018) tạo cơ sở pháp lý quan trọng, thúc đẩy tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thực hiện tốt công tác quản lý ngành và đổi mới quản trị cơ sở giáo dục.

Đào tạo đại học bắt đầu gắn kết với nhu cầu lao động của địa phương, đơn vị sử dụng lao động. Song hành với đổi mới quản trị, chất lượng GDĐH từng bước nâng cao, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao. Ở một số ngành nghề trong một số trường trọng điểm có truyền thống, trình độ của sinh viên tốt nghiệp đã tiếp cận trình độ của sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH trong khu vực.

Vị thế được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới, hiện có 08 trường ĐH của Việt Nam nằm trong top 400 trường đại học hàng đầu châu Á (theo xếp hạng QS Asia) và 03 cơ sở giáo dục đại học nằm trong nhóm 1000 trường danh tiếng nhất thế giới (theo xếp hạng THE và QS WUR).

Kiểm định chất lượng, nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo với nước ngoài đã được đẩy mạnh và đạt thành tựu đáng kể so với giai đoạn trước.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH chia sẻ thêm, Vụ GDĐH đã nghiên cứu thông tin so sánh tương quan giữa số trường ĐH với dân số của Việt Nam và một số nước khác trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Philippines…). Kết quả cho thấy, số trường đại học ở Việt Nam không quá nhiều trong điều kiện tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung (khoảng 23%) và tỷ lệ lao động có trình độ đại học nói riêng (khoảng 9,5%) ở Việt Nam còn vào loại thấp, tỷ lệ người học đại học/độ tuổi học đại học ở Việt Nam còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực (khoảng 28%).

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hiện có nhiều trường đại học hơn so với nhu cầu cần đào tạo là bởi, so với các nước phát triển hơn, Việt Nam có nhiều trường nhỏ, đơn ngành hoặc trường đa ngành phát triển từ đơn ngành, hay nhiều trường không tuyển sinh được do chất lượng thấp hoặc ở vùng không hấp dẫn, đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực không hấp dẫn…

Trong 10 năm qua, quy mô sinh viên chỉ tăng 6% và quy mô này tăng nhẹ trong nửa đầu và giảm nhẹ trong nửa cuối của thập niên. “Ở Việt Nam, tỷ lệ người học đại học trong độ tuổi học đại học đang vào loại thấp so với các nước trong khu vực”, bà Phụng nhấn mạnh.

Về nghiên cứu khoa học, nếu căn cứ vào công bố quốc tế, 10 năm qua đã khẳng định một bước tiến dài của KHCN trong các trường ĐH. Riêng năm 2019, công bố quốc tế của ngành GDĐT đạt 85% tổng số công bố quốc tế của cả nước.

Về tài chính, theo báo cáo, mặc dù tỷ lệ đóng học phí của người học vẫn chiếm phần lớn trong tài chính cho GDĐH nhưng mức chi cho GDĐH, đặc biệt là chi từ ngân sách nhà nước còn nhỏ bé so với nhiệm vụ thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

GDĐH
Nhiều đại biểu góp ý về các chỉ số phát triển GDĐH, cơ chế để GDĐH phát triển, vấn đề tự chủ, mạng lưới GDĐH, quốc tế hóa và sự hội nhập quốc tế…

Hình dung bức tranh GDĐH 10 năm tới

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá, cả số lượng và chất lượng GDĐH giai đoạn vừa qua, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng còn thấp so mặt bằng chung khu vực.

“Đầu tư ngân sách tính trên đầu sinh viên thấp, trong khi đại học công lập chiếm tới 84%, nên kỳ vọng chất lượng cao là vô cùng khó. Chúng ta rất cần một chính sách đột phá cho GDĐH”, Thứ trưởng nhận định.

Thứ trưởng cũng đề nghị các chuyên gia góp ý cho khung chiến lược và bộ chỉ số phát triển GDĐH để Tiểu ban tiếp thu, hoàn thiện.

