Các trường đại học cần hướng đến nguồn thu từ nghiên cứu
23/04/2019
Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc tại Hội thảo “Xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 22/4 tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu đến từ nhiều trường đại học phía Nam.
Nguồn thu chủ yếu từ học phí
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, hiện nay nguồn thu chính của đa phần các trường đại học của Việt Nam là dựa vào học phí, kể cả những trường có công bố khoa học mạnh nhất. Trong khi đó, các trường đại học nước ngoài có nguồn thu rất lớn từ nghiên cứu khoa học.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo
“Tôi từng trao đổi với hiệu trưởng Trường Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) và được biết nguồn thu mỗi năm của trường này từ hoạt động khoa học công nghệ lên tới 900 triệu USD. Ngay Đại học Quốc gia Hàn Quốc cũng khoảng 300-400 triệu USD mỗi năm… So sánh mới thấy, nguồn thu này của các đại học Việt Nam quá nhỏ bé” – Thứ trưởng cho hay.
Từ thực tế đó, theo Thứ trưởng, các trường đại học cần có bước chuyển mạnh mẽ hướng đến có nguồn thu từ nghiên cứu thực sự chứ không chỉ dựa vào học phí như hiện nay.
Thông tin về số lượng công bố quốc tế của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, công bố quốc tế thông qua bài báo ISI của các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT tăng 26% mỗi năm. Theo thống kê, công bố quốc tế của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, nếu so với 5 năm trước, số lượng đã tăng gấp đôi về số lượng.
“Một số trường đã chú trọng và đầu tư mạnh cho hoạt động này và đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của thế giới thì nghiên cứu khoa học trong các trường đại học vẫn còn yếu” – Thứ trưởng nêu rõ.
Để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2025 Việt Nam có 4 trường đại học lọt top 1.000 thế giới, Thứ trưởng khẳng định, bắt buộc phải có hành lang pháp lý để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong các nhà trường. Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 sẽ tạo bước ngoặt cho nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.
“Vấn đề là phải đồng bộ các chính sách và quy định kèm theo. Việc này Bộ GD&ĐT đang tích cực làm để tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất thúc đẩy nghiên cứu khoa học trở thành mục tiêu, động lực phát triển của các cơ sở giáo dục đại học”.
Hướng đến các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học
Có 2 chính sách được thảo luận lấy ý kiến tại Hội thảo, đó là chính sách triển nhóm nghiên cứu mạnh và chương trình nghiên cứu trọng điểm và hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Theo thống kê, hiện nay cả nước có hơn 900 nhóm nghiên cứu được hình thành với sự tham gia của hàng ngàn nhà khoa học thuộc các cơ sở giáo dục đại học nhưng chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn chung trong toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam; chế độ khuyến khích, đãi ngộ và kinh phí cấp cho các nhóm nghiên cứu mạnh này hoạt động còn nhiều khác biệt và chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nghiên cứu đỉnh cao.
Do đó, Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí cho các nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện vai trò dẫn dắt hoạt động khoa học công nghệ trong việc thực hiện các chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đòi hỏi ở tầm quốc gia, quốc tế.
Tại Hội thảo, các ý kiến đã tập trung thảo luận về cơ chế, chính sách đầu tư kinh phí cho các nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện các nghiên cứu ở nước ngoài, tham dự hội thảo khoa học quốc tế, hỗ trợ kinh phí hướng dẫn nghiên cứu sinh, hay cấp kinh phí thông qua các chương trình nghiên cứu trong 5-10 năm, giảm giờ dạy cho các thành viên chủ chốt để tập trung thời gian cho nghiên cứu…
Đối với hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, các ý kiến tập trung vào giải pháp đưa các ý tưởng sáng tạo của các nhà khoa học vào thực tiễn; thu hút kinh phí tài trợ cho phát triển các kết quả nghiên cứu từ các ý tưởng sáng tạo của giảng viên; gắn kết nhà khoa học trong trường đại học với doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu sáng tạo; giải pháp để các nhà khoa học có các công nghệ và sản phẩm mới có thể xây dựng thành công doanh nghiệp của chính mình trong trường đại học nơi họ công tác…
Trước khi diễn ra Hội thảo, Bộ GD&ĐT đã tổ chức 4 đoàn đi khảo sát thực tế tại 20 cơ sở giáo dục đại học lớn, trong đó có 2 Đại học Quốc gia, 3 Đại học vùng và một số trường đại học ngoài công lập. Hơn 300 ý kiến của các nhà khoa học, các trưởng nhóm nghiên cứu và các nhà quản lý hoạt động khoa học và công nghệ đã được tập hợp từ các chuyến khảo sát này.
Sau Hội thảo tại TP Hồ Chí Minh, ngày 25/4, một Hội thảo tương tự sẽ được tổ chức tại Hà Nội.
Trung tâm truyền thông giáo dục
(Bộ Giáo dục và Đào tạo)