Về định hướng mục tiêu phát triển GDĐH giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo của Vụ GDĐH đề xuất các mục tiêu chung, liên quan đến thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng và phục vụ học tập suốt đời; quy hoạch mạng lưới mở, không hạn chế sự phát triển của các trường tư thục; tăng tự chủ đại học và tính chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH;…

Báo cáo đã giới thiệu Bộ chỉ số phát triển GDĐH, tiếp cận theo 3 góc độ (GDĐH, chất lượng và đảm bảo chất lượng), với 8 chỉ số cụ thể: Tỷ lệ sinh viên học đại học, Tỷ lệ lao động có việc làm có trình độ đại học; Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, Công bố khoa học, Xếp hạng cơ sở GD ĐH theo các bảng xếp hạng; Chi cho GDĐH, Đội ngũ giảng viên ĐH, Kiểm định chất lượng giáo dục.

Trao đổi tại phiên họp, ông Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cho rằng, thay vì đặt mục tiêu tăng số lượng thì nên mở rộng các hình thức GDĐH; đẩy mạnh nhóm nghiên cứu mạnh gắn với cơ sở GDĐH, tăng cường xây dựng các tạp chí có chất lượng,…

Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong nêu, “Liệu 10 năm nữa, GDĐH có trở thành đầu tàu kéo kinh tế-xã hội không? Nếu định hướng như vậy thì bắt buộc phải nâng cấp, phải đầu tư tương xứng. Sứ mạng của ĐH còn là chia sẻ tri thức cho tất cả những người đang cần học vấn ĐH. Để nâng cao vị thế của mình, GDĐH phải làm được điều này, cũng như giúp doanh nghiệp phát triển đào tạo chuyên sâu”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Chiến lược GDĐH phải xuất phát từ Chiến lược kinh tế-xã hội của đất nước, cần quan niệm đúng, đủ về nhân lực trình độ cao và vai trò đại học, từ đó hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để tương thích với thông lệ quốc tế và thực tiễn đất nước.

Theo Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn, cần tiếp cận chiến lược, mục tiêu theo hướng giá trị cho xã hội, đất nước, người học. “Hệ thống chúng ta phải đa dạng, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, nhu cầu lâu dài, vừa dẫn dắt phát triển nền kinh tế. Đây mới là vai trò của GDĐH”, ông Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Phiên họp cũng ghi nhận nhiều ý kiến từ các trường ĐH ngoài công lập. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT nhận định, bức tranh 10 năm qua của Việt Nam cần được so sánh rộng hơn, với bức tranh các nước khác, từ đó xác định những vướng mắc cơ bản nhất, tạo căn cứ cho xây dựng chiến lược 10 năm tới. Trong đó, “Không quốc tế hóa, trong đó đặt tỷ trọng các môn học bằng tiếng Anh như một chỉ tiêu bắt buộc thì không thể nâng cao chất lượng đào tạo”, ông Tùng khẳng định.

Ông Nguyễn Cao Trí, Phó Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Văn Lang bày tỏ: “Để phát triển, chúng tôi rất cần chính sách mở. Khi đó, bức tranh GDĐH Việt Nam sẽ được mở ra”.

Tiếp thu góp ý của các chuyên gia, lãnh đạo các cơ sở GDĐH, cùng góp ý của đại diện Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chỉ đạo tiếp thu, xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục, trong đó có GDĐH, dựa vào Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, gắn chặt với chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua và giai đoạn sắp tới.

 “Nỗ lực của Bộ GDĐT thôi chưa đủ, rất cần các Bộ ngành khác ủng hộ. Với nền tảng cơ bản hiện có, năng lực học hỏi của người Việt Nam, quyết tâm thay đổi của các trường, cùng chính sách, đầu tư phù hợp, quyết liệt, hệ thống GDĐH trong những năm tới mới có thể phát triển đột phá”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định.

Văn phòng Hội đồng
(Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